Du học sinh “trượt dốc” vì sống thử

0
2302

Du học sinh nơi xứ người phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm khiến nhiều bạn chọn cho mình hình thức sống thử để rồi tạo ra nhiều hậu quả đáng tiếc khi học hành dở dang, tinh thần giảm sút, dễ sa đà vào những tệ nạn xã hội.

Có vô vàn chuyện éo le của những cô cậu mười tám, đôi mươi khi bắt đầu cuộc sống du học. Không phải ai cũng xác định rõ mục tiêu học tập và chuẩn bị kế hoạch rõ ràng cho 4 – 5 năm trời nơi đất khách. Chính vì vậy mà chúng ta vẫn bắt gặp những hoàn cảnh đau lòng.

Từ thất tình đến khói cần sa

Khi là sinh viên năm nhất Đại học Adelaide, Australia, Nguyễn Thế Hoàng đã dọn về ở chung phòng với bạn gái, cũng là du học sinh Việt Nam. Những đồng lương làm thêm giúp nam sinh lo được cho cuộc sống của cả hai người.

Hoàng kể làm thêm nhiều nghề, từ cắt cỏ, nông trại, nấu ăn tại nhà hàng…, mỗi tuần kiếm được 600 AUD. Trong khi đó, chi phí ăn ở hết khoảng 250 AUD. Mải làm thêm, mỗi tuần, nam sinh chỉ đến trường 2 buổi, có tuần còn không đi học.

Cuộc sống êm đềm trôi cho đến khi chuyện tình cảm với người yêu rạn nứt. Hoàng chứng kiến bạn gái kết hôn với người bản xứ lớn tuổi và thành đạt. Cùng lúc đó, nhà trường thông báo cậu phải học lại nhiều môn với số tiền học khá lớn.

Chàng sinh viên từng được học bổng nay phải lao vào kiếm tiền học lại. Thất tình khiến Hoàng tìm đến các quán bar, sàn nhảy vào cuối tuần để giải khuây. Tại đây, cậu hút điếu cần sa đầu tiên trong tiếng khích lệ của bạn bè.

Cũng từ đó, Hoàng chuyển đến sống cùng một nhóm bạn du học sinh Việt Nam. “Mình thường thức giấc lúc 12h trưa, ngủ dậy là cùng bạn bè ‘bắn điếu cần’ rồi chuẩn bị cho ca làm vào buổi chiều, thậm chí không cần ăn trưa”.

Theo chia sẻ của nam sinh, sinh viên ở đây mua cần sa không khó. Thứ hàng này được bán công khai trong các vũ trường, quán bar. Thậm chí, Hoàng còn chứng kiến nhiều du học sinh phân phối cần sa tới khách.

du-hoc-sinh-truot-doc-vi-song-thu-2
Nhiều sinh viên lựa chọn sống thử để bớt cô đơn nơi đất khách. Ảnh: Zing

Có khá nhiều du học sinh, đặc biệt những bạn gia đình có điều kiện, tìm đến cần sa với quan điểm “thú chơi thời thượng, không gây nghiện, không hại sức khỏe”. Với trải nghiệm “xương máu” của mình, Hoàng khẳng định sinh viên sẽ không thể học nổi nếu dính vào thú chơi này.

Đến giờ ngẫm lại, Hoàng thấy khoảng thời gian bỏ học làm thêm và mải mê sống thử chính là sai lầm dẫn đến cú trượt dài vào lối sống bê tha. Cậu đã quên mất ước mơ trở thành kỹ sư khai khoáng từ những ngày đầu bước chân sang xứ người du học. Đến cuối năm 2, nợ môn chồng chất, chàng sinh viên từng nhận học bổng toàn phần đành ngậm ngùi về nước với hai bàn tay trắng.

Yêu say đắm, phá thai cay đắng

Cùng cảnh xa nhà, muốn “dựa vào nhau mà sống”, Hoài Thu, sinh viên năm cuối Đại học Shanghai Dianji University (Trung Quốc) từng cho bạn trai về ở chung phòng.

Tình cảm của hai người bắt đầu từ khi Hoài Thu mới sang Trung Quốc. Những tháng ngày bỡ ngỡ ở trường mới của cô luôn có sự giúp đỡ của một bạn đồng hương là sinh viên khóa trên. Sau vài tháng “thử thách”, cô bạn tin tưởng người yêu và đồng ý sống chung để tiết kiệm sinh hoạt phí.

“Cũng từ đó, mình quấn lấy anh ta như hình với bóng. Anh tặng mình những món quà đắt tiền, đưa tới những quán ăn sang trọng… Mình đã nghĩ ngay cả khi việc học hành không thuận lợi thì vẫn có anh ấy là chỗ dựa suốt đời”, Thu tâm sự.

Chuẩn bị thi học kỳ, Hoài Thu phát hiện mình có thai. Ngay khi biết tin, bạn trai lập tức chuyển ra ở riêng. “Hắn không chăm sóc mình được một ngày, không được một câu hỏi han hay một xu tiền viện phí. Lấy cớ đi xem bói người ta bảo không phải con của mình, hắn lại quay ra chửi mình thậm tệ, xua đuổi mình”, nữ sinh cay đắng nhớ lại.

Những ngày sau đó, Thu chắt chiu nhịn ăn từng xu để có tiền đi khám thai. Cô cũng quên luôn đợt thi học kỳ đang diễn ra. “Lúc đó, mình đã suy nghĩ rất nhiều. Nếu sinh cũng không thể lo cho con cuộc sống đầy đủ như người khác. Hơn nữa, mình sẽ phải về nước ngay lập tức vì luật di trú không cho phép du học sinh mang thai”. Nói đến đây, mắt nữ sinh ngấn lệ, cô không dám nói tiếp về những điều mình đã làm sau đó.

Hoài Thu tâm sự, quyết định du học không phải là nguyện vọng của cô, mà nghe theo lời bố mẹ, vì họ nghĩ đó là việc đầu tư đúng đắn. Đến khi thấy năng lực của mình không đủ để thích nghi với môi trường mới, cô đành dựa vào những người con trai đối xử tốt với mình.

Học cách sống tự lập và lành mạnh

Nguyễn Trà My, sinh viên năm ba, Guangxi Traditional Medical University (Trung Quốc) cho biết, việc du học sinh yêu nhau, sống thử không phải hiếm tại nơi cô sống. Nữ sinh đã chứng kiến không ít những rắc rối từ sống thử ảnh hưởng xấu đến học hành.

du-hoc-sinh-truot-doc-vi-song-thu-1
Sinh viên sinh hoạt lành mạnh trong các hội, nhóm du học sinh. Trong ảnh: Hội sinh viên Việt Nam tại Adelaide, Australia.

“Mình nghĩ nếu hai người biết cách thì có thể vừa yêu vừa học, mỗi người đều có khoảng không gian riêng. Nếu bạn trai đòi sống chung, mình sẽ kiên quyết không đồng ý và nói rõ lý do. Nếu như vẫn đòi bằng được tức là anh ta chưa tôn trọng mình và đó chính là tín hiệu để dừng mối quan hệ lại”, Trà My chia sẻ.

Theo Lê Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Adelaide, Australia, du học sinh xa nhà phải tự lập. Không chỉ việc tự đi học, tự nấu ăn mà còn là tự ý thức trách nhiệm đối với mọi quyết định của mình.

Khi đã tiếp xúc văn hóa phương tây, những trải nghiệm như sống thử hay vào quán bar, hộp đêm là khó tránh khỏi. Mặc dù sẽ có những quyết định dẫn đến những hệ lụy không đáng có, nhưng hướng đi nào cũng đều mang lại trải nghiệm và bài học cho chính chúng ta.

“Sau những cuộc vui nguời ta lại nhớ đến gia đình. Có những lúc chúng ta vấp ngã, nhưng thường những bạn biết đứng dậy sẽ có động lực để hoàn thiện bản thân mình và vươn xa hơn”, Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Có thể thấy để tránh cảm giác cô đơn, lạc lõng nơi xứ người, bạn có thể tham gia các hội nhóm với những chương trình ý nghĩa. Qua những buổi giao lưu hội nhóm này, bạn không chỉ góp phần giới thiệu đất nước mình mà chúng còn là kỷ niệm đẹp, góp phần tạo nên hành trang sau khi ra trường của bạn.

Nguồn: Zing

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments