Làm việc 4 ngày/tuần có làm cho chúng ta hạnh phúc và năng suất hơn không?

0
148

Vietucnews – Việc công ty dịch vụ tài chính New Zealand Perpetual Guardian bắt đầu thử nghiệm một tuần với 4 ngày làm việc vào đầu năm ngoái đã khiến rất nhiều nhà tuyển dụng và hoạch định chính sách quan tâm.

Các nhân viên cảm thấy ít căng thẳng và làm việc lấy lệ hơn, được trao nhiều quyền tự do và tận tụy hơn với công việc.

Chắc chắn là ý tưởng này nghe có vẻ khá hay nhưng liệu có hiệu quả?

Trong cuộc thử nghiệm kéo dài 8 tuần, Perpetual Guardian đã yêu cầu 240 nhân viên của mình làm việc từ 5 ngày/tuần xuống còn 4 ngày/ tuần mà vẫn duy trì mức lương.

Các kết quả tỏ ra đầy hứa hẹn khi vào tháng 11 năm ngoái, ban quản lý đã cho nhân viên lựa chọn tham gia thử nghiệm và làm việc 30 giờ thay vì 37,5 giờ/tuần.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi thử nghiệm mang lại thành công tích cực.

Thí nghiệm này được theo dõi bởi các học giả tại Đại học Auckland và Đại học Công nghệ Auckland.

Nghiên cứu của họ công bố trong tuần này cho thấy trong 4 ngày làm việc/tuần, năng suất tăng lên tăng 20%. Do đó, không có sự sụt giảm nào trong tổng khối lượng công việc được hoàn thành.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, so với một cuộc khảo sát nhân viên năm 2017 thì trong thí nghiệm này, các nhân viên cảm thấy ít căng thẳng và làm việc lấy lệ hơn, được trao nhiều quyền tự do và tận tụy hơn với công việc.

Nói cách khác, các nhân viên làm việc hiệu quả hơn và rõ ràng là hạnh phúc hơn.

“Các nhân viên đã nói về sự cần thiết phải ‘tương trợ lẫn nhau’ để làm cho chính sách mới hoạt động có hiệu quả”, Tiến sĩ Helen Delaney của Đại học Auckland nói.

“Nhiều nhân viên cũng nói về mức độ kích thích trí tuệ và sáng tạo trong cuộc thử nghiệm.

“Nhiều nhân viên cho biết cuộc thử nghiệm đã giúp họ tăng sự tự tin và giúp họ có nhiều tiếng nói hơn về cách họ làm việc.

“Một số người cảm thấy tự tin hơn về việc đưa ra quyết định và tăng tính chủ động – một tuyên bố được ban quản lý nhắc đi nhắc lại”.

Người Úc làm việc nhiều giờ, nhưng có hiệu quả hơn?

Người Úc hiện đang phải làm việc nhiều giờ và nhiều người muốn làm việc ít hơn.

Mặc dù số giờ làm việc trung bình hàng tuần đã giảm kể từ năm 2002, nhưng điều đó một phần là do tình trạng thiếu việc làm. Úc đứng thứ 9 trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (gồm hầu hết các nước phát triển trên thế giới) về tỷ lệ lao động làm việc nhiều giờ – những người thường làm việc hơn 50 giờ/tuần.

Một cuộc khảo sát toàn quốc năm 2015 cho thấy 26% người lao động thích làm việc ít giờ hơn trong khi 16% thích làm việc nhiều hơn.

Mặc dù thời gian dài, số thời gian dành để làm việc lại không quá cao.

Một nghiên cứu năm 2017 của Vương quốc Anh cho thấy thời gian dành để làm việc trung bình là 2 giờ 53 phút/ngày, thời gian còn lại dành cho mạng xã hội, đọc báo, tán gẫu với đồng nghiệp, ăn uống, hút thuốc và tìm kiếm việc làm mới.

Gần 80% cho biết họ không thấy tính hiệu quả trong suốt cả ngày làm việc và hơn một nửa cho biết những thứ tiêu khiển như vậy giúp ngày làm việc của họ trở nên “dễ chịu hơn”.

Trong cuốn sách “Bullshit Jobs” (những việc nhảm nhí) xuất bản năm 2018, nhà nhân chủng học David Graeber cho rằng lý do tự động hóa đã không dẫn đến thời gian làm việc 15 giờ/tuần như dự đoán của các nhà kinh tế vào năm 1930 là do thời gian dành cho việc vô bổ tăng trong các ngành dịch vụ.

Tự động hóa đã không dẫn đến thời gian làm việc 15 giờ/tuần như dự đoán của các nhà kinh tế vào năm 1930.

“Ngày càng có nhiều nhân viên thấy mình làm việc 40, thậm chí 50 giờ/tuần trên giấy, nhưng hiệu quả làm việc chỉ bằng 15 giờ”, ông viết.

Thời gian còn lại của họ dành cho việc tổ chức hoặc tham dự các hội thảo tạo động lực, cập nhật hồ sơ Facebook hoặc tải dữ liệu xuống các đầu thu TV.

Các nhân viên tại Perpetual Guardian cho rằng khi tuần làm việc ngắn hơn, mọi người trở nên ý thức hơn về việc không lãng phí thời gian.

Giám đốc điều hành của công ty, Andrew Barnes, đã kêu gọi các ông chủ công ty khác làm theo mô hình như vậy, nói rằng làm việc 4 ngày/tuần là “một ý tưởng đã đến lúc thực hiện”.

Công ty của New Zealand cho biết họ đã nhận được 350 yêu cầu từ 28 quốc gia, bao gồm cả Úc, về cách hướng dẫn để thực hiện đổi sang làm việc ít giờ hơn.

Nguồn: abc.net.au