Vietucnews – Sự bùng nổ của các trang mạng xã hội giới thiệu các cô dâu châu Á trẻ tuổi làm gia tăng đột biến tình trạng lạm dụng và bóc lột trong hôn nhân. Theo báo cáo, một số phụ nữ đang bị giam cầm trong các ngôi nhà ngoại ô trong những tình huống có thể cấu thành nạn buôn người.
Theo đó:
- Có đến 7.000 người đến Úc với thị thực Hôn nhân Triển vọng (Prospective Marriage) mỗi năm
- Lạm dụng tăng đột biến trong những năm gần đây, nhiều báo cáo cho thấy có tình trạng phụ nữ bị giam cầm
- Chính phủ Liên bang đang thực hiện một số thay đổi để cải thiện tình trạng bóc lột trong hôn nhân
6 phụ nữ từ Thái Lan, Indonesia và Philippines đã tiết lộ câu chuyện của họ với ABC News với hy vọng có thể ngăn chặn những người phụ nữ khác bị dụ dỗ vào các mối quan hệ lạm dụng với đàn ông Úc.
“Chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp kinh hoàng. Nạn nhân hoặc phải chịu bạo hành thể chất nghiêm trọng, hoặc đơn giản là không thể thoát khỏi căn nhà”, bà Kathy Bogoyev, luật sư di cư, cho hay.
“Một số vụ thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án liên bang do liên quan đến nô lệ tình dục và loại tội phạm lao động gần như bị ép buộc, vì vậy tôi nghĩ rằng có một chút chồng chéo giữa các vụ án nghiêm trọng với nạn buôn người và tội nô lệ.”
Nhân viên xã hội Alicia Asic (tổ chức hỗ trợ Đa Văn hóa Tương lai ở Perth) cho biết cô cũng chứng kiến ngày càng nhiều người được gọi là “cô dâu Internet” bị lạm dụng.
Cô nói rằng phụ nữ chủ yếu là người gốc Á kết hôn với đàn ông Úc để có một cuộc sống tốt hơn, nhưng lại rơi vào một tình huống rất không lành mạnh và nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng.
“Bị tước đoạt tự do, giam cầm, lạm dụng thể xác, tình cảm và tình dục là những gì xảy đến với họ.”
“Họ rất dễ bị tổn thương bởi vì nhiều người trong số họ vẫn đang học tiếng Anh và không nhận thức được quyền của mình ở Úc.”
“Rất nhiều người trong số họ không được dùng điện thoại hoặc Internet, và họ không biết làm thế nào để tìm kiếm sự giúp đỡ.”
Contents
Lời người trong cuộc: Jane*
Jane* đến từ một làng quê nghèo ở Philippines. Mới ngoài 20 một chút, cô đã quyết định sẽ lấy chồng ngoại quốc.
“Tôi đã cố gắng tiết kiệm tiền để đi học đại học nhưng ở nước tôi, đàn ông là người có quyền quyết định. Phụ nữ chỉ có thể nghe lời đàn ông…tôi nghe nói ở nước ngoài thì mọi chuyện tốt hơn,” Jane kể.
“Thế là tôi tham gia một trang web hẹn hò dành cho đàn ông da trắng gặp gỡ phụ nữ châu Á. Đó là nơi tôi gặp chồng cũ của tôi, một người đàn ông ở Perth.”
Cô nói anh ta gây áp lực để cô đính hôn nhanh chóng, nhưng sau đám cưới thì chồng cô thay đổi hoàn toàn.
“Anh ta rất hay ghen và ưa kiểm soát. Anh ta đã khiến tôi mang thai trong vòng ba tháng vì nghĩ rằng làm vậy thì tôi sẽ không thể rời bỏ anh ta.”
“Anh ta lắp cửa an toàn. Khi đi làm thì anh ta khóa cửa lại, tôi và con trai bị nhốt ở trong nhà cả ngày.”
“Tôi đòi lại hộ chiếu nhưng anh ta khóa nó trong két. Vì thế, ti chẳng thể bỏ đi cho dù tôi có muốn đi chăng nữa. Tôi chẳng có gì cả, không có phương tiện đi lại, không có tiền, không có tự do.” Cô nói anh ta ép cô quan hệ tình dục với mình.
“Cuối cùng thì có một người bạn nói với tôi rằng tôi không cần phải thân mật với chồng khi tôi không muốn cho dù chúng tôi đã kết hôn. Trước đây, tôi chẳng hề biết điều đó”, cô nói.
Jane khóc nức nở khi kể lại cái đêm khiến cô ấy muốn trốn chạy.
“Anh ta bế tôi lên giường rồi ra lệnh: Cô nằm yên ở đó!
Tôi rất sợ những gì sẽ xảy ra với tôi”, cô nói.
Cuối cùng Jane đã có thể trốn khỏi nhà. Mất một năm xoay sở, cô đã có một cuộc sống độc lập mới ở Úc. Hiện tại cô làm việc toàn thời gian tại một khách sạn và tiết kiệm tiền để thực hiện ước mơ vào đại học. Cô ấy nói rằng thật đáng buồn khi nghĩ rằng có những phụ nữ trẻ khác bị mắc kẹt trong các ngôi nhà ngoại ô trong những tình huống tương tự.
“Trước đây tôi không biết có từ “nô lệ,” nhưng bây giờ tôi nghĩ hồi đó tôi đã là nô lệ của anh ta.”
“Vì ở quê nhà nghèo khó mà người ta phải đến đây kết hôn. Tôi tin rằng có rất nhiều phụ nữ ngoài kia không thể cất lên tiếng nói bảo vệ chính mình.”
“Tôi chỉ muốn nói với họ rằng có sự cứu trợ cho họ, và họ có thể thoát ra.’
Lời người trong cuộc: Menik*
Menik* gặp người đàn ông cô sẽ kết hôn lần đầu tiên tại trung tâm mua sắm nơi cô làm việc ở Bali. Họ giữ liên lạc online, và anh ta thuyết phục cô đến thăm mình tại Úc. Trong chuyến đến thăm anh ta lần thứ 2 ở Perth (do anh ta đài thọ chi phí), cô bắt đầu thấy sợ.
“Anh ta đẹp trai và tử tế. Lần đầu gặp gỡ, anh tôn trọng tôi và đối tốt với tôi, nhưng sau đó thì không còn như vậy nữa,” cô kể.
“Anh ta uống say và đòi quan hệ. Cho dù tôi mệt mỏi và từ chối, anh ta vẫn nằng nặc đòi, có khi là 2-3 lần một ngày.”
Menik cho rằng chồng cô nhắm vào mình vì cô là người châu Á.
“Chồng tôi ghét phụ nữ Úc, anh ta nói họ vô dụng. Anh ta bảo tôi là họ không nấu nướng hay dọn dẹp, và họ không thích thân mật sau khi sinh con.”
Menik không có tiền mua vé máy bay về nhà, và phải cầu xin chồng mua cho.
“Anh ta nói tôi phải trả cho anh ta 5.000 đô nếu tôi muốn quay lại Bali, đó là tiền anh ta làm hộ chiếu và visa cho tôi,” cô kể lại.
“Vì không có tiền nên tôi phải mát-xa cho anh ta và cho anh ta quan hệ mỗi ngày cho đến khi anh ta buông tha tôi.”
Khi cô trở về Indonesia, một người môi giới địa phương đe dọa cô, và bảo cô phải trả anh ta 5,000 đô trừ khi cô trở lại Úc. Cô mủi lòng, lo lắng gia đình sẽ gặp họa.
“Khi tôi quay lại, anh ta tát tôi cho đến khi tôi bị bầm tím, và bóp cổ tôi, tôi nghĩ là tôi sắp chết,” Menik nghĩ lại.
“Tôi sợ anh ta sẽ giết tôi. Tôi nghĩ có lẽ lần này tôi phải chết rồi.”
Sau một năm bạo lực triền miên, Menik trốn thoát đến nơi tạm trú dành cho phụ nữ. Cô không biết sẽ ở đây đến bao giờ bởi việc xin xin thị thực cư trú miễn trừ đặc biệt để ở lại Úc là một hành trình dai dẳng và tốn kém. Cô nói rằng cô không muốn về nhà. Gia đình cô cho rằng cô nên ở lại với chồng dù bị bạo hành.
Kỷ nguyên mới của “những cô dâu đặt hàng qua thư”
Hàng thập kỉ qua, phụ nữ từ các nước đang phát triển đã đến các quốc gia giàu có như Úc và Hoa Kỳ thường là trong các thỏa thuận các bên cùng có lợi. Theo Bộ Nội vụ, mỗi năm có khoảng 3.000-7.000 người đến Úc với thị thực Hôn nhân Triển vọng.
Kể từ năm 2010, số lượng phụ nữ Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan đến Úc đã đạt đến con số kỉ lục. Charlie Morton, người điều hành một trang web hẹn hò quốc tế có tên “International Love Scout,” cho biết việc định kiến với “cô dâu đặt hàng qua thư” là không công bằng.
“Những anh chàng đi hẹn hò ở nước ngoài có xu hướng là những người đàn ông lớn tuổi, không hài lòng với việc hẹn hò ở đất nước của họ, và họ nhấn thấy mình hấp dẫn và được theo đuổi nhiều hơn ngay khi họ xuất ngoại,” ông này cho biết.
“Ngầm bên dưới là một giao dịch được thực hiện: một chàng trai bình thường ở Úc trở nên có giá ở Phillipines; mọi cô gái tin rằng cưới được chồng Úc giống như trúng xổ số vậy.”
“Hầu hết những phản hồi chúng tôi nhận được đều khả quan, và có rất nhiều cuộc hôn nhân hạnh phúc.”
“Nhưng bạn có thể thấy, những anh chàng thỉnh thoảng có vấn đề về thái độ thường xuyên sử dụng các phòng chat quản lí lỏng lẻo hơn vì những nơi này không kiểm chứng những người tham gia là nam giới chặt chẽ như những dịch vụ hẹn hò có uy tín.”
Những người khác chỉ ra rằng việc trục lợi có thể diễn ra ở 2 chiều. Một số phụ nữ đã bỏ người chồng Úc của mình ngay khi có được quyền thường trú. Richard Olszowy đến từ Perth có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với người vợ gốc Indonesia tên Astrid của mình trong gần 30 năm. Ông cho biết đã thấy điều đó xảy ra.
“Chúng tôi yêu nhau khi tôi đi công tác Indonesia. Astrid làm đại lí du lịch ở đó. Tình huống mà chúng tôi gặp nhau thì hơi khác biệt một chút.”
“Tôi nghĩ rằng phần lớn các cuộc hôn nhân đó đều là tình huống đôi bên cùng có lợi: chàng trai thì tìm được người con gái yêu và tôn trọng mình, còn cô gái thì có một cuộc sống tốt hơn và không quên điều đó.”
Nhưng đôi khi sẽ có trường hợp người phụ nữ kết hôn để kiếm lợi cho mình, mong muốn có cuộc sống tốt hơn, và sau khoảng 2 năm thì ly hôn. Việc lợi dụng hôn nhân có thể xảy ra ở cả hai phía.
Nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc bên nhau
Tờ ABC đã phỏng vấn một số cặp đôi vượt qua rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa để ổn định cuộc sống tại một lớp khiêu vũ Indonesia rực rỡ màu sắc ở vùng ngoại ô phía nam thành phố Perth.
Kristianingsih Dian Rahayu, 32 tuổi, chuyển đến Perth vào năm 2018 để kết hôn với một người đàn ông mà cô gặp trên một trang web hẹn hò, và nói rằng họ rất yêu nhau.
“Chúng tôi đã gặp nhau trên trang web “Indonesian Cupid”, tôi thích anh ấy ngay lập tức,” cô nói.
“Sau đó, chúng tôi đã gặp nhau trong năm ngày ở Singapore và khoảng thời gian đó thật tuyệt vời. Chúng tôi đi đến quyết định là chúng tôi hợp nhau và sẽ duy trì mối quan hệ.”
Khi được hỏi liệu có sự mất cân bằng quyền lực trong mối quan hệ hay không, Dian trầm ngâm suy nghĩ.
“Tôi đoán là anh ấy vẫn chu cấp cho tôi vì tôi chưa tìm được việc. Anh ấy là trụ cột trong nhà.”
“Vì thế tôi chắc là sẽ ở nhà chăm lo cho gia đình khi anh ấy đi làm. Nhưng tôi rất hạnh phúc. Tôi rất vui vì chúng tôi đã gặp nhau, và tôi sẽ sớm có visa. Điều đó thật tuyệt.”
Chính phủ hành động để cải thiện tình hình
Chính phủ Liên bang đã thực hiện một số thay đổi nhằm hạn chế bóc lột trong hôn nhân.
Một công dân chỉ có thể bảo lãnh tối đa 2 người nước ngoài theo diện visa hôn nhân trong suốt cuộc đời mình, các đạo luật ban hành năm 2018 yêu cầu người bảo lãnh phải có lí lịch tư pháp và phải được kiểm tra phẩm hạnh. Ngoài ra còn có những miễn trừ đặc biệt cho những người có thị thực hôn nhân trong tương lai ở lại Úc nếu họ có thể chứng minh rằng họ phải thoát khỏi mối quan hệ vì bạo lực. Mỗi năm có khoảng 300-400 người xin thị thực được chấp thuận.
Nhưng theo thông tin từ những người giúp đỡ những người phụ nữ thoát khỏi các mối quan hệ bạo lực, hiếm khi những người vi phạm bị truy tố, vì nạn nhân sợ bị trả thù, đối mặt với cảnh sát và bị trục xuất.
“Chúng tôi thấy nam giới dựa vào quyền kiểm soát visa hôn nhân (Partner Visa) của bạn đời nước ngoài của mình mà đe dọa họ và giữ mối quan hệ bạo lực với họ,” luật sư Bogoyev cho hay.
“Đó là một hình thức ép buộc và kiểm soát có thể rất nguy hiểm.”
Phụ nữ rời khỏi một mối quan hệ thường không đủ điều kiện được hưởng các dịch vụ cộng đồng của Centrelink hay Medicare, do đó phải nương nhờ vào các tổ chức từ thiện nhà thờ hoặc nơi tạm trú dành cho phụ nữ.
Dữ liệu được thu thập năm 2016 bởi Hội đồng Phụ nữ về Dịch vụ Bạo hành Gia đình của WA cho thấy có khoảng 300 phụ nữ và trẻ em không có thu nhập hoặc thường trú tại các trại tị nạn trên toàn tiểu bang. Một số người thì trông cậy vào chương trình nhà ở khẩn cấp từ 1-2 năm trong khi chờ đơn xin thị thực của họ được xử lý.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Nguồn: abc.net.au
- Lễ Tình nhân: Nhiều trái tim tan vỡ vì những kẻ lừa tình qua mạng
- Lấy chồng lấy vợ khi du học Úc có được nghỉ học?
- Úc: Góc khuất đằng sau vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ