Vietucnews – Úc vừa ghi nhận quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế nước này sụt giảm tính theo bình quân đầu người.
Loại bỏ tác động của tăng trưởng dân số từ số liệu GDP quý 4/2018, tăng trưởng của nền kinh tế Úc giảm 0,2% trong 3 tháng cuối năm, sau khi đã giảm 0,1% trong 3 tháng quý 3/2018.
Tăng trưởng dân số không làm cho bức tranh kinh tế sáng sủa hơn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 0,2% trong quý IV/2018.
Kết quả yếu kém trên đã kéo mức tăng trưởng kinh tế của Úc năm 2018 xuống còn 2,3%, thấp hơn nhiều so với dự báo đầy lạc quan của Ngân hàng Dự trữ Úc là 2,8%, thậm chí thấp hơn cả những dự báo của các nhà phân tích vốn không mấy lạc quan.
Điều đó cũng cho thấy kinh tế Úc chững lại một cách đáng kể trong năm ngoái, với mức tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm chỉ ở mức 1%, so với con số khá cao 4% trong những tháng đầu năm.
“Tăng trưởng kinh tế đã lắng xuống, phản ánh chi tiêu hộ gia đình và đầu tư nhà ở giảm xuống”, Bruce Hockman, kinh tế trưởng của ABS cho biết.
“Số các dự án xây dựng nhà ở được phê duyệt cho thấy sự sụt giảm trong đầu tư nhà ở sẽ tiếp diễn”.
Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết các trụ cột cơ bản của nền kinh tế vẫn đứng vững bất chấp tác động của việc giảm chi tiêu hàng hóa và tình trạng hạn hán.
“Đó là một năm đầy thách thức với 2 nửa đối lập khi kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ vào 2 quý đầu nhưng chậm lại vào 2 quý sau”, ông Frydenberg nói.
Chi tiêu chính phủ phải “gánh” lĩnh vực vực tư nhân yếu kém
Kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn, với mức chi tiêu tăng 0,4% trong khi đầu tư và nhu cầu của khu vực tư nhân không đóng góp gì cho tăng trưởng GDP.
Chi tiêu của chính phủ là yếu tố lớn nhất đóng góp cho tăng trưởng.
“Đầu tư công của chính quyền tiểu bang và địa phương vẫn ở mức cao với mức tăng trưởng 6,3%, phản ánh tiến độ một số dự án cơ sở hạ tầng lớn tiếp tục được thực hiện”, ông Hockman nói.
“Chi tiêu của chính phủ tăng 1,8%, chủ yếu cho y tế, chăm sóc người già và dịch vụ cho người khuyết tật.
Chi tiêu và thu nhập hộ gia đình “không tương xứng”
Chuyên gia kinh tế Felicity Emmett của ANZ cho biết những con số trên rất đáng thất vọng, đặc biệt là sự suy yếu đang xảy ra trong lĩnh vực tiêu dùng hộ gia đình – lĩnh vực mà doanh số bán xe, chi tiêu cho hàng gia dụng và các tiện ích là những tác nhân thụt lùi chủ yếu.
“Các phương tiện cơ giới và hàng gia dụng có thể dẫn đến thắt chặt tín dụng và có lẽ là tác động của hiệu ứng tài sản”, bà Emmett nói với ABC News Channel.
“Khi đi sâu vào xem xét thực tế của các hộ gia đình, có thể thấy rằng những thứ như tiền lương và tăng trưởng thu nhập hộ gia đình vẫn còn rất thấp.”
Bà Emmett nói rằng có một sự chênh lệch lớn khi chi tiêu cho tiêu dùng vẫn vượt xa mức tăng trưởng thu nhập hộ gia đình.
“Vì vậy, người tiêu dùng vẫn cho rằng thu nhập của họ phải tăng để cân đối với các khoản chi cho tiêu dùng”, cô nói thêm.
Trong một bài phát biểu vào sáng thứ tư 6/3, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Philip Lowe cho rằng tăng trưởng và kỳ vọng lương thấp là mối lo dài hạn đối với người tiêu dùng hơn là so với việc giá nhà giảm.
Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng được phản ánh qua sự tăng nhẹ về tỷ lệ thu nhập/tiết kiệm, từ đó chỉ ra một cách tiếp cận thận trọng hơn đối với việc chi tiêu.
Nhà kinh tế trưởng của Citi Australia Paul Brennan cho biết sự gia tăng các khoản tiết kiệm phù hợp với hiệu ứng tài sản tiêu cực do giá nhà giảm, trong khi sự suy yếu của các khoản chi cho tiêu dùng phản ánh thu nhập có tăng trưởng chậm.
“Mặc dù GDP trên danh nghĩa đang tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ lợi nhuận chia cho người lao động lại giảm, trái ngược với tỷ lệ lợi nhuận tăng”, ông Brennan viết.
“Ngoài ra, thu nhập hộ gia đình cho tiêu dùng càng bị o ép thêm bởi các khoản phí tăng”.
Nguồn: abc.net.au