Người dân Úc dậy sóng trước tin Northern Territory cho Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm

0
456

Những thí sinh đến từ miền nam của chương trình Millionaire Hot Seat đã “bó tay” khi gặp câu hỏi về vùng Darwin.

Kiến thức của họ về Northern Territory (NT) chỉ dừng lại ở những con cá sấu hung hãn, thú vui câu cá và khí hậu nóng bức ngột ngạt.

Tháng 6 năm 2017, ông Scott Morrison – lúc bấy giờ vẫn là Bộ trưởng Ngân khố – tình cờ ghé qua văn phòng của NT News (môt tòa soạn chuyên đưa tin về Darwin và NT). Tại đó, ông bắt gặp câu hỏi về Darwin ở chương trình Millionaire Hot Seat được chiếu trên TV.

Câu hỏi ở mốc 500 đô la quả thực “bắt bí” người chơi, nhưng ông Morrison đã biết được đáp án.

“Họ còn chẳng thông báo cho chúng ta tiếng nào!” ông gắt lên và giận dữ huơ tay khi vừa nhìn thấy câu hỏi xuất hiện trên màn hình: “Thành phố nào ở Úc đã từng gây tranh cãi khi đồng ý cho một công ty Trung Quốc thuê cảng biển vào năm 2015?”

Câu trả lời là Darwin.

Trước quyết định cho thuê cảng với cái giá 506 triệu đô la, người dân Úc càng khao khát được biết: Vì sao chính quyền NT lại làm vậy, và họ dùng cách nào để ém nhẹm vụ này đi?

Một phần của Cảng Darwin thuộc về Landbridge Group.

Sau sự kiện đó, người Úc đã khắc sâu ấn tượng về DarwinNT. Vùng lãnh thổ thầm lặng này đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi nảy lửa về chính trị.

Simone Noirot, một y tá đã về hưu tại vùng ngoại ô NSW, cũng như rất nhiều đồng bào khác của bà đều có chung một thắc mắc. Câu hỏi đó nhanh chóng chiếm ngôi đầu trong danh sách những vấn đề được gửi đến Curious Darwin.

Đây là một chương trình phóng sự cho phép khán giả đặt câu hỏi, bình chọn cho chủ đề mình quan tâm và đón xem lời giải đáp của ekip.

Một trong những địa điểm chiến lược của đất nước lại dễ dàng bị đem cho thuê

Lý do đơn giản là vì những người có thẩm quyền đều “không biết suy tính”, trích lời Neil James – giám đốc điều hành Doanh nghiệp May mặc Quốc phòng Úc (ADA).

Đây cũng là nghi vấn chung của những người quan tâm đến nền chính trị thế giới, từ các học giả, chính trị gia, luật sư, chuyên viên an ninh quốc gia, khán giả của Millionaire Hot Seat, Thời báo New York, thậm chí là cựu tổng thống Mĩ Barack Obama. Tất cả đều khó hiểu vì sao chính quyền NT lại giao một trong những tài sản đáng giá nhất của nền quốc phòng Úc vào tay Trung Quốc, hơn nữa còn bỏ qua việc trưng cầu ý kiến của Chính phủ Liên bang?

Chính quyền NT đã kiên trì thuyết phục Commonwealth rót vốn đầu tư để cải tạo Cảng Darwin trong suốt nhiều năm. Mục tiêu của họ là biến Cảng Darwin xập xệ, thu lợi hàng năm chỉ vài triệu đô la dựa vào vận chuyển gia súc, khai thác mỏ và khí đốt thành một nơi tốt hơn.

Họ tin rằng cảng biển này chính là “chìa khóa” cứu rỗi nền kinh tế chẳng mấy lạc quan của NT. Nếu có thể được cải tổ và duy trì phong độ, nơi này chắc chắn sẽ giữ vững vị trí “cửa ngõ” nối liền với châu Á tiềm năng. Qua đó, nó sẽ trở thành “vũ khí bí mật” giúp cả nước nói chung và NT nói riêng ngày càng hưng vượng.

Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, Chính phủ Liên bang vẫn không thấy tác động tích cực của ý tưởng này đến nền kinh tế. Hoặc giả, những tiến triển mà nó tạo ra không xứng tầm với công sức đầu tư ban đầu.

Năm 2012, Đảng Tự do – vốn là phe nắm quyền cố hữu tại NT – lại trở về với đỉnh cao quyền lực sau 11 năm yếu thế. Sau đó, họ đã tự ý gắn mác “có thể tự do sử dụng” lên những tài sản chung của quốc gia.

Đích ngắm đầu tiên là cảng biển. Thư ngỏ được phát khắp nơi trong suốt khoảng thời gian 2014 – 2015, thu được sự quan tâm của 33 nhà đầu tư.

Một hội đồng đã được thành lập để giám sát quá trình đấu thầu và chọn ra người thắng cuộc.

Đây là một tổ hợp của những tên tuổi có địa vị trong giới chính khách khu vực: giám đốc điều hành dự án trọng điểm Ann Tan, Sở trưởng Du lịch NT Alastair Shields, Thứ trưởng Ngân khố Jodie Ryan, Sở trưởng Công vụ Gary Barnes, Cựu Sở trưởng Công vụ bang Queensland Jon Grayson và John Watkinson, từng giữ chức trong hội đồng của “liên minh hải cảng” Port Corporation.

Từ tháng 7 đến tháng 10/2015, các hồ sơ dự thầu đã được sàng lọc, chuyển đến Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài (FIRB) và ACCC. Sau thời gian xem xét, chính quyền NT đã chính thức ký hợp đồng với tập đoàn Landbridge Group.

ADA: “Không có hạ sách nào tệ hơn được nữa”

Landbridge Industry Australia trực thuộc Shandong Landbridge Group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần cảng biển, hóa dầu, gỗ và bất động sản tại Trung Quốc.

Công ty này cũng từng hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Đơn vị này là nguồn cung cấp dầu cho Landbridge để bán lẻ.

Người đứng sau tập đoàn bề thế trên là tỉ phú Ye Cheng, từng được vinh danh trong top 10 “nhân vật tiêu biểu quan tâm đến nền quốc phòng quốc gia”. Không chỉ vậy, công ty này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tại Bắc Kinh năm 2016, ông Ye cho biết khoản đầu tư vào cảng Darwin hoàn toàn phù hợp với đường lối phát triển của tập đoàn nhằm cải tiến hiệu suất khai thác năng lượng và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, việc này còn phục vụ cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc mang tên One Belt, One Road. Điều đáng nói là Commonwealth không hề đáp ứng tham gia vào chính sách này, theo điều tra từ cơ quan tình báo Úc.

Vận chuyển gia súc tại Cảng Darwin.

Chính quyền NT từ chối cung cấp thêm thông tin về bản hợp đồng của đôi bên vì lý do bảo mật.

Có quá nhiều khúc mắc trong sự kiện này. Theo một số bên biết được nội tình, con số 506 triệu đô la mà Landbridge đề xuất thực sự rất cao so với những nhà thầu khác. Nghi vấn dần tập trung lên Thủ hiến NT lúc bấy giờ: Adam Giles.

Nhưng các nhân viên làm việc với hợp đồng lại ra sức phủ nhận. Họ cho biết có hai nhà thầu khác đưa ra mức giá gần bằng Landbridge, song lại tiếp tục từ chối tiết lộ vì lý do bảo mật, mãi đến 4 năm sau.

Có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ được biết giá thầu của các công ty khác là bao nhiêu, đặc biệt là các doanh nghiệp Úc và châu Âu.

Ông James cho rằng việc biết được giá thầu cũng không còn ý nghĩa gì khi mọi sự đã rồi.

“Nếu Landbridge đưa ra giá hấp dẫn, nhưng lại đề xuất ý tưởng có thể gây tổn hại đến quốc gia, thì lẽ ra chính quyền nên đủ khôn ngoan để bỏ qua họ. Chọn nhà thầu thứ hai hay thứ ba đều được cả, miễn hợp đồng của họ không chứa điều khoản gây rủi ro cho đất nước,” ông nhấn mạnh.

“Bạn không thể cá cược an nguy của quốc gia trong suốt 99 năm để đổi lấy chút lợi ích trước mắt.

“Đúng là một hành động thiếu suy nghĩ đến từ bộ máy chính quyền xốc nổi, vô tri. Ngay cả khi ý thức được hậu quả, thì họ cũng cố trốn tránh những thương tổn mà mình gây ra cho nền kinh tế và chiến lược của đất nước.

“Đây chính là ví dụ kinh điển cho tâm lý lệch lạc và ích kỷ của người Úc trong tương lai, nơi họ sẵn sàng buông bỏ lợi ích quốc gia để thu về chút lời nhỏ nhặt.”

Hành vi cho thuê cảng bị chỉ trích là “tư duy ngắn hạn”.

Nguy cơ rình rập

Cảng Darwin là cứ địa tập huấn hàng năm cho hải quân Mĩ. Trước tình thế này, nước Mĩ đã bày tỏ lo ngại về rủi ro bị Trung Quốc theo dõi tại đây.

Nhưng theo James, có nhiều mối nguy khác còn đang rình rập. Trước mắt là hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và tiếng nói của nước Úc trên chính trường bị suy yếu vì hành động cho thuê cảng.

“Cảng Darwin đã rơi vào cảnh bết bát không chịu nổi, song nó vẫn là cảng biển tốt nhất miền bắc hiện nay. Thế nên trong 99 năm tới, nếu muốn xây dựng căn cứ hải quân lớn ở đó, tôi nghĩ chúng ta vẫn chỉ có thể chọn Darwin,” James nói.

“Song, để cảng biển quan trọng rơi vào tay một đối thủ khó lường trong vòng 99 năm cũng nguy hiểm y như khi chúng ta cho người Nhật thuê cảng vào năm 1938 vậy.

“Khi nói đến tầm nhìn chiến lược, hành vi này đã kìm hãm khả năng tự vệ của đất nước. Đáng buồn hơn là nó còn chẳng mang đến chút lợi ích nào.”

Jodie Ryan là người giải quyết hợp đồng của chính quyền NT, thuộc hội đồng đã chọn Landbridge, sau đó được đề bạt vị trí Bộ trưởng Công vụ sau chiến thắng của chính phủ Gunner Labor năm 2016. Bà cho biết những rủi ro này đã “được cân nhắc ổn thỏa” và “phương pháp giải quyết đã được đề xuất thông qua trình tự cố vấn tài chính lẫn pháp lý”.

“Nếu Landbridge không còn khả năng quản lý Darwin, cảng này sẽ trở lại dưới quyền kiểm soát của chính quyền NT,” bà nói.

Nhưng theo nhận định của chuyên gia, vấn đề có thể không đơn giản như vậy.

chính quyền NT tin rằng mình có thể nắm quyền kiểm soát Darwin nếu Landbridge phá sản.

Các luật sư xem qua hợp đồng đã tiết lộ với ABC rằng không có điều khoản nào đảm bảo Darwin sẽ thuộc quyền quản lý của NT nếu chẳng may Landbridge phá sản.

Vấn đề trên được đưa ra chất vấn vào năm 2017, khi có báo cáo cho rằng Landbridge đang định sử dụng cảng Darwin làm tài sản thế chấp cho khoản vay do doanh thu ảm đạm.

Khi ông Morrison còn giữ chức Bộ trưởng, văn phòng của ông đã ngưng tiếp nhận các câu hỏi về hợp đồng và thời hạn để các cơ quan có thẩm quyền nhúng tay can thiệp.

James cho rằng còn rất nhiều rủi ro về khả năng nắm giữ cảng Darwin.

“Lập luận của họ đơn giản đến nực cười. Khi đang trong cơn khủng hoảng, nếu không phải bị dồn vào đường cùng thì chẳng ai lại cho đối thủ cạnh tranh gay gắt giữ quyền sinh sát với địa điểm chiến lược của mình.

“Cách dễ dàng nhất để tránh va chạm là không cho họ thuê ngay từ đầu.”

Thỏa thuận đã định, phải làm sao?

Đây có lẽ cũng là câu hỏi của rất nhiều người.

Chính quyền NT đã thuê công ty tài chính Flagstaff Partners của Melbourne để chọn ra nhà thầu thắng cuộc. Sau đó, công ty này nhận được thù lao 13 trong số 27 triệu đô la trong tổng chi phí giải quyết thủ tục của chính quyền.

Ngay sau khi thỏa thuận đạt thành, Landbridge đã thuê quản lý dự án David Potaznik để bán nốt 20% cổ phần lẽ ra nên thuộc về chính quyền NT.

Cho nên, người đàn ông từng tham gia kế hoạch cho thuê cảng lại về dưới trướng Landbridge. Ông là người giải quyết thủ tục bán 20% cổ phần, khiến bộ máy chính phủ NT mới lên sở hữu số cổ phần này mà không tốn một xu.

Trả lời Tạp chí Tài chính Úc năm 2016, Potaznik cho biết ông không hề gặp gỡ các lãnh đạo của Landbridge mãi cho đến khi “việc cho thuê hoàn tất”.

20% cổ phần vốn thuộc về Úc.

Chính quyền NT hiện tại không bày tỏ ý kiến về hành động này.

Thay vì cân nhắc những công ty cố vấn đa quốc gia như KPMG hoặc Price Waterhouse Coopers cho dự án có tầm quan trọng bậc này, họ lại chọn một công ty nhỏ bản địa tên là Merit Partners.

Báo cáo của công ty này dài tận 5 trang. Trong đó, không tìm thấy bất cứ khuất tất gì trong quá trình chọn nhà thầu.

Làm sao họ qua mặt được FIRB và Bộ Quốc phòng?

Ủy ban Thượng viện tiết lộ trong một báo cáo năm 2016, rằng lẽ ra Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài đã tiến hành xem xét dự án này. Song, họ phải bỏ cuộc vì nhận được yêu cầu miễn truy xét đối với giao dịch giữa công ty tư nhân và chính quyền tiểu bang.

Lãnh đạo FIRB thừa nhận rằng vụ bê bối này đã đánh mất lòng tin của người dân vào chính phủ, nghiêng lệch cán cân thăng bằng giữa kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời còn được hoàn thiện dưới trạng thái thiếu suy xét kĩ càng.

Cơ quan này kêu gọi chính quyền NT minh bạch hơn trong quá trình quyết định chính sách và công khai thông tin chi tiết của thỏa thuận, song không nhận được câu trả lời hợp lý.

Quy tắc sau đó đã được “thay máu” để ngăn chặn tình trạng này tái diễn.

HMAS Maitland trở lại Darwin sau khi tham gia Exercise Milan 2008.

Phát biểu trước ủy ban, Chủ tịch FIRB Brian Wilson cho biết mình đã nhận được thông tin về bản thỏa thuận từ cuối năm 2014. Ông đã yêu cầu cơ quan tình báo cung cấp thông tin suốt năm 2015, và được đảm bảo rằng dự án này hoàn toàn không có vấn đề gì.

Mãi đến sau này, họ mới nhận ra rằng các quan chức trong Bộ quốc phòng chỉ nắm quyền quản lý cấp trung, còn lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng thì nhận được tin báo chỉ vài tiếng trước khi chính quyền NT công khai mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

“Sự chậm trễ của Chính phủ Liên bang và các bộ ngành là không thể chối cãi, song điều đó không thể bào chữa cho sai lầm rõ như ban ngày của chính quyền NT. Một quyết định ngu ngốc và đơn giản cực kỳ,” ông James nói.

“Bạn không thể đánh đổi an nguy của 25 triệu người dân Úc – trong tương lai có thể còn nhiều hơn – để lấy được một khoản tiền cứu vãn cho sự nghiệp chính trị của mình ở địa phương, sau đó liên tục nói dối để bao biện cho lỗi lầm đáng giận đó.”

Sau này, khi thế hệ con cháu đọc được những sự kiện lịch sử hiện tại, không thể tưởng tượng nổi họ sẽ phản ứng gay gắt đến mức nào đối với quyết sách trên.

“Vài thập kỷ tới, nếu xảy ra chiến tranh và đất nước phải lâm nguy vì quyết định này, người dân sẽ nghĩ sao? Vấn đề không chỉ là thỏa thuận này vô lý bao nhiêu, mà còn phải suy xét đến tri thức và lương tri của những người thông qua nó, vì họ đã phản bội quê hương mình.”

Vào giữ tháng 12, khi Đảng Lao động còn đang mải đau đầu giải thích cho nhân dân cả nước về mức độ nghèo túng của bang NT, đến mức phải vay 4 triệu đô la/ngày để tiếp tục hoạt động, Jodie Ryan đã được hỏi về số tiền 506 triệu họ vừa thu về ít lâu.

Bà cho biết khoản tiền đã được nhập vào ngân sách chung để chi tiêu. Song bây giờ có nói gì cũng vô dụng, bởi thời hạn cho thuê đã bắt đầu từ vài năm trước. Nước Úc chỉ còn cách đếm ngược và chờ đến 96 năm sau.

Nguồn: abc