Những thói xấu du học sinh cần tránh xa

0
849

Chưa bao giờ các lời mời chào viết luận, làm bài tập hộ lại trắng trợn và tràn lan trên những diễn đàn, nhóm hội du học sinh trên Facebook như bây giờ. Trong mỗi mẩu “quảng cáo”, bạn sẽ đọc được thông tin về ngành học thế mạnh của chủ nhân, các “thành tích” trước đó của họ và cả mức phí cho số lượng chữ tương đương.

Tuy nhiên, nên nhớ là các trường Đại học nước ngoài phạt rất nặng về hành vi gian lận này. Chỉ cần phát hiện ra bạn “cắt – dán” một nội dung nào đó của ai khác mà quên để nguồn, có thể thầy cô sẽ không chấm bài bạn hoặc cho 0! Còn nếu giở bài kiểm tra trong giờ thi, bạn sẽ được mời ra khỏi phòng và nhận điểm số thấp nhất, thậm chí còn có thể bị cấm đi học lại ở bất kì cơ sở đào tạo nào thuộc quốc gia đó, trong vòng… một vài năm học!

Hãy nhớ lại coi bạn đã phải cố gắng vượt qua biết mấy những cửa ải đăng ký nhập học, xin visa, luyện ngoại ngữ để được đi du học. Những khi chùng chân mỏi gối, hãy nhìn nhận xem có phải bạn quá may mắn khi được đi học trong một môi trường thanh sạch, vậy thì tại sao không cố gắng nỗ lực thêm một chút nữa để chứng tỏ năng lực của mình, trước bản thân mình?

Học theo những thói xấu

Tất nhiên chẳng thể đưa ra một chuẩn mực cụ thể để phân định ranh giới giữa xấu và tốt, vì điều này còn tùy tuộc vào lối tư duy của mỗi người. Hãy chỉ nói về những thói quen có thể gây hại tới việc học và sức khỏe của bạn.

nhung-thoi-xau-du-hoc-sinh-can-tranh-xa-2

Hút thuốc, nốc rượu hay đi bar liên tục chính là ba cạm bẫy phổ biến nhất trong giới du học sinh. Lần đầu được sống xa khỏi sự quản lý của gia đình, hẳn ai cũng có đôi chút “nổi loạn”, muốn được tự do nếm qua những điều mình chưa từng biết khi còn ở Việt Nam.

Chính người viết đã nhìn thấy sự “sinh ra và lớn lên” của thói quen đốt thuốc của một nữ du học sinh Việt Nam. Chỉ sau khoảng năm đầu Đại học, cô bé đã trở thành một cái “ống khói di động”, lúc nào cũng kè kè bên mình “đồ nghề” hút thuốc. Những cuộc tiệc tùng chè chén với bạn bè quốc tế cứ thế nhân lên. Từ một kẻ hiền khô, cô bé đã trở thành một “cây” không thể thiếu mỗi dịp say sưa cùng bạn bè.

Có thể cô bé sẽ ngụy biện bằng việc những cuộc vui này không ảnh hưởng đến chuyện học, nhưng chẳng ai phủ nhận một điều là hai thói quen này hoàn toàn gây hại cho sức khỏe.

Một thói quen xấu khác mà những nữ du học sinh càng thêm né xa đó là việc đi bar. Đó là nơi “lý tưởng” để kẻ xấu bày trò quấy rối, làm hại bạn, đặc biệt khi bạn đi một mình.

Sa đà vào lối sống hình thức

Sống ở nước ngoài, bạn càng có cơ hội “sáp lại” các thương hiệu thời trang mà ngày xưa chỉ được đọc trên báo, xem trên internet. Đặc biệt, khi sống tại các thành phố lớn, bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tiêu dùng mới, khi mà chỉ bắt một chuyến tàu điện ngầm cũng đủ để cập nhật những mặt hàng công nghệ mới, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn…

Những lúc đó, nếu không đủ bản lĩnh nói không, bạn có thể sẽ không làm chủ được túi tiền của mình mà chi ra vô tội vạ.

Đây là một câu chuyện có thật từ những người bạn học thiết kế của tôi. Là du học sinh ngành thiết kế thời trang tại một ngôi trường tư thục toàn con em các gia đình có điều kiện, bạn tôi đã chứng kiến biết mấy những du học sinh Việt Nam “khổ sở” với nhu cầu hàng hiệu của mình.

Trước khi về Việt Nam, họ chấp nhận “điệp khúc mì tôm” suốt ngày suốt tháng chỉ để đủ tiền mua một cái túi xách Louis Vuitton hay một chiếc nịt Hermes, nhằm thị oai với bạn bè ở nhà đang dõi theo trên Facebook.

nhung-thoi-xau-du-hoc-sinh-can-tranh-xa-3

Chỉ những ai đi du học rồi mới hiểu được cảm giác tiếc tiền khi chi một khoản tiền tương đương cả một con gà trong siêu thị để đổi lấy một ly Starbucks. Đúng vậy, trên thực tế, du học sinh châu Âu chuộng các máy bán café tự động hơn là café trong quán.

Những tấm hình chụp cốc café to sụ mỗi ngày thực sự chỉ xuất hiện trong cuộc sống những du học sinh thực sự có điều kiện, hoặc không có điều kiện nhưng lại thích thể hiện!

Say mê kiếm tiền

Ở những nước mà sinh viên quốc tế được quyền đi làm thêm, ai ai cũng tranh thủ đi kiếm tiền. Tôi đã từng chứng kiến những sinh viên được nhận học bổng đi kiếm thêm, những tiến sĩ tranh thủ làm thêm khi phòng thí nghiệm đóng cửa nghỉ hè, và cả những sinh viên toàn thời gian bỏ học để đi làm!

Tôi biết những trường hợp không chỉ trì hoãn việc học trong 1,2 năm mà thậm chí là 5,6 năm để đi làm thêm. Một khi đã kiếm được số tiền tương đương 30, 40 triệu/tháng chỉ bằng công việc tay chân, liệu bạn còn đủ quyết tâm đi học không? Hay hỏi ngược lại, nếu đã dành toàn bộ tâm trí và thời gian vào công việc có thể mang lại khoản thu nhập đó, liệu bạn còn đủ sức lực và khao khát học hành?

Tất nhiên là khi đi du học không phải ai cũng có những điều kiện tài chính như nhau, thậm chí có những bạn không thể tiếp tục tồn tại nếu không đi làm (vì gia đình không thể chu cấp nữa chẳng hạn), nhưng dù có khó khăn cách trở đến mấy, Hotcourses mong bạn tự trả lời cho câu hỏi này: “Bạn lặn lội sang nước ngoài du học hay đi làm, và nếu bỏ học để đi làm thì tương lai sẽ ra sao đây?”

Nguồn: Thexanhmy

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments