(Tin tức nước Úc) Các nhà khảo cổ học cho biết họ đã phát hiện một loài khủng long mới ở Úc. Chúng có hông rộng, cổ dài, đi trên 4 chân, ăn cỏ và có chiều dài bằng 1/2 chiều dài của một sân bóng rổ.
Hóa thạch khủng long được tìm thấy tại Úc thuộc dạng cực kỳ hiếm, và phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học có thêm hiểu biết về những nơi mà loài sinh vật khổng lồ này từng sinh sống trên hành tinh của chúng ta từ hàng triệu năm trước.
David Elliott, người đứng đầu Bảo tàng khủng long cổ đại Úc, tình cờ phát hiện hóa thạch của loài khủng long nói trên vào năm 2005.
Vào thời điểm đó, khi đang chăn cừu ở thị trấn Winton miền bắc nước Úc, ông đã phát hiện ra thứ mà ban đầu ông nghĩ là hóa thạch xương chi. Khi vợ ông, bà Judy Elliott ghép 2 trong số những mảnh hóa thạch lại với nhau, họ nhận thấy đó là xương một ngón chân khổng lồ, của một con khủng long ăn cỏ.
Quan sát phần xương còn lại, nhà khảo cổ học nhận thấy nó thuộc về một loài khủng long hoàn toàn mới thuộc nhóm khủng long ăn cỏ gọi là Sauropoda (Khủng long chân thằn lằn).
Giờ đây, sau hơn 10 năm làm việc, một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học người Úc, Stephen Poropat chính thức công bố phát hiện của họ trên tạp chí Scientific Reports.
Họ đặt tên cho loài khủng long này là Savannasaurus elliottorum, lấy cảm hứng từ gia đình Elliott và vùng có nhiều cỏ, nơi họ phát hiện ra nó.
Đây là một phát hiện quan trọng, theo Matthew Lamanna, người phụ trách nhóm sinh vật cổ có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie ở Pennsylvania (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu.
“Khủng long từ Úc cực kỳ hiếm, và hầu hết các loài khủng long Úc đều được hình dung bởi rất ít các mẫu hóa thạch”, ông nói.
Ngược lại, Savannasaurus lại là một trong những loài sauropod có xương hóa thạch đầy đủ nhất từng được khám phá ở Úc.
Dựa trên bộ xương của nó, các nhà khoa học ước tính nó có chiều dài khoảng 15 mét, với cái cổ dài và một cơ thể tròn, rộng, cân nặng gần 20 tấn, tương đương với trọng lượng của 3 con voi châu Phi cộng lại, Poropat cho biết.
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy phân hóa thạch hoặc răng để xác xem Savannasaurus từng ăn gì, nhưng với kích thước như vậy, có thể dự đoán chúng đã có một chế độ ăn cỏ với chất lượng thấp.
Đó có thể là lý do tại sao loài khủng long này có phần hông rộng, bởi nó cần một đường ruột rất dài để trích xuất các chất dinh dưỡng từ thức ăn dạng sợi.
Savannasaurus đã sống ở Úc từ 95 cho đến 98 triệu năm trước cùng với hai loài Titanosaur ( thằn lằn hộ pháp) khác.
Thời gian này tương ứng với giai đoạn cuối kỷ Phấn trắng, phần cuối cùng của thời đại khủng long bắt đầu từ khoảng 225 triệu năm trước và kết thúc khi một tiểu hành tinh đâm vào Trái đất vào thời điểm cách đây 66 triệu năm, đưa đến sự tuyệt chủng của loài động vật khổng lồ từng thống trị hành tinh này.
Chúng ta vẫn chưa biết bằng cách nào những con khủng long di chuyển sang Úc, nhưng trong khoảng thời gian này, lục địa châu Úc còn nối liền với Nam Mỹ, thông qua châu Nam Cực, trước khi Trái đất ấm lên. Cũng có thể là loài bò sát này từng sống ở đó, nhưng xương của chúng tồn tại không đủ lâu để được tìm thấy.
Trong bài viết của mình, Poropat và các đồng nghiệp của ông cũng công bố phát hiện của họ về chiếc hộp sọ thuộc một giống thằn lằn hộ pháp khác ở Úc, đó là Diamantinasaurus matildae.
Loài này từng được phát hiện năm 2009, nhưng việc tìm kiếm thấy chiếc hộp sọ đầu tiên của Diamantinasaurus thật sự mang ý nghĩa lớn bởi nó có thể giúp các nhà khoa học đặt Diamantinasaurus vào vị trí chính xác hơn trong phả hệ khủng long.
Hiện tại, Poropat và các đồng nghiệp của ông nghi ngờ Savannasaurus và Diamantinasaurus có thể có một mối liên hệ chặt chẽ nào đó. Trong khi các nhà nghiên cứu tin rằng chúng là 2 loài riêng biệt, các nhà khảo cổ học sẽ cần phải tìm thêm nhiều mảnh hóa thạch để khẳng định điều đó.
Thanh Hường/Theo Xã luận