Hàng trăm nghìn bậc cha mẹ trên khắp nước Úc đang “bỏ lơ” việc đóng tiền cấp dưỡng nuôi con (child support) với con số khổng lồ hơn 1,5 tỉ đô la. Họ sẽ bị cấm xuất cảnh nếu liên tục “khất nợ” trong thời gian tới.
Bộ trưởng Dịch vụ Nhân sinh Michael Keenan cho biết tính đến nay, đã có tổng cộng 228,760 phụ huynh tìm cách “trốn” việc chu cấp để nuôi con, với tổng số tiền lên đến 1,606,217,985.02 đô la.
NSW và Queensland là hai tiểu bang đứng đầu về khoản nợ child support, lần lượt là 370 và 364 triệu đô la. Tại hai khu vực này, có khoảng 113,000 phụ huynh từ chối chi trả tiền trợ cấp nuôi con.
Hàng năm, chính phủ liên bang phải chi xấp xỉ 3.5 tỉ đô la để hỗ trợ cho 1.2 triệu trẻ em trên toàn quốc.
Trả lời phỏng vấn từ 9News, ông Keenan nhấn mạnh rằng hành động “cố ý trốn tránh nghĩa vụ nuôi con” của các bậc cha mẹ trên là hết sức quá đáng.
“Chu cấp tiền để nuôi con không phải là chuyện đùa, mà là hành vi tôn trọng quy chuẩn đạo đức và pháp luật.
“Những người làm cha mẹ lại cố tình trốn tránh trách nhiệm với con, chính là đang tước đoạt quyền được sống trong điều kiện tốt hơn của chúng. Chúng tôi không hề hối hận vì đã dùng đến biện pháp mạnh để buộc họ trả tiền.
“Chính phủ muốn gửi đến các bậc phụ huynh một thông điệp đơn giản thế này: nếu bạn sẵn sàng vung tiền vào một chuyến du lịch nước ngoài, thì cũng phải chuẩn bị một khoản khác đủ để lo cho con của mình. Ưu tiên số một của mọi người hiện giờ nên là nuôi nấng con cái, chứ không phải vui chơi giải trí.”
Trong nửa đầu năm tài khóa này, Chính phủ Liên bang đã ban hành Lệnh Cấm xuất cảnh (1067 Departure Prohibition Orders – DPO) với các bậc phụ huynh có ý định “quỵt” tiền trợ cấp cho con.
Động thái cương quyết này đã giúp chính phủ thu hồi được hơn 15 triệu đô la từ ngày 01/07 đến 30/12 năm ngoái, tăng 2.5 triệu đô la so với khoản tiền thu được trong năm tài khóa 2017 – 2018.
Theo ông Keenan, DPO được áp dụng với các bậc cha mẹ có dự định ra nước ngoài du lịch để tránh phải đóng trợ cấp cho con. Với lệnh cấm xuất cảnh này, họ sẽ phải nộp một khoản tiền cấp dưỡng nhất định nếu muốn lên máy bay.
Năm ngoái, một phụ huynh tại Victoria đã phải đóng 185.000 đô la để được lên máy bay xuất ngoại. Trước đó, Bộ Dịch vụ Nhân sinh (DHS) đã cố liên lạc với người này nhiều lần, song không thành công.
Khoản nợ lớn nhất trong lịch sử DHS được ghi nhận vào năm 2017. Một vị phụ huynh sống ở nước ngoài đã bị ngăn rời khỏi sân bay Úc vì không hoàn thành trách nhiệm đóng tiền trợ cấp nuôi con. Người này phải trả đủ khoản chu cấp 350.000 đô la trước khi được phép rời đi.
“Điều này chứng tỏ có rất nhiều bậc cha mẹ thừa khả năng để cấp dưỡng cho con, nhưng họ lại cố tình lờ đi nghĩa vụ này,” ông Keenan nhận định.
Ngoài DPO, chính phủ Úc còn áp dụng nhiều biện pháp khác để thu hồi tiền chu cấp từ các phụ huynh, bao gồm khấu trừ vào tiền phúc lợi, tiền lương, tiền hoàn thuế hoặc nhờ đến sự trợ giúp của bên thứ ba.
DANH SÁCH CÁC TIỂU BANG VÀ SỐ TIỀN TRỢ CẤP NUÔI CON CÒN THIẾU
NSW: 370,371,272.64 đô la từ 58,643 người. 276 người bị cấm xuất cảnh.
VICTORIA: 266,091,909.13 đô la từ 42,813 người. 221 người bị cấm xuất cảnh.
QUEENSLAND: 364,692,543.36 đô la từ 54,474 người. 237 người bị cấm xuất cảnh.
WA: 202,015,667.99 đô la từ 25,491 người. 160 người bị cấm xuất cảnh.
SA: 73,399,653.81 đô la từ 14,997 người. 32 người bị cấm xuất cảnh.
NT: 24,263,843.28 đô la từ 3392 người. 14 người bị cấm xuất cảnh.
TASMANIA: 21,129,699.83 đô la từ 5212 người. Chưa đến 10 người bị cấm xuất cảnh.
ACT: 14,066,100.48 đô la từ 2298 người. Chưa đến 10 người bị cấm xuất cảnh.
CÔNG DÂN SỐNG TẠI NƯỚC NGOÀI: 262,996,723.46 đô la từ 20,815 người. 114 người bị cấm xuất cảnh.
CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC: 7,190,571.04 đô la từ 625 người.
Nguồn: 9News