Sống tốt ở Mỹ nhờ thiệp giấy xoắn

0
1232

Đây là trường hợp của chị Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương khi khởi nghiệp tại Mỹ từ thương hiệu thiệp xoắn giấy Quilling Card.

Ngày sinh nhật, tôi bất ngờ nhận được một tấm thiệp chúc mừng từ bên Mỹ gửi về. Tôi vừa lạ lẫm, vừa thắc mắc thời nay ai mà còn gửi thiệp giấy nữa. E-card, tin nhắn, Facebook… đang phổ biến khắp thế giới vì sự nhanh chóng và tiện lợi. Tò mò mở ra, một bông hoa xinh xắn được uốn khéo léo từ những sợi giấy màu mỏng manh, thật kỳ công và đầy nghệ thuật. Tấm thiệp là một thông điệp chứa đầy yêu thương.

song-tot-o-my-nho-thiep-giay-xoan-1

Phía sau, dòng chữ Made in Vietnam rõ mồn một thúc tôi nhấc điện thoại tán gẫu ngay với người bạn ở bên kia nửa vòng trái đất. Câu chuyện thành lập công ty đầy gian nan của bạn cứ dần dần hiện rõ trong trí tưởng tượng của tôi.

Cái duyên tìm đến

Chị mơ ước có thể xây dựng được bảo tàng như thương hiệu XQ Đà Lạt. Ảnh: tiepthigiadinh
“Đến lúc này, mình (chị Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương, người khởi dựng thương hiệu thiệp giấy xoắn Quilling Card) vẫn còn như trong giấc mơ vì không tin được bản thân đã tự thành lập doanh nghiệp tại nước Mỹ đầy cạnh tranh. Mình nghĩ điều gì đến cũng phải do cái duyên.

Vốn là một chuyên viên marketing cho các tập đoàn đa quốc gia, mình chưa từng có công ty riêng tại Việt Nam, cũng hoàn toàn mù mờ về nghệ thuật làm thiệp handmade. Nền tảng của mình là thuộc thế hệ marketer đầu tiên của Unilever Vietnam từ năm 1998–2001.

song-tot-o-my-nho-thiep-giay-xoan-2

Năm 2001, mình du học chương trình quản trị kinh doanh tại Vancouver, British Columbia do Chính phủ Canada tài trợ. Sau khi tốt nghiệp, mình làm việc cho Unilever tại New York, Mỹ, một thời gian và trở về Việt Nam làm cho Tập đoàn mỹ phẩm L’Oréal.

Rồi mình kết hôn, có con và theo chồng đến Boston sinh sống, với mục tiêu yên phận làm tròn vai trò người vợ, người mẹ. Tuy nhiên, chính sự yên tĩnh của Boston lại khiến mình ngột ngạt và buồn tẻ. Từ một con người năng động với các chiến dịch marketing bận rộn, mình tự dằn vặt sao lại có thể ở không và về hưu sớm như vậy.

Trong một lần về Việt Nam, mình phát hiện những tấm thiệp giấy xoắn xinh xinh làm tay rất công phu. Mình mê quá, liền mua mấy cái về Mỹ để làm quà tặng. Thật bất ngờ, ai nhận được cũng xúc động và thích thú, hỏi đủ điều về tấm thiệp.

Mình nghĩ người phương Tây rất chú trọng bày tỏ lòng biết ơn, tình cảm qua thiệp và hoa, mà nhất là đồ handmade thì càng được trân trọng hơn. Thế là ý tưởng kinh doanh thiệp giấy xoắn hình thành.

Khởi đầu gian nan

Nghĩ là mình làm ngay. Nhờ có sự giúp đỡ của chồng và luật pháp thuận lợi ở Mỹ, Công ty Quilling Card ra đời. Sau đó, mình về Việt Nam, học cách làm thiệp và tìm kiếm các cơ sở sản xuất thiệp giấy xoắn. Để có tấm thiệp đẹp đầy tính nghệ thuật, người thiết kế phải hiểu được tình cảm và mục đích người tặng.

Kế đến là sự khéo léo của đôi bàn tay người làm, phải tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn. Tìm được loại giấy dai mỏng phù hợp, được nhuộm đều màu, bắt mắt cũng khá khó khăn. Sau khi có nguồn sản xuất và nguồn cung giấy ổn định, mình bắt đầu tập trung tham gia các hội chợ triển lãm để tìm hiểu xu hướng nghệ thuật cũng như giới thiệu đến khách hàng tiềm năng.

song-tot-o-my-nho-thiep-giay-xoan-3

Việc xây dựng hình ảnh, tạo dựng câu chuyện về thương hiệu và sử dụng các công cụ marketing hiện đại như mở website, lập Facebook vốn là sở trường của mình rồi. Nhờ vậy, dần dần khách hàng đến với mình từ khắp nơi như Nhật, Trung Quốc và cả ở châu Âu, chứ không chỉ riêng thị trường Mỹ. Ngay ở Việt Nam, mình cũng nhận được các đơn hàng đặt riêng cho công ty.

Giai đoạn thành lập đã xong, để mở rộng và phát triển cần có vốn đầu tư lớn. Mình phải chạy đi chạy về như con thoi, dù có sự giúp đỡ của gia đình tại Việt Nam. Khó khăn nhiều nhưng đau đầu nhất là phải xa hai con nhỏ khi công tác dài ngày. Thương nhớ con, mình chỉ mong mọi việc mau ổn định để về nhà. Phụ nữ làm kinh doanh bị tình cảm chi phối, khó tập trung năng lượng hoàn toàn được.

Vì cộng đồng

Với phương châm “Don’t just send a card, send art” (Không chỉ gửi đi một tấm thiệp, mà trao tặng cả một nghệ thuật), mình rất chú tâm vào việc đào tạo tay nghề cho nhân viên, cũng như tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ. Tại Mỹ, mình tổ chức thiết kế sáng tạo mẫu mã. Cơ sở sản xuất thì đặt tại Việt Nam. Hiện nay, số lượng nhân viên chính thức đã lên đến 120 người, chưa kể nhân viên thời vụ.

Sắp tới, mình sẽ mở cơ sở thứ hai với tâm nguyện đào tạo thêm 160 thợ mới và ưu tiên nhận các bạn khiếm thính. Dù làm kinh doanh, mình vẫn mong muốn góp một phần nhỏ để giúp đỡ các bạn khuyết tật có việc làm ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân.

Chị Diễm Hương nhận giải thưởng Louie Award tại Hội chợ National Stationary lần thứ 27 ở New York. Ảnh: tiepthigiadinh
Chị Diễm Hương nhận giải thưởng Louie Award tại Hội chợ National Stationary lần thứ 27 ở New York. Ảnh: tiepthigiadinh

Sinh ra và lớn lên ở miền quê Kiên Giang. Từ nhỏ, những câu chuyện kể và các giai điệu cải lương ngọt ngào của ngoại đã ngấm sâu vào tâm hồn, khiến mình càng thêm yêu nơi này nên muốn góp chút sức nhỏ cho cộng đồng ở đây.

Ước mong lớn nhất của mình là thiệp giấy xoắn sẽ có thể phát triển thành tranh giấy xoắn, trở thành một loại hình nghệ thuật thực thụ. Và một tiết lộ nhỏ cho bạn, mình sẽ khai phá thị trường trang sức làm đẹp từ giấy nữa đó”.

Nguồn: Tiếp Thị & Gia Đình

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments