Sự LƯỜI BIẾNG của người Việt

0
548

Để bắt đầu vấn đề này thì chúng ta có thể đưa ra hai ví dụ nhỏ về sự lười biếng có tính chất đối nghịch nhau để mọi người cùng tham khảo.

Theo thống kê thì người Việt chúng ta đọc sách với tỷ lệ thấp nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á. Ví dụ như người Việt chỉ đọc trung bình 0,7 đến 0,8 cuốn một năm (tức chưa tới 01 cuốn sách trong 365 ngày). Trong khi đó người Thái Lan đọc khoảng 06 cuốn một năm. Người Singapore đọc khoảng 10 cuốn một năm. Người Malaysia đọc khoảng 14 cuốn một năm và người Nhật đọc khoảng gần 20 cuốn một năm. Người Đức, người Israel vẫn là những quốc gia kỷ lục về số người yêu thích và giữ thói quen đọc sách trong một năm.

Theo thống kê về năng suất lao động năm 2017, thì Việt Nam cũng có năng suất lao động thấp nhất khu vực. Năng suất một người Việt làm việc chỉ bằng khoảng 80% so với một người Lào trong cùng tính chất, môi trường và điều kiện làm việc. Trong năm 2015, thống kê cho thấy một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, một người Malaysia bằng gần 6 người Việt Nam và một người Thái Lan gần bằng 3 người Việt Nam, một người Philippines và Indonesia cũng bằng 2 người Việt Nam.

Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore (Minh họa)

Tôi dẫn thêm một dẫn chứng phụ, đó là lượng người dùng chất có cồn, cụ thể là rượu bia, thì Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ (uống) chất có cồn này. Quan trọng hơn nữa, ấy là việc nhiều người dùng rượu bia vào bữa trưa, cuối ngày, hoặc sáng sớm. Tức là thời gian dành cho việc sử dụng rượu bia là khá lớn và vào nhiều thời điểm trong ngày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động và làm việc trong giờ hành chính.

Như vậy, qua hai thống kê khá rõ ràng và cụ thể nêu trên đây, thì cũng thấy ngay được rằng, điều mà đọc giả quan sát được là khá chính xác so với hiện trạng hiện nay. Chúng ta mắc các bệnh lười khá phổ biển mà lại là lười ở những vấn đề quan trọng và quyết định nhất: lười tư duy (tích lũy, học hỏi tri thức) và lười lao động (năng suất thấp phần nhiều là do sự lười biếng đem lại, phần nữa là do sự lạc hậu của phương tiện, tư liệu sản xuất).

Việc lười đọc, lười lao động (thiếu tập trung) và việc uống rượu bia nhiều có liên quan gì hay không trong ba đại lượng nêu trên? Tôi thấy nó có một mối liên hệ khá chặt chẽ vào nhau ở đây, xin được diễn giải cụ thể như sau: một người mà lười đọc, lười học, thiếu thông tin, tri thức thì sẽ sinh ra lười tư duy hoặc tư duy trì trệ, từ đây họ sẽ lười lao động, không có động lực hoặc nếu có cũng khó có đủ chuyên môn, hiểu biết để làm việc. Và một người lười tư duy, lười đào bới kiến thức, và lười lao động thì sẽ dành thời gian vào những thú vui giải trí, tiêu khiển để giết thời gian hoặc thỏa mãn nhu cầu đơn giản của bản thân. Chắc chắn là, nếu một người chăm chỉ lao động và chăm chỉ học hỏi, chịu khó đọc sách, thì sẽ có ít thời gian rảnh rỗi để ngồi “túm năm tụm ba” hay “lê la hàng quán” như độc giả đã quan sát trực tiếp thấy được, không chỉ ở khu vực nông thôn mà ngay cả ở các đô thị, thành phố lớn, hiện đại cũng vậy.

Sự lười biếng này trở nên phổ biến trong xã hội, nhưng vì đâu mà tạo ra căn cớ và nông nỗi này?

Có thể đó là do chúng ta quen với tâm lý cho rằng chúng ta cần được nghỉ ngơi, cần được giải tỏa những nhu cầu giản đơn của con người sau những cuộc chiến dài và kể cả là sự bó buộc đến ngạt thở trong thời bình thời hậu thống nhất cũng như bị cấm vận. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là người dân chúng ta đa phần không có động lực (hay chính xác hơn là khát vọng) làm thay đổi đất nước bằng những bước phát triển vượt bậc. Ngược lại, người ta bình chân như vại, chuyện hôm nay chưa làm thì vẫn còn ngày mai, ngày mốt hay việc này hơi đâu mà lo hoặc đã có nhà nước lo cho rồi.

Cũng không thể không nói về nhận thức (nền tảng dân trí) của người dân chưa đủ cao để có thể đòi hỏi về một kiến trúc (xã hội) cao hơn về mặt mưu cầu, mà đa phần chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu về mặt sinh lý học của bản thân là đã an lòng. Đây là những nguyên nhân tạo nên sự lười biếng của con người, vì lẽ, lười biếng học hỏi và tư duy thì cũng lười biếng cả về hành động và làm việc. Lười biếng trau dồi chuyên môn (ít đọc) nên kỹ thuật, khoa học kém thì dẫn tới năng suất lao động thấp. Và thời gian rảnh rỗi còn lại là để sử dụng vào những mục đích cá nhân như uống rượu bia, tìm cách lê la tụ họp để giết thời gian. Hơn nữa, với một lực lượng nhân lực trình độ yếu kém và rời rạc, thiếu động lực làm việc và sáng tạo như vậy thì cũng sẽ không thể thúc đẩy sự vận động liên tục theo hướng phát triển đi lên, mà sẽ là sự trì trệ vì tâm lý muốn được an nhàn và thụ hưởng thành quả trong sự thiếu đòi hỏi chất lượng và ở một mức độ ngày càng phải cao hơn lên.

Chúng ta đang bàn đến một thực trạng đang là một thách thức lớn nhất của xã hội đang gặp phải. Vì lực lượng con người mà yếu kém thì chắc chắn những giá trị tạo nên từ những lực lượng ấy cũng sẽ rất thấp về mặt hữu ích cũng như mặt kiến tạo.

Nếu vậy thì chúng ta phải giải quyết những vấn đề này như thế nào?

Đây là một câu hỏi lớn vì là giải pháp mang tính vĩ mô, đặc biệt lại là cải biến con người. Tuy nhiên, nếu bắt tay vào thực hiện thì chúng ta có thể giải quyết được vấn nạn này.

Có chương trình khuyến đọc, khuyến học cho những đứa trẻ ngay từ nhỏ. Mỗi gia đình và ngôi trường đều cần có một thư viện sách và có giờ đọc sách để các em làm quen với việc đọc mà sau này sẽ trở thành một nét văn hóa của dân tộc. Sách thì cần được duy trì các đầu sách nhiều hàm lượng về kiến thức, dễ đọc, dễ hiểu và có cái nhìn đa chiều, khách quan. Mỗi cha mẹ cũng đều phải tự học hỏi, đọc và hướng dẫn con cái chăm chỉ đọc sách và cùng đọc sách với chúng.

Mở các cuộc hội thảo công khai để mọi người dân đều có thể tiếp cận trao đổi, học hỏi và tranh luận dễ dàng, minh bạch và không hạn chế mọi vấn đề quốc gia, xã hội.

Đưa khoa học và thực nghiệm vào giải quyết vấn đề năng lực sản xuất giản đơn (thủ công, thô sơ). Ở đây bàn về vấn đề gốc là ngay trong trường học đã cần xây dựng được một hệ thống đào tạo có những phương pháp thực nghiệm bằng các ứng dụng công nghệ, khoa học tân tiến. Thứ nữa là phải đầu tư công nghệ hiện đại trực tiếp vào các ngành sản xuất mà là thế mạnh của chúng ta như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Điều này là ưu tiên vì chúng ta vẫn đặt nền kinh tế chủ đạo về các lĩnh vực này. Các quốc gia như Israel hay Nhật Bản đều là những nước nghèo tài nguyên nhưng có thể tạo dựng nên một nền nông nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ tiên tiến khiến thế giới phải kinh ngạc.

Đó là đánh thuế cao các mặt hàng rượu bia, chất có cồn và thuốc lá vì chúng là những hàng hóa đặc biệt (thường có tính chất nguy hại cho con người, từ thể chất cho đến tinh thần).

Thưa bạn đọc, ở trên đây tôi có thể đưa ra một vài giải pháp mang tính đơn lẻ và cụ thể. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề phức tạp có tính lịch sử này lại là một vấn đề lớn hơn rất nhiều mà cần phải nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu, rộng rãi hơn nữa mới mong có thể tìm kiếm được những giải pháp tích cực cũng như hữu ích nhất.

Rất mong nhận được những chia sẻ từ mọi người quan tâm trong xã hội về vấn đề trọng đại nêu trên nhiều hơn nữa.

Tôn Minh- Theo FB Luân Lê