Tâm sự chuyện làm ăn “quan hệ giữa chủ và thợ” tại Úc

0
739

Năm 1994, khi mới qua Úc, mình tình cờ gặp một anh người Việt ngoài đường và theo phép xã giao, mời anh tới nhà chơi. Không ngờ một hôm chủ nhật anh ấy tới thật. Anh là chủ nhân một hãng may ủi, rất bận rộn mà vẫn quý hóa đến chơi với em út du học sinh. Hồi đó người Việt đang thống trị nghề may ủi giống như nghề nail bây giờ với khoảng khoảng 100 hãng may ủi ở mạn Marrickville- Sydnham.

Nhớ lại một điều anh làm mình ngớ người ra: người chủ mà để người thợ ghét thì “thua”. Mọi người sẽ cho là đề cao ông anh đồng hương quá, nhưng đúng là mình chưa hiểu điều anh nói, mà phải mất mấy chục năm sau mới thấm thía.

Trong vụ “Minh ruồi” tố cáo nước giải khát có con ruồi trong chai, Tân Hiệp Phát đã phản ứng rằng dây chuyện sản xuất của họ rất hiện đại, không thể có chuyện mất vệ sinh. Chắc đa số mọi người cũng tin như vậy, nhưng không tính được rằng, giả sử có một người công nhân vì lý do tư thù với chủ mà bỏ ruồi vào thì sao ?

Ý anh nói ở đây là người chủ không thể kiểm soát được hoạt động và hành vi người thợ, chỉ có thể trông chờ vào sự tử tế của họ. Do đó mối quan hệ chủ thợ phải làm sao thật sự tốt đẹp.

Trong quá khứ và ở những nơi lạc hậu, quan hệ giữa người chủ và người làm công không được hay ho cho lắm. Người chỉ huy đánh mắng người dưới quyền là chuyện thường tình. Họ còn dễ dàng đuổi việc, làm mất miếng ăn của người làm thuê. Hồi ở Dubai, mình đã chứng kiến một công ty may đuổi khoảng một nửa trong số gần 200 công nhân Việt Nam trong thời gian chưa hết hợp đồng 3 năm, chỉ vì những lý do rất vớ vẩn. Chủ ở đây “ngang nhiên” gọi người làm của họ là “animals”, nghĩa là loại ngu si không biết gì. Điều kiện an toàn, bảo hộ và môi trường làm việc rất khắc nghiệt. Công đoàn bị thao túng nên người lao động không có cách gì phản kháng được.

Ở Úc, vấn đề quan hệ lao tư (industry relations) nơi làm việc được chú ý, coi đó là yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế. Ở cấp liên bang, tiểu bang đều có các cơ quan ngang bộ phụ trách, ở cấp doanh nghiệp là các hoạt động mạnh mẽ của công đoàn.

Dù không tuyệt đối nhưng phải nói những người “bề trên” rất có ý thức làm hài lòng những người cấp dưới. Nhưng điều kỳ lạ là họ không “make happy” bằng những khoản tiền thưởng, không có lương tháng 13…Riêng đặc thù của nghề sale, phần lớn tiền công được tính thông qua khoản hoa hồng bán hàng hóa dịch vụ. Trong khi báo chí Việt Nam mới đưa tin, một số công nhân đã nghỉ việc chỉ vì thưởng Tết ít quá.

Nói về quyền lợi người lao động, ngoài những yếu tố “môi trường”, thì điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề thù lao. Chỉ với mức giá thỏa đáng thì mới có thể làm thỏa mãn người làm công, mà không có lý do nào khác thay thế được.

Các nước châu Á không có các phát minh về công nghệ như các nước phương Tây, nhưng phải thừa nhận sự thành công ở Nhật, Hàn, phần nào ở Trung Quốc là do tính kỷ luật và hiệu quả. Cho thấy, yếu tố quản trị cũng quan trọng không kém vấn đề kỹ thuật.

Tuy nhiên, về lâu dài, để duy trì được năng suất và hiệu quả cao, quyền lợi tiền lương vẫn là vấn đề mấu chốt. Chính vì thế, thỉnh thoảng lại có những bình luận về sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc. Rõ ràng người lao động chăm chỉ ở Trung Quốc đang bị bóc lột nặng nề, và đó chính là quả bom nổ chậm có sức hủy diệt khủng khiếp.

Quy định mức lương tối thiểu ở các nước tiên tiến ($18/giờ tại Úc) là một bảo đảm bằng vàng cho mối quan hệ bền vững và thân hữu giữa chủ và thợ. Đương nhiên, vẫn có những hiện tượng trả lương dưới chuẩn, chèn ép người lao động, nhưng không quá phổ biến. Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể tránh được phá sản nếu luôn luôn và hoàn toàn tuân theo các định mức về chi phí. Chính phủ có lẽ cũng phải hiểu điều thực tế này nên cũng không nỡ làm gắt gao quá.

Trong tương lai, cùng với yếu tố “thân thiện môi trường”, các doanh nghiệp phải bảo đảm có mối quan hệ chủ thợ thương yêu nhau, như là một điều kiện tiên quyết để giới thiệu sản phẩm có tính cạnh tranh ra thị trường.

Bài viết tâm sự bởi tác giả Lương Văn Quang, một người yêu thích viết lách, và chia sẻ, tâm sự cuộc sống tại Sydney. Cùng đón chờ những bài viết từ anh trong tương lai.