Vietucnews – Vốn là biểu tượng đặc trưng cho nước Úc bên cạnh Kangaroo, song giờ đây tương lai của gấu túi Koala đang mờ mịt hơn bao giờ hết.
Các nhà khoa học cảnh báo gấu túi Koala có nguy cơ “tuyệt chủng về chức năng” ngay trên chính mảnh đất chúng sinh sống bấy lâu. Theo ước tính của Quỹ bảo vệ gấu túi Koala Úc (AKF), tuy không bị diệt hoàn toàn nhưng số lượng Koala còn lại cũng quá ít ỏi để duy trì sức sống của loài: chưa đến 80,000. Con số này không đủ để đảm bảo cho khả năng phát triển lâu dài của nòi giống Koala.
Những cá thể gấu Koala còn sót lại đại diện cho “khoảng 1% số gấu túi bị bắn chết để lấy lông và gửi tới London trong suốt khoảng thời gian 1890 – 1927,” Chủ tịch AKF Deborah Tabart chia sẻ trong một buổi họp báo.
Theo thống kê của AKF từ năm 2010, có 41/128 khu vực trên khắp nước Úc hoàn toàn vắng bóng gấu Koala. Ở nhiều nơi khác, kết quả cho thấy số gấu túi còn lại chẳng đáng là bao.
Thuật ngữ “tuyệt chủng về chức năng” được sử dụng để chỉ một loài sinh vật đã suy yếu về số lượng và giảm khả năng sinh sản đến mức không còn đóng vai trò đáng kể trong hệ sinh thái. Một báo cáo từ NewScientist đã làm rõ khái niệm này, cho thấy nhận định của AKF vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trả lời phỏng vấn từ NewScientist, nhà sinh vật học Christine Adams-Hosking của Đại học Queensland cho biết gấu Koala không có khả năng hoàn toàn tuyệt chủng trên phạm vi cả nước cùng một lúc. Song, với tốc độ tàn phá môi trường của con người, khả năng chúng biến mất ở một số khu vực đặc thù là khá lớn.
VIDEO VỀ GẤU KOALA TRÊN NEWS.COM.AU
Tuy còn chưa thống nhất về số lượng cá thể Koala còn sót lại, nhưng các nhà khoa học lại cùng chung quan điểm về nguyên nhân suy yếu nòi giống của loài gấu này: mất đi môi trường sống và hiện tượng trái đất ấm lên.
Nhóm gấu Koala ở Queensland và NSW đã tổn thất tối đa 80% số lượng cá thể vì biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán và sóng nhiệt nghiêm trọng – phỏng theo lời Adams-Hosking trên The Conversation. Ngoài ra, Koala còn phải đối mặt với dịch bệnh và nạn phá rừng trong suốt quá trình sinh tồn.
“230 năm trước, hãy còn hàng triệu con gấu túi đi lang thang trong những khu rừng rộng lớn miền đông đất nước,” WWF Úc viết trong Kế hoạch bảo tồn Koala 2019. “Nhiều khả năng gấu Koala không xuất hiện ở miền tây NSW và Queensland bởi vì môi trường ở đó không còn phù hợp với chúng nữa.”
Adams-Hosking còn lưu ý rằng một khi số lượng cá thể giảm đến mức không thể sinh sản hoặc phải giao phối cận huyết, quần thể Koala sẽ có nguy cơ bị tận diệt.
Trong thông cáo báo chí của AKF, Tabart kêu gọi các nhà lập pháp thông qua Đạo luật bảo tồn Koala. Dựa trên đạo luật bảo vệ đại bàng đầu trắng mà Mỹ đã thành công trước đó, AKF đề nghị chính phủ xem xét đề xuất trên góc nhìn chính trị, để “đảm bảo biểu tượng của đất nước không bị tuyệt chủng”.
“Một trong những ‘linh vật’ của ngành du lịch nước ta sắp bị dồn vào ngõ cụt. Chúng ta phải hành động. Đừng giam cầm chúng trong sở thú, cứu lấy môi trường sống của chúng mới là lựa chọn đúng đắn,” AKF nói.
Nguồn: CBS News