Úc: Kỹ sư bị bỏng độ 1 vì mặc áo bảo hộ phản quang

0

Vietucnews – Một bác sĩ ở Perth đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy hại cho sức khỏe đến từ những chiếc áo phản quang mặc khi trời nắng sau khi điều trị ca bỏng được cho là đầu tiên trên thế giới gây ra bởi chiếc áo bảo hộ lao động này.

Trong một bức thư gửi cho biên tập viên Tạp chí Y khoa Úc (Medical Journal of Australia) xuất bản hôm qua, chuyên gia y tế khẩn cấp Ioana Vlad đã giải thích cách bà điều trị một kỹ sư bị bỏng độ 1 vì áo bảo hộ phản quang như thế nào.

Đó là một người kỹ sư môi trường 40 tuổi đã đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Sir Charles Gairdner hồi cuối tháng 1 năm 2018 với vết phát ban ngang lưng.

Khi khám bệnh, bác sĩ Vlad nhận thấy vùng phát ban nằm ngay dưới dải phản quang trên chiếc áo bảo hộ mà bệnh nhân mặc.

Người kỹ sư môi trường đã đến bệnh viện sau khi phát hiện ra một vết ban đỏ gây đau đớn trên lưng. (Ảnh: Andrew O'Connor/ABC News)
Người kỹ sư môi trường đã đến bệnh viện sau khi phát hiện ra một vết ban đỏ gây đau đớn trên lưng. (Ảnh: Andrew O’Connor/ABC News)

Mặc dù vết thương không nghiêm trọng, nhưng bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong vài ngày. Người kỹ sư được điều trị bằng nha đam và thuốc giảm đau cho vết bỏng độ 1, mức độ nghiêm trọng tương tự như cháy nắng.

Bác sĩ Vlad cho biết hầu như bất kỳ người nào mặc áo phản quang cũng đều có nguy cơ bị tổn thương như bệnh nhân này.

“Điều đó cũng có thể xảy ra với những người khác, đặc biệt những người mặc áo bảo hộ phản quang cùng loại và làm việc ngoài trời, bị nắng chiếu trực tiếp vào áo,” bác sĩ Vlad nhận định.

Người kỹ sư nói rằng băng phản quang trở nên cực kì nóng khi anh làm việc ngoài trời nắng, và anh cũng phải thường xuyên xoay sở để phần băng đó không chạm vào da.

Theo tiêu chuẩn, trang phục bảo hộ phải có khả năng chống tia cực tím và phải có chỉ số UPF 40-50+ (Ảnh: Erin Parke/ABC News)

Nên mặc trang phục bảo hộ như thế nào?

Theo các quy định về sức khỏe và an toàn lao động của Úc, người sử dụng lao động quyết định khi nào người lao động phải mặc quần áo bảo hộ phản quang. Điều này tùy thuộc vào môi trường làm việc.

Tuy nhiên, theo tổ chức Tiêu Chuẩn Úc (Standard Australia), đơn vị đặt ra các tiêu chuẩn cho các thiết bị an toàn, bao gồm cả trang phục bảo hộ phản quang, cho biết người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của người lao động làm việc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời bằng cách cung cấp trang phục bảo hộ có khả năng chống tia UV.

Theo tiêu chuẩn, những trang phục này phải có khả năng chống tia cực tím và phải có chỉ số UPF (Ultraviolet Protection Factor) ở mức xuất sắc (40-50+).

Bác sĩ Vlad cho biết bà đã khuyến nghị người sử dụng lao động không nên áp dụng quy định mặc áo bảo hộ cả ngày. Người lao động cũng nên có những biện pháp phòng ngừa nguy cơ bị bỏng da.

“Những người mặc trang phục bảo hộ có băng phản quang nên chú ý, nếu họ làm việc dưới nắng và băng phản quang tiếp xúc trực tiếp vào da thì nguy cơ bị bỏng độ 1 có thể xảy ra,” bác sĩ Vlad cho biết.

Người kỹ sư môi trường bị bỏng da ở mức độ 1. (Ảnh: Medical Journal of Australia)

Bà cũng khuyến cáo người lao động nên mặc thêm áo bên trong, như áo phông chẳng hạn, để da tránh tiếp xúc trực tiếp với băng phản quang.

Các yêu cầu trực quan với trang phục bảo hộ mặc các thời điểm trong ngày được quy định bởi cơ quan Tiêu Chuẩn Úc, trong đó bao gồm quần áo bảo hộ phản quang. Theo đó, áo màu vàng huỳnh quang và xanh navy không có băng phản quang nên được mặc ban ngày. Áo phản quang mặc buổi tối phải có băng phản chiếu hình chữ X hoặc H để tăng độ nhận diện.

Áo bảo hộ có băng phản quang tương tự như áo người kỹ sư môi trường bị bỏng da mặc, tuy nhiên, lại được cho phép mặc cả ban ngày lẫn ban đêm.

Biện pháp an toàn nào cho người lao động?

Mặc dù tác động của trang phục bảo hộ cần phải xem xét trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng, bác sĩ Vlad cho biết có nhiều giải pháp an toàn cho người lao động khác có thể áp dụng.

“Tôi cho rằng đây là vấn đề nhà sản xuất trang phục bảo hộ lao động cần cân nhắc. Họ có thể lót một lớp vải dưới băng phản quang hoặc hạn chế số lần mặc áo bảo hộ loại này chẳng hạn.”

Các nhà sản xuất cũng đã cảnh báo rằng việc mặc áo có băng phản quang có thể gây ra sự tích tụ nhiệt quanh vai, cổ và tai người lao động. Băng cũng có nguy cơ bắt lửa hoặc tan chảy khi chịu nhiệt.

Tuy nhiên, chưa hề có trường hợp băng phản quang gây chấn thương được công bố trong bất kỳ tài liệu y khoa nào trước đây.

Nguồn: abc.net.au

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz