Úc quyết không nhân nhượng với Trung Quốc

0
362

Chính quyền đương nhiệm tại Úc giữ lập trường về mối quan hệ với Trung Quốc. Nỗ lực của Úc đã thành công bước đầu khi nước này thuyết phục quần đảo Solomon hủy thỏa thuận ký với Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) về việc xây dựng một tuyến cáp quang internet ngầm dưới biển.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nhiều khả năng quyết định ngăn Tập đoàn Viễn thông Huawei (Trung Quốc) tham gia xây dựng mạng không dây 5G tại nước này vì nỗi lo về an ninh quốc gia.

Cộng đồng tình báo và an ninh Úc vẫn lo ngại Huawei có liên hệ với chính phủ Trung Quốc và đề nghị ngăn công ty này tham gia đấu thầu các hợp đồng 5G. Hồi năm 2012, Huawei cũng bị cấm tham gia hệ thống băng thông rộng quốc gia Úc vì lý do an ninh. Phản ứng trước thông tin mới nhất nói trên, Chủ tịch Tập đoàn Huawei tại Úc John Lord khẳng định họ đang thảo luận với nhà chức trách Úc và chưa nghe đến bất kỳ “mối lo ngại thực sự” nào liên quan đến vấn đề mạng 5G.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Rick Houenipwela (trái) và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 13-6. Ảnh: Reuters

Những tranh cãi liên quan đến Huawei xuất hiện giữa lúc Úc tăng cường chương trình viện trợ nước ngoài dành cho các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó sự gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc. Hồi tháng trước, Canberra đã cam kết dùng 970 triệu USD trong ngân sách chính phủ để tài trợ cho các dự án tại khu vực này.

Nỗ lực của Úc đã thành công bước đầu khi nước này thuyết phục quần đảo Solomon hủy thỏa thuận ký với Huawei hồi năm 2016 về việc xây dựng một tuyến cáp quang ngầm dưới biển để cải thiện chất lượng dịch vụ internet, điện thoại. Thay vào đó, đảo quốc ở Thái Bình Dương chuyển sang hợp tác với Úc. Theo thỏa thuận được ký kết hôm 13-6, Canberra sẽ tài trợ xây dựng tuyến cáp quang nối liền thủ đô Honiara của quần đảo Solomon và Úc. Ngoài ra, Úc đồng ý xây một trung tâm an ninh mạng cho Solomon và tài trợ dự án thiết lập mạng cáp viễn thông gắn kết Honiara với các tỉnh hẻo lánh.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng có lý do chính đáng để thận trọng trước việc công ty Trung Quốc tham gia các dự án viễn thông. “Việc sở hữu cơ sở hạ tầng viễn thông cho phép các cơ quan tình báo Trung Quốc tiếp cận những kênh thông tin liên lạc của hàng loạt quốc gia” – ông Bryan Clark, chuyên gia tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (Mỹ), giải thích với tạp chí Nikkei Asian Review. Nguy cơ gián điệp chỉ là một phần lý do. Theo ông Clark, nếu các công ty Trung Quốc là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, họ sẽ thiết lập vị thế độc quyền, thu về không ít lợi nhuận trong tương lai.

Tập đoàn Viễn thông Huawei hiện là nhà cung cấp chính các hệ thống chính phủ điện tử ở Vanuatu và Papua New Guinea – 2 quốc gia Thái Bình Dương nhận các khoản vay mềm từ Bắc Kinh. Trước sự lấn tới của Trung Quốc tại khu vực, Úc đáp trả bằng cách đẩy mạnh quan hệ với các đảo quốc láng giềng.

Tuy nhiên, không dễ để các quốc đảo ở Thái Bình Dương từ chối đề nghị hấp dẫn từ Trung Quốc vì Bắc Kinh biết các nước này cần gì và sẵn sàng cung cấp chúng. Điều này thể hiện rõ qua lời của Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai với tờ Nikkei Asian Review: “Vì lý do an ninh và chúng tôi đã gần như cạn kiệt nguồn lực…, chúng tôi có thể sớm gặp rắc rối lớn”. Ngoài tuyến cáp, Vanuatu còn thiếu hụt cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học, bến tàu…

Ông Salwai thừa nhận việc Vanuatu hợp tác với Trung Quốc không nhận được nhiều ủng hộ nhưng đó lại là cách giúp nước này phát triển. Tương tự, một quan chức chính phủ Papua New Guinea lý giải lợi thế khi làm việc với Trung Quốc là họ có thể hoạt động ở bất kỳ đâu và chấp nhận rủi ro.

Theo NLĐ