Từ ngày 11-15/11/2018 tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị Cấp cao liên quan. Dự kiến sẽ có khoảng 12 Hội nghị của Lãnh đạo ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Nga, Liên Hợp Quốc và các khách mời như EU, Canada, IMF, Chile…) diễn ra dịp này.
Các Đối tác được cho là sẽ tham gia và đóng góp tích cực tại các Hội nghị trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN 33 sắp tới, trong đó sẽ công bố nhiều sáng kiến hợp tác mới với ASEAN cũng như tham gia thảo luận tích cực, xây dựng với ASEAN về các vấn đề đang tác động đến tình hình an ninh, ổn định khu vực để tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đặt ra. Và dĩ nhiên vấn đề an ninh, hợp tác trên biển, đặc biệt là khu vực Biển Đông, vẫn được kỳ vọng và trông đợi nhiều nhất.
Vấn đề Biển Đông
Tình hình ở Biển Đông hiện nay về bề nổi đã lắng dịu hơn so với thời điểm sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết (tháng 7/2016), nhưng thực chất vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, một trong số những vấn đề đó là việc xây dựng và gia cố đảo nhân tạo trái phép và các hoạt động quân sự hóa tại khu vực Biển Đông.
Đã có nhiều đề xuất về những giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong đó có giải pháp sử dụng cơ chế hòa giải, cơ chế trọng tài, cơ chế tham vấn mở dựa theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Tuy nhiên các đề xuất đều tập trung nhấn mạnh dù sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nào thì các bên cũng cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa trọng tài PCA về vấn đề Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, cơ sở để nước này khẳng định chủ quyền không phải là luật pháp quốc tế hiện thời hay thậm chí là quyền kiểm soát trong lịch sử đối với Biển Đông. Năm 2016, Tòa trọng tài, được thiết lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, đã kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định các quyền trong lịch sử đối với những khu vực biển nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”. Hơn nữa, do không có cấu trúc nào trong số cấu trúc địa hình mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền được Tòa trọng tài xem xét – các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough – về mặt kỹ thuật được coi là các “đảo” theo UNCLOS, nên chúng không phải là cơ sở để đưa ra được các tuyên bố chủ quyền hoặc những quyền lợi trên biển, như các vùng đặc quyền kinh tế.
Chiến lược của Trung Quốc
Thay vào đó, “đường 9 đoạn” bắt nguồn từ lợi ích quốc gia ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong việc đảm bảo khu vực ngoại vi và quyền tiếp cận của chính nước này đối với các tuyến đường thương mại có ý nghĩa sống còn. Giống như các cường quốc đế quốc đang trỗi dậy trước đây, Trung Quốc phải đối mặt với thách thức của việc liên kết các đường biên giới với tham vọng ngày một lớn và sự thèm khát các nguồn lực, tài nguyên và thị trường ngày càng tăng của họ.
Không chỉ là sự ngẫu nhiên chiến dịch xây dựng đảo trắng trợn của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bắt đầu một cách nghiêm túc trong cùng năm Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2013, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á báo cáo rằng Trung Quốc đã tiến hành nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo chưa từng có tiền lệ ở quần đảo Trường Sa, tạo ra vùng đất mới rộng gần 1.300 hecta, cùng với việc mở rộng đáng kể sự hiện diện của nước này ở quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh đã phải tự lực giải quyết một mặt trận không an toàn.
Từ tư duy này, việc Chính quyền Trump gia tăng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông có thể đem lại những kết quả ngoài các mục tiêu được tuyên bố là duy trì luật pháp quốc tế và tuyến giao thông biển toàn cầu. Ưu thế hải quân và khả năng sẵn sàng tác chiến của Mỹ cũng có thể được hiểu là một mối đe dọa khiến Trung Quốc không tiếp cận được các thị trường và nguồn cung năng lượng của nước ngoài. Vào tháng 5/2018, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đã cho máy bay ném bom tầm xa hạ cánh xuống đảo Phú Lâm ở Biển Đông, tạo điều kiện hơn nữa cho việc triển khai lực lượng của Bắc Kinh trong khu vực, trong đó tính đến cả những vị trí tiền tiêu của Mỹ.
Cơ chế hòa bình để giải quyết các tranh chấp?
Câu hỏi lớn về chính sách là nếu muốn ngăn chặn việc Trung Quốc âm thầm quân sự hoá các đảo, Mỹ cần phải có đồng minh. Liên minh tự do hàng hải ngày càng mở rộng. Bước đi tiếp theo để cho Trung Quốc thấy rằng không chỉ có Hoa Kỳ muốn duy trì tự do hàng hải là việc thực hiện các cuộc tuần tra biển với đồng minh. Các biện pháp cấm vận đối với các công ty tham gia bồi đắp, cải tạo cũng là một trong số các công cụ có thể được tính đến. Về phương diện luật pháp quốc tế, việc thông qua UNCLOS sẽ không làm Mỹ thiệt hại, nhưng điều này dường như khó xảy ra. Khuyến khích các quốc gia yêu sách theo bước chân của Philippines và đưa vấn đề này lên Toà án Trọng tài quốc tế có thể là bước hữu ích buộc Trung Quốc và các quốc gia yêu sách phải làm rõ những đòi hỏi của họ và cả những cơ sở pháp lý của các đòi hỏi đó dựa theo luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, mục đích của Bộ Quy tắc ứng xử trên biển (COC) là điều chỉnh hành vi của các bên nên sẽ không có xung đột hoặc chiến tranh tại Biển Đông. COC không có mục đích giải quyết kết quả tranh chấp lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông, phạm vi điều chỉnh này thuộc về UNCLOS, cơ chế mà tất cả các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông là các bên thành viên. Do đó, COC quy định hành vi của các bên tranh chấp, trong khi UNCLOS giải quyết các tranh chấp giữa các bên. Mặc dù có liên quan, đây là hai vấn đề cơ bản khác nhau.
Nhìn một cách toàn diện, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bắt buộc các quốc gia phải sử dụng các biện pháp hòa bình và phi vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Trong quá trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, các nước đều cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như thể hiện nhất trí về việc không làm phức tạp, mở rộng tranh chấp. Đó là một nghĩa vụ quốc tế mà tất cả các bên đều phải tuân thủ.