Vietucnews – Anh Nguyễn Minh Tuấn, từng là du học sinh có chia sẻ về những lý do “khó nói” không chỉ quán quân Olympia và rất nhiều học sinh Việt Nam khi đi du học đều không trở về nước ngay.
“Đường lên đỉnh Olympia” là game show có tuổi đời dài nhất của Đài truyền hình Việt Nam. Đến nay, chương trình vẫn còn thu hút rất nhiều người xem. Tuy nhiên, những năm gần đây khán giả bắt đầu băn khoăn về việc tại sao 17 quán quân chương trình đi du học chỉ có 2 người trở về. Dưới đây là một vài nguyên nhân khách quan mà theo anh Nguyễn Minh Tuấn cho rằng họ chưa thể về Việt Nam.
Contents
1, Sốc văn hóa ngược
Mỗi năm chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” sẽ chọn ra một quán quân xuất sắc nhất, nhận suất học bổng 35.000 USD du học Úc. Đây có lẽ là giấc mơ của nhiều học sinh, sinh viên vì không phải dễ dàng để có cơ hội ra nước ngoài học tập. Tuy khoản tiền 35.000 USD không đủ để trang trải 4 năm học tại Úc, nhưng đó cũng không phải là số tiền nhỏ.
Hầu hết quán quân Olympia các năm đều sống ở những nơi khó khăn, nên với họ được đặt chân tới nền văn hóa khác, còn là cơ hội đổi đời. Rất nhiều du học sinh, ban đầu ở nước ngoài, rất khó thích nghi với điều kiện khí hậu, cuộc sống và văn hóa bản địa. Mặc dù đã tìm hiểu rất kĩ và chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống mới, nhưng hầu hết đều cảm thấy xa lạ và không dễ thích ứng nhanh. Qua quá trình sinh sống và học tập 4 năm đại học, giúp cho các bạn du học sinh quen dần với phong cách sống, thích nghi được với điều kiện thời tiết và văn hóa xứ người.
Sau một thời gian dài ở nước ngoài, các du học sinh trở về nước, thì lúc này văn hóa Việt lại là một trở ngại. Nhiều bạn trẻ sẽ khó thích ứng, không tiếp cận được những thay đổi văn hóa mẹ đẻ của mình. Từ đó đẫn đến hiện tượng “sốc văn hóa ngược”.
Nhiều người cho rằng vấn đề đó không nghiêm trọng, sau một thời gian sẽ quen. Tuy nhiên, “sốc văn hóa ngược” là một yếu tố tác động đến tinh thần của nhiều du học sinh, dẫn đến các hiện tượng ngại giao tiếp, xa lánh tập thể, lâu dài sẽ thành bệnh trầm cảm. Nhiều du học sinh chuẩn bị về nước đều hiểu rõ vấn đề “sốc văn hóa ngược” này. Một số người chuẩn bị tư tưởng kĩ để về nước sinh sống và làm việc, nhưng phần lớn là ngại đối diện, xoay sang hướng ở lại nước ngoài sinh sống.
2, Môi trường làm việc không dễ thích nghi
Trong số 17 quán quân Olympia đi du học, sau khi tốt nghiệp đại học, phần nhiều các bạn chọn học lên thạc sỹ và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, như Trần Ngọc Minh (quán quân Olympia năm đầu tiên), Phan Mạnh Tân (quán quân Olympia năm 2), Hồ Ngọc Hân (quán quân Olympia năm 9). Một số người bắt đầu đi làm, kiếm tiền sớm lo cho gia đình như Võ Văn Dũng (quán quân Olympia năm 4), Đỗ Lâm Hoàng (quán quân Olympia năm 5), Đặng Thái Hoàng (quán quân Olympia năm 12).
Các quán quân Olympia thường học tập, sinh sống và làm việc 8-10 năm ở Úc. Họ đã quen thuộc với nhịp sống xứ người, công việc lại khá ổn định, có thu nhập tốt. Ở ngưỡng 30 tuổi, ít ai có ý định về nước lập nghiệp lại từ đầu.
Môi trường làm việc ở nước ngoài khá tốt, thu nhập của họ có thể chu cấp thoải mái cho cả gia đình. Chưa kể, ở Úc nói riêng và nhiều nước khối Anh ngữ nói chung có chính sách thu hút chất xám, tìm kiếm nhân tài, với chế độ đãi ngộ rất tốt. Trong khi đó ở Việt Nam, lương thưởng sẽ rất khó để đội ngũ du học sinh này chăm lo đầy đủ cho gia đình. Chưa kể những cơ chế sử dụng nhân lực rườm rà, hình thức khiến cho năng suất lao động giảm. Do đó, người tài không có đất để sử dụng kiến thức và phát huy hết năng lực.
Những năm trở lại đây, vấn đề thu hút nhân tài được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, môi trường làm việc được cải thiện tốt hơn, song lối tư duy làm việc máy móc, thiếu tính chuyên nghiệp vẫn là rào cản đối với chính sách tuyển dụng người giỏi về nước làm việc.
3, Thay đổi về nhận thức xã hội
Viện nghiên cứu Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, tính cách của người Việt là “thông minh”, “ham học hỏi”, “có khả năng tiếp thu nhanh”. Vậy nên, sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài bắt nhịp khá nhanh và học hỏi được nhiều kiến thức, văn hóa, phong cách sống của xã hội bản địa. Trong quá trình tiếp nhận cái mới liên tục và lâu dài này, nhiều người Việt dần xóa nhòa những nhận thức xã hội trong nước. Đáng lẽ cần “hòa nhập”, nhưng nhiều người Việt lại bị “hòa tan” vào xã hội phương Tây. Vậy nên, sau một thời gian xa nhà, họ nhìn nhận các vấn đề xã hội trong nước với quan điểm khác biệt, và thường không chấp nhận với thực tế đó.
Ngoài ra, xã hội Úc nói riêng và phương Tây nói chung luôn đề cao tính “tự do cá nhân”, xây dựng cộng đồng đa bản sắc văn hóa và ngôn ngữ. Trong khi xã hội Việt Nam có tính đồng nhất tương đối về văn hóa và ngôn ngữ bản địa, ít lai tạp bởi người nhập cư nước ngoài. Do đó, những khác biệt về nhận thức xã hội khiến cho người Việt hải ngoại khó chấp nhận.
Vậy nên, không khó để lý giải tại sao 18 quán quân Olympia du học mà chỉ có 2 người về nước làm việc. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh khác. Bởi vì các nước phát triển luôn cố gắng lôi kéo nhân tài về phục vụ cho đất nước họ.
Vấn đề cần bàn ở đây không phải là về nước hay ở lại, mà là làm sao Việt Nam có thể tiếp cận và thu hút nhiều nguồn nhân lực bậc cao, mời gọi người tài chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về sử dụng trong nước.
Nguồn: kenh14.vn
Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn: http://onelink.to/suwtvz