Hiểu rõ về giun móc khi về Việt Nam tắm biển

0
498
Bệnh Cutaneous Larva Migrans. Ảnh: Internet

Vừa qua, vụ một phụ nữ người Úc ở Sunshine Coast đi tắm biển An Bàng ở Hội An, Việt Nam bị bệnh do giun móc gây ra làm nhiều người hoang mang.

Do vậy, Vietucnews.net có buổi trò chuyện với bác sĩ gia đình Hiệp Đình Phan về vấn đề này để độc giả có thêm thông tin chuẩn xác và biết cách phòng tránh giun móc khi về Việt Nam tắm biển trong mùa hè tới.

Theo Bs bệnh cụ thể là gì – Bệnh do đâu?

Do Giun Móc, cụ thể là Ấu trùng giun móc Đào Hầm Dưới Da- Cutaneous Larva Migrans (CLM).

Mặc dù là bệnh do Giun Móc; Tuy nhiên, hiểu đơn thuần là do hookworm có thể dẫn đến sai lệch khi hiểu sang tiếng Việt. Bởi vì trong nhóm giun móc – (ancylostoma – crooked mouth) có nhiều con giun khác nhau. Nổi tiếng mà gây bệnh CLM này là do Ancylostoma brasiliense và Ancylostoma caninum.

Bệnh CLM này thì giun móc nhóm này chỉ gây bệnh ngoài da, không đi sâu vào cơ thể vào ruột gây thiếu máu (như giun mỏ: Necator americanus hay giun móc Ancylostoma duodenale) mà người y giới Việt thường biết đến.

Bác sĩ gia đình Hiệp Đình Phan

Với CLM, giun móc này chỉ gây ngứa da khủng khiếp, nếu không điều trị thì nó cũng chết và bệnh lý kéo dài vài tuần (ít khi vài tháng). Có thể gây biến chứng do gãi nhiều mà đau, nhiễm trùng.

Còn nhóm Giun móc mà người Việt thường được biết là đi vào chân, nhưng theo bạch huyết về phổi, lên khí quản, xuống ruột và trú ngụ ở ruột, hút máu gây thiếu máu.

Con đường lây truyền của bệnh này?

Trứng từ phân chó mèo, nở thành ấu trùng trong điều kiện đất ấm và ẩm (như đất bãi biển). Ấu trùng chui qua da và tạo thành đường hầm ngay sát da tại nơi tiếp xúc.

Người bị bệnh này có lây truyền cho người khác không?

Khác với nhóm giun móc, giun mỏ mà người Việt thường biết đến (Ancylostoma duodenale, Necator americanus), Nhóm giun móc gây CLM này không đi lên phổi – ruột để tá túc, mà chúng sẽ chết sau một thời gian đã đào hầm dưới da cơ thể. Nên không lây truyền từ người sang người.

Vậy nếu tôi giẫm phải phân chó ở bãi biển. Tôi có nguy cơ bị nhiễm không?

Cơ hội gần như là quá thấp, bởi vị nếu dẫm phải phân chó, chúng ta đã lập tức rửa chân và có hội để đủ thời gian ấu trùng bò vào là rất thấp.Còn nếu phân tươi thì khả năng trứng chưa nở thành ấu trùng thì nguy cơ còn thấp hơn.

Vấn đề ở chỗ là nếu ta tiếp xúc trên vùng đất mà trước đây có trứng đã nở thành ấu trùng, ấu trùng mới chui và cơ thể qua da (vd chôn chân, đứng lâu, nằm phơi nắng..)

Bệnh có gây chết người không?

Như đã nói CLM là bệnh tự khỏi, chỉ có thể gây ngứa khủng khiếp và bội nhiễm do gãi..chứ chưa đủ khả năng gây chết người.

Bệnh có dễ chẩn đoán không?

Dễ và khó. Dễ là nếu ai đã từng nghe nói, từng biết và nhìn thấy tổn thương cùng với hỏi bệnh có yếu tố tiếp xúc. (tắm biển vùng nhiệt đới, nơi có hệ thống vệ sinh hay y tế chưa tốt). Khó là nếu chưa biết, nhất là y giới và bệnh nhân cũng chưa biết về bệnh này để nghĩ đến hay nhắc nhở.

Nếu nói bệnh là tự khỏi thì có cần điều trị không, có thuốc điều trị không?

Nếu không điều trị, thì bị ngứa kéo dài hơn, khó chịu hơn.Nếu biết và điều trị thi thời gian chịu khổ sở ngắn hơn.

Thuốc thì ở VN cũng có, các bạn có thể tham khảo bác sĩ (hy vọng các bác sĩ cũng cập nhật bệnh này – như đã nói, nhiều bs chưa biết, chưa nghĩ đến).

Tình trạng của người phụ nữ ở Sunshine Coast sau khi tắm biển An Bàng.

Vậy nếu có thân nhân đi tắm biển thì có sợ bệnh này không?

Rủi ro thấp, và cần chú ý: tránh đứng lâu hay để cơ thể tiếp xúc với đất sát bờ biển lâu đủ để ấu trùng chui qua da. Còn nói chung, nếu mang giày, vừa thả ra đã xuống biển tắm thì không có vấn đề đáng ngại.

Chưa kể là nếu biết bệnh thì điều trị cũng đơn giản. Đâu vì một chút sợ mà bỏ tắm biển phải không các bạn. Cần chú ý ở các bãi biển có chó đi tắm hay thả dạo. Và người chủ chó cũng nên tập tác phong hốt bỏ phân đúng khu vực chất thải.

Người trong nước nên nghĩ đến bệnh này nếu thấy ngứa da nỗi những vệt nhỏ trên da như hình con rắn nhỏ ngùng ngoằn. Còn người nước ngoài (nhất là các em nhỏ) nếu về VN tắm biển mà bị ngứa hay các biểu hiện như đã nói, thì dù gặp bác sĩ ở VN trong thời gian đó, hay đã quay về nước sau du lịch cũng nên nói bác sĩ mình đến khám về bệnh lý này để họ suy nghĩ thêm.

Bác sĩ Hiệp Đình Phan