Hóa chất trong nhựa: kẻ thù “ẩn danh” của sức khỏe

0
338

VietucnewsChúng ta sử dụng đồ dùng bằng nhựa hàng ngày, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rõ tác hại của các hóa chất trong nhựa đến con người, từ tiêu hóa, nội tiết đến sức khỏe sinh sản.

Nhựa có mặt ở khắp nơi. Túi đựng thực phẩm, bát đĩa, bình nước, dụng cụ nhà bếp, hộp mỹ phẩm, đến cả sex toy cũng bằng nhựa nốt!

Đồ nhựa đã quá phổ biến trong cuộc sống, và mối lo ngại về ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe chúng ta cũng gia tăng.

Trong nhựa có những hóa chất gây hại nào?

Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (German Federal Institute for Risk Assessment), cơ quan tư vấn cho Chính phủ Đức về các vấn đề liên quan đến an toàn sản phẩm, hóa chất và thực phẩm, đã đưa ra khuyến cáo mọi người nên hạn chế để những dụng cụ làm bếp bằng nhựa polyamide tiếp xúc với đồ ăn nóng. Theo cơ quan này, chất oligomer trong thìa, xẻng đảo đồ ăn, và cây đánh trứng bằng nhựa có thể “di cư” vào trong đồ ăn, rồi xâm nhập vào hệ tiêu hóa của con người.

Đồ dùng bằng nhựa quá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày (Ảnh: Pixabay)
Đồ nhựa sử dụng trong bữa ăn hàng ngày (Ảnh: Pixabay)

Mặc dù những dụng cụ làm bếp này chưa được chứng minh là có tác động tiêu cực đến sức khỏe nhưng Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức cho biết với liều lượng cao, oligomer có thể gây ra tác dụng phụ ở gan và tuyến giáp.

Viện này khuyến nghị để đồ làm bếp bằng nhựa tiếp xúc với đồ ăn càng ít càng tốt, nhất là khi đồ ăn ở nhiệt độ cao trên 70oC.

Ngoài ra, những bằng chứng cho thấy tác động của các hợp chất trong nhựa lên khả năng sinh sản cũng ngày càng trở nên rõ rệt.

Theo Tiến sĩ Mark Green, giảng viên sinh học sinh sản đang nghiên cứu tác động của một số hóa chất đối với khả năng sinh sản của con người, các hóa chất như Bisphenol A (BPA) được sử dụng để sản xuất một số loại nhựa là một trong những chất gây rối loạn nội tiết được nghiên cứu nhiều nhất.

BPA có thể được tìm thấy trong các hộp đựng đồ ăn, thức uống mang đi, chai nhựa, lớp lót của ly cà phê mang đi, và nhựa polycarbonate (dạng cứng) như bình sữa trẻ em.

Liên minh châu Âu đã không còn sử dụng BPA trong sản xuất bình sữa trẻ em (Ảnh: Burst/Pexels)
Liên minh châu Âu đã không còn sử dụng BPA trong sản xuất bình sữa trẻ em (Ảnh: Burst/Pexels)

Hóa chất này cũng được sử dụng trong lớp lót đồ hộp để ngăn thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với kim loại và thậm chí còn có trong lớp phủ bóng trên bề mặt hóa đơn thanh toán tiền mặt.

BPA phổ biến đến mức 95% người dân Úc có BPA ở mức phát hiện được trong nước tiểu.

Các quốc gia khác lại có quan điểm khác nhau về BPA. Tổ chức Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (FSANZ) khẳng định BPA không gây rủi ro sức khỏe đáng kể cho con người ở bất kỳ nhóm tuổi nào, trong khi Pháp đã cấm BPA, còn Liên minh châu Âu đã không còn sử dụng BPA trong sản xuất bình sữa trẻ em.

Chính phủ Liên bang đã công bố việc tự nguyện ngưng sử dụng bình sữa trẻ em có chứa BPA hồi năm 2010.

Tiến sĩ Green cho biết các nhà khoa học đã tìm thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa BPA và béo phì và nghiên cứu gần đây cũng cho thấy BPA làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Nhựa và những hóa chất này rất phổ biến trong môi trường xung quanh (Ảnh: Daria Shevtsova/Pexels)
Nhựa và những hóa chất trong nhựa rất phổ biến trong môi trường xung quanh (Ảnh: Daria Shevtsova/Pexels)

Đặc biệt, BPA được cho là ảnh hưởng đến số lượng trứng trong tử cung phụ nữ và có khả năng gây sẩy thai. Các hợp chất như BPA cũng được coi là chất gây rối loạn nội tiết.

Tiến sĩ Green cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã thu được rất nhiều kiến ​​thức và dữ liệu về tác dụng của BPA bằng các nghiên cứu trên động vật.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ thực hiện nghiên cứu này trên người. Không thể để một cá nhân bị nhiễm BPA rồi nghiên cứu được vì như thế rất có hại cho sức khỏe. Vì thế, chúng tôi chưa thể chỉ rõ mối quan hệ nguyên nhân-kết quả ở đây mà chỉ có thể chỉ ra mối liên kết được tìm thấy trong nghiên cứu mà thôi.”

Lớp phủ bóng trên bề mặt hóa đơn thanh toán tiền mặt cũng chứa BPA (Ảnh: news.com.au).
Lớp phủ bóng trên bề mặt hóa đơn thanh toán tiền mặt cũng chứa BPA (Ảnh: news.com.au)

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra ngày càng nhiều bằng chứng chứng tỏ phthalate (este của các axit phtalic) là một loại hóa chất khác trong nhựa – gây hại cho sức khỏe con người.

Phthalate thường được sử dụng trong mồi câu cá bằng nhựa mềm, rèm phòng tắm, bọc nhựa vinyl, chất kết dính, gạch lát sàn, hộp đựng thức ăn và sex toy làm bằng cao su thạch. Nó cũng là một chất gây rối loạn nội tiết có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới: giảm chất lượng tinh dịch và làm tổn thương DNA của tinh trùng.

Tiến sĩ Green cho biết tác động của các chất hóa học này đến cơ thể người có thể khác nhau tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc với hóa chất và thời gian hóa chất tồn tại trong cơ thể.

“Việc đo lường nhiều hóa chất có ảnh hưởng đến hệ nội tiết của con người là rất khó thực hiện. Nói chung, những chất này có thể ở mức thấp trong môi trường thôi, nhưng cho dù vậy, vẫn đủ sức ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta,” ông cho biết.

Các yếu tố khác như lười tập thể dục và chế độ ăn uống không hợp lý cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Đây là một lĩnh vực khó nghiên cứu vì chúng tôi thường nghiên cứu tác động của một hợp chất tại một thời điểm, trong khi trên thực tế, môi trường sống của chúng ta lại chứa tổng hòa rất nhiều các chất gây ô nhiễm.”

 Đây là lý do tại sao các nghiên cứu trong các khu vực khác nhau đôi khi lại cho những kết quả khác nhau, vì các hợp chất khác nhau hoặc là hợp tác cùng nhau, hoặc là ức chế lẫn nhau.

Đồ đựng thực phẩm thân thiện với môi trường nên được lựa chọn (Ảnh: Pixabay)

Tiến sĩ Green cho biết những hóa chất này rất phổ biến trong môi trường xung quanh nên khó lòng tránh khỏi chúng được. Ông cũng khuyến nghị mọi người giảm thiểu tiếp xúc với nhựa, đặc biệt là những người đang mong muốn mang thai.

Tóm lại, oligomer, BPA, phthalate hiện là những hóa chất trong nhựa có tác hại rõ rệt lên sức khỏe con người ở nhiều mặt.

Vậy làm thế nào để giảm thiểu tiếp xúc với nhựa?

Tin vui là có nhiều cách đơn giản để bảo vệ sức khỏe khỏi những tác động tiêu cực của các hóa chất trong nhựa.

Ví dụ, chúng ta nên tránh sử dụng đồ ăn hoặc đồ uống đựng trong các hộp nhựa mềm như hộp đựng đồ takeaway. Đặc biệt, tránh dùng các chai nhựa đựng nước uống vì nếu bị để quên trên xe, bình nước sẽ bị nóng lên, và khi bạn uống nước sẽ uống luôn một lượng BPA khá lớn. Thay vì chai nhựa, hãy sử dụng chai nước uống bằng thủy tinh hoặc nhôm, những loại chất liệu bền vững hơn.

BPA có thể được tìm thấy trong các hộp đựng đồ ăn, thức uống mang đi, chai nhựa đựng nước, v..v (Ảnh: Grist)
BPA có thể được tìm thấy trong các hộp đựng đồ ăn, thức uống mang đi, chai nhựa đựng nước, v..v (Ảnh: Grist)

Đối với một tách cà phê mang đi, lớp lót là BPA, chưa kể còn có nhựa trong nắp đậy.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các sản phẩm nhựa không chứa BPA (BPA-free) có lẽ cũng không an toàn hơn vì một số nhà sản xuất đã bắt đầu thay thế BPA bằng các hóa chất tương tự khác nhưng vẫn có thể gây hại cho sức khỏe.

Hãy tránh sử dụng đồ nhựa nếu có thể vì điều đó vừa an toàn cho sức khỏe, vừa có ích cho môi trường. Hẳn là một mũi tên trúng 2 đích! Vậy chúng ta còn chần chừ gì mà không làm nhỉ?

Nguồn: news.com.au

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz