Bí kíp chọn nhà cũ ở Victoria bạn nhất định phải biết (phần 3.1)

1

Phần 3 sẽ tập trung đề cập đến những vấn đề tổng quan về hình dáng khu đất, điều kiện hiện trạng xung quanh, giao thông, và các vấn đề định hình những benefit hoặc disadvantage của lô đất. Mình tạm gọi là phong thủy kiểu Úc. 

Vì có một vài thuật ngữ đã giải thích trong phần 1, và phần 2, nên mình có đính kèm link phía cuối bài để mọi người tiện theo dõi.

OZZIE FENG SHUI – PHONG THỦY KIỂU ÚC

Mười mấy năm trước, thuở chân ước chân ráo đi hành nghề thiết kế kiến trúc ở Việt Nam, mình rất sợ mấy ông thầy phong thủy, nhất là mấy ông thích phán theo kiểu làm gia chủ sợ xanh mắt mèo, nào là phạm vào đại kỵ, xung sát, tuyệt mạng… Vậy nên cũng lọ mọ “lên núi bái sư học đạo”, để biết cái nào không hại thì im lặng làm theo, cái nào nguy cấp thì góp ý nhỏ to.

Tuy vậy, thấm nhuần lời sư phụ, mình không bao giờ lãnh trách nhiệm phán bảo người khác làm cái này, chỉnh cái nọ, để được cái lọ hay cái chai. Đời mình, mình lo còn chưa xong, choàng thêm cái áo cứu nhân độ thế thì khác nào ném đá lên trời, thế nào cũng có ngày nó rớt xuống, mà thường đá rớt xuống đầu thì nó hổng có rơi mình ên. Vậy nên, mình chỉ tư vấn, góp ý hết nhời hết nhẽ, còn quyết hay không thì nhà đứa nào ở, thì đứa đó quyết.

Qua xứ Úc, địa khí hậu, địa từ trường, túm lại là các thể loại ông địa đều khác, nên có vẻ cũng ít thầy (chắc vậy nên cũng bớt ma), và mọi người ít để ý đến phong thủy theo kiểu “cổ điển”, chỉ còn giữ lại vài “tập quán” hay “thói quen” trong việc bố trí phòng ốc nhà cửa.

Thật ra, phong thủy dưới góc độ khoa học, chính là cơ sở đánh giá và phương cách tổ chức không gian để tạo sự cân bằng hài hòa giữa tự nhiên và con người, giữa con người với nhau, và giữa con người với nội tâm của chính mình.

Phong thủy dưới góc độ khoa học, chính là cơ sở đánh giá và phương cách tổ chức không gian để tạo sự cân bằng hài hòa giữa tự nhiên và con người, giữa con người với nhau, và giữa con người với nội tâm của chính mình.

Cuộc sống càng hiện đại, mối liên hệ giữa con người và tự nhiên cũng phải biến đổi, từ sự lệ thuộc tuyệt đối, sang sự chi phối cực đoan, rồi giờ đây hướng đến sự hòa hợp. Mối tương tác giữa con người cũng khác, rồi mỗi người lại có những hạt nhân trong tâm cũng khác biệt hoàn toàn thời xa xưa. Do vậy yếu tố phong thủy chắc chắn không thể nào rập khuôn theo sách vở từ ngàn năm trước.

Phong thủy (ở đây mình chỉ bàn đến Dương Trạch), theo tư duy hạn hẹp của mình, có thể chia làm những phần sau:

Môi trường, hay bao cảnh xung quanh căn nhà, lô đất. Là ngoại vi, là khách quan, và khó biến đổi theo chủ ý của mình, nhưng mình hoàn toàn có thể ý thức và nhận định được.

Không gian ở, hay chính căn nhà là cách bố trí, tổ chức, thiết kế chức năng và dây chuyền hoạt động bên trong căn nhà, kèm với sự tương tác giữa không gian trong nhà và ngoài nhà. Việc điều chỉnh không gian ở, hay nói nôm na là điều chỉnh vi khí hậu, sẽ “chỉnh” được các thất lợi ở môi trường xung quanh nếu có, và tạo điều kiện để con người có môi trường sống phù hợp, tiện nghi và thoải mái.

Con người, chính là nhân tố chính của toàn bộ các yếu tố trên. Con người, vừa là tác nhân, nhưng cũng đồng thời là đối tượng. Con người, xét đến ở đây, bên cạnh yếu tố hữu hình về đặc tính sinh lý, vật chất, còn bao gồm luôn các yếu tố tâm lý, tính cách, niềm tin và cả tâm linh. Mỗi căn nhà, với mỗi người chủ khác nhau, đều có những hiệu ứng khác nhau.

Không phải vô lý, mà những người thầy phong thủy đích thực, không chỉ trên thông thiên văn, để hiểu được thế cục của khu đất, dưới tường địa lý, để bố trí không gian ở hợp lý, mà còn phải hiểu rõ con người thông qua tử vi tướng số. Tuy vậy, rất khó để tìm được những vị thầy như vậy, vì can thiệp vào vận số của người khác, vốn là chuyện không nên làm. Bởi lẽ, dưới gầm thế gian này, ai nào biết được, ngoài cái thấy được, biết được, có bao nhiêu thứ lai vô ảnh, khứ vô hình.

Phong thủy (bàn đến Dương Trạch) gồm yếu tố: môi trường, con người.

Nhưng bàn những thứ khó định nghĩa được thì thiên thu vạn đại lắm, thêm nữa, tùy những mục đích khác nhau, phong thủy lại có nhiều phương thức áp dụng khác nhau. Ở đây, mình chỉ xin bàn về vấn đề khá tổng quan là môi trường, hay bao cảnh xung quanh căn nhà, lô đất, và gắn liền chủ đích của loạt bài này là để các bạn có thêm nhiều thông tin cho việc cân nhắc lựa chọn khi quyết định mua một căn nhà, vừa để ở, vừa có cơ hội đầu tư sau này.

Tuân theo chủ đích như vậy, mình sẽ phân tích lô đất dựa trên các yếu tố cảnh quan và môi trường cụ thể. Nó phù hợp với các cơ sở về pháp lý cũng như các quy định liên quan, đặc biệt là RESCODE, điều mà với Google Maps và việc đi thực địa, bạn hoàn toàn có thể bao quát được hết. Nếu các bạn có điều kiện, hãy tham khảo toàn bộ nội dung của RESCODE, có rất nhiều thông tin bổ ích dựa trên các cơ sở khoa học cụ thể để tạo lập một không gian sống, cũng như lập kế hoạch cho việc develop trong tương lai. Mình cho rằng đây cũng là một tài liệu phong thủy rất đáng xem.

1. HÌNH THỂ CỦA LÔ ĐẤT

Thường bao giờ lô đất vuông vức cũng dễ có cảm tình hơn các lô đất có hình thù phức tạp. Lúc mình đi mua nhà, ai cũng nói, tìm miếng đất nào vuông vức mà mua, chứ bóp đầu bóp đuôi thì làm ăn không có phát triển đâu. Miếng đất vuông vức, xem như là một người mẫu đủ chuẩn. Tuy nhiên, lô đất không vuông vức cũng sẽ có những điểm thú vị. Vậy đâu là dấu hiệu cho một người tình trong mộng? Điều gì khiến những góc cạnh sẽ là cá tính chứ không phải là cá “sấu” tính?

Nếu xét theo phong thủy “cổ điển” thì miếng đất nở hậu là miếng đất tựa như hồ lô tích tài tụ lộc, hậu vận hanh thông, gia chủ sẽ có tiền đồ xán lạn, gia đạo bình an.

Thường bao giờ lô đất vuông vức cũng dễ có cảm tình hơn các lô đất có hình thù phức tạp.

Vậy Ozzie Feng Shui thì sao? Ngạc nhiên chưa! Miếng đất mà đằng trước càng hẹp so với tổng thể phía sau lại càng tốt. Coi bộ phong thủy Á Châu với Úc Châu cũng có những điểm tương đồng.

Tại sao vậy? Không cần phiên tinh, độn số, hay lập đồ hình bát trạch, xứ Ozzie sử dụng những căn cứ cụ thể và rõ ràng hơn. RESCODE có quy định về front setback. Tức là khoảng lùi của mặt tiền nhà so với ranh đất. Trừ lô góc, có quy định khác, còn các căn ở giữa, bao giờ front setback cũng ở tầm 6m trở lên đối với các khu hiện hữu (N-G). Vậy nên diện tích phía trước thường bị mất khá nhiều. Thêm một điểm nữa, đất phía trước, thường chỉ để làm driveway và sân vườn, mà sân vườn này ít khi nào được là SPOS(xem giải thích ở link phần 2 bên dưới). Nên phần đất đó, không có nhiều giá trị đối với việc develop sau này.

Như vậy, nếu phía trước càng hẹp thì diện tích “không hữu dụng” càng ít. Nhưng hẹp đến thế nào mới được? Để tận dụng tối đa diện tích của front setback, tốt nhất là phía trước nhà chúng ta có được 2 driveway/crossover, 1 dành cho nhà phía trước, và 1 dành cho lối access vào các unit phía sau. Và căn cứ RESCODE, mặt tiền từ 15m trở lên mới tận dụng được lợi thế này.

Nhưng điều này không đồng nghĩa, phía sau càng rộng càng tốt. Như đã phân tích ở phần 2, phía sau nhà thường có easement, do vậy diện tích đó không được xây dựng các cấu trúc permanent. Nên nếu phía sau rộng quá, mà vướng easement thì phần đất hữu dụng cũng sẽ hạn chế, chủ yếu chỉ để làm **SPOS **(xem phần 2). Điểm bất lợi là SPOS nhiều hơn tiêu chuẩn quá cũng là một sự lãng phí đối với việc develop.

Vậy tính ra, với cùng một diện tích, same same mặt tiền, giải hoa khôi hình thể (chứ không phải giải thể hình nhé) sẽ thuộc về miếng đất có vòng 1 với vòng 3 nhỏ nhỏ xinh xinh, và vòng eo bánh mì. Tìm người yêu lý tưởng dạng như vậy hơi hiếm. Các tiêu chí này, chỉ là nhận định ban đầu, chứ chưa phải là yếu tố quyết định.

Đúng ra, đây chỉ mới là phần thi về body thôi. Còn phải xem nhan sắc mặt tiền, đặc tính mặt hậu, rồi xem luôn cả cánh cẳng hai bên nữa, tương ứng với phong thủy cồ điển là phải “tiền Án, hậu Chẩm, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Xem ra, phong thủy kiểu Úc cũng không kém phức tạp so với kiểu Á đâu.

Vậy, giải hoa hậu sẽ trao cho thí sinh nào, xin vui lòng xem tiếp phần 3.2, biết đâu sẽ rõ.

Nguồn: Dao Tang Luc – group Kiến Trúc, Xây Dựng & Bất Động Sản Úc

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Bí kíp chọn nhà cũ ở Victoria bạn nhất định phải biết (phần 3.1) […]