Brisbane: Suýt bị phạt vì uống nước trong xe giữa thời tiết 39ºC

0

Vietucnews – Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng tranh thủ nhấp môi chút nước để giải tỏa cơn khát khô cổ họng lúc đang lái xe. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi hành động đó liệu có phạm pháp hay không chưa?

Mới đây, một người đàn ông ở Beaudesert đã ngỡ ngàng khi nhận được thông báo phạt 173 đô Úc từ cảnh sát Queensland chỉ vì… uống nước trong xe. Sau khi kết thúc ca làm việc suốt 12 tiếng dài đằng đẵng, Brock Harris định lái xe về nhà thì phát hiện điều hòa bị hỏng. Nóng quá không chịu nổi, anh xuống xe mua một chai nước khoáng 600ml để giải nhiệt. “Khi tôi ngồi vào ghế lái và chuẩn bị rời đi, cảnh sát đứng ven đường lại ra hiệu tấp xe vào lề. Họ nói với tôi rằng uống bất cứ thứ gì trong lúc lái xe đều là phạm pháp,” anh kể lại.

Nam tài xế bàng hoàng khi hay tin mình bị phạt vì uống nước trong xe. (Ảnh minh họa)

“Họ còn khẳng định đây là lỗi không tập trung trong lúc điều khiển phương tiện và phạt tôi 173 đô Úc, kèm theo 1 điểm trừ vào bằng lái,” Harris nói. “Nếu đã phạm luật thì tôi sẵn lòng chịu phạt thôi, nhưng bắt một người phải nhịn khát giữa trời nóng 39ºC có vô nhân đạo quá không? Viên cảnh sát đó nói rằng anh ta chỉ làm đúng chức trách của mình, tôi có giải thích cũng vô dụng. Nhưng tôi không thể chấp nhận bản án này.”

Theo thông tin từ giám đốc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Đường bộ Queensland – David Johnson, một khi tài xế mất kiểm soát hoặc xao nhãng trong việc điều khiển phương tiện, họ đã bị xem là phạm luật. “Có nhiều người vẫn uống nước trong lúc lái xe, nhưng họ rất cẩn thận,” ông nói. “Trước khi quyết định phạt tài xế, cảnh sát luôn phải căn cứ vào tình hình thực tế để phán đoán xem hành động của họ có khả năng gây hại cho chính mình hoặc cho người khác hay không.”

Ông bổ sung: “Trước đây, hành vi mất tập trung khi lái xe sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Ngày nay, chúng tôi chỉ thi hành án phạt chứ không còn giữ quy định đó nữa.”

Tài xế có thể bị phạt vì những hành động tưởng chừng nhỏ nhưng lại gây nguy hiểm cho người khác.

Johnson còn cho biết với trường hợp của Harris, số tiền phạt không tương quan với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, họ vẫn có khung hình phạt dành cho các lỗi mà tài xế hay mắc phải khi lái xe. Trong đó, xao nhãng khi lái xe là 1 trong 5 lỗi “chết người” với các chủ phương tiện, bên cạnh việc chạy quá tốc độ, uống rượu, không thắt dây an toàn và lái xe trong tình trạng mệt mỏi.

“Ôm thú cưng, trang điểm trong lúc lái xe hay điều khiển vô lăng bằng đầu gối đều là biểu hiện của trạng thái phân tâm,” ông nói. “Nếu tài xế cắm ống hút vào chai nước và uống thật nhanh, vừa uống vừa quan sát tình hình hai bên đường thì không sao. Nhưng chúng tôi buộc phải xử lý theo quy định một khi nhận thấy hành động của họ có thể gây thương vong cho những người tham gia giao thông khác.”

Bên cạnh việc uống nước, nhiều hành động khác cũng bị xem là nguy hiểm đối với tài xế và người tham gia giao thông.

Johnson khuyến khích các tài xế nên tự hỏi bản thân: “Liệu mình đã quan tâm đúng mực đến đường sá và điều kiện giao thông xung quanh mỗi khi lái xe chưa?”. Ngoài ra, họ cũng nên lưu ý rằng tương tự như uống nước, hành vi ăn trong lúc điều khiển phương tiện giao thông cũng bị xem là không phù hợp quy định.

Cập nhật mới nhất: Tuy nhiên, sau khi nghiêm túc suy xét, cảnh sát Queensland quyết định không xử phạt Harris vì uống nước khi lái xe nữa. Hành động của anh trong trường hợp này không được xem là phạm luật.

Những quy tắc đường bộ hay bị hiểu lầm:

  • Vòng xuyến: Tài xế phải bật đèn báo hiệu nếu muốn rẽ trái, rẽ phải hoặc quay đầu xe khi tiến vào vòng xuyến, còn đi thẳng thì không cần. Trước khi ra khỏi vòng xuyến, họ phải nháy đèn bên trái ngay, trừ khi tình hình thực tế không cho phép.
  • Nhường đường cho người đi bộ: Nếu tài xế rẽ trái hoặc phải tại ngã tư mà gặp người đi bộ đang băng qua con đường mình định tiến vào, họ phải nhường đường cho người đó.
  • Điện thoại di động: Chỉ những ai không phải là người đang học lái xe hay tài xế dưới 25 tuổi có bằng P1 mới được sử dụng di động, với điều kiện bật chế độ rảnh tay.
  • Đi bên trái: Đối với đường phân chia nhiều làn có tốc độ tối đa 80km/h, và/hoặc có biển báo “Keep Left Unless Overtaking” (nghĩa là “Đi theo làn bên trái trừ khi gặp phải chướng ngại vật”), tài xế không được chuyển qua làn bên phải, trừ trường hợp vượt, rẽ phải, quay đầu xe, tránh chướng ngại vật hoặc lái xe trong tình trạng giao thông tắc nghẽn.
  • Sử dụng đèn sương mù: Tài xế chỉ được bật đèn sương mù trong tiết trời có sương hoặc một số điều kiện thời tiết khác gây cản trở tầm nhìn.

Nguồn: abc.net.au

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz

 

Rate this post