Nguồn từ bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales
[Những công dân hạng hai]
Dường như trong tâm tưởng một số người phương Tây, người gốc Á chỉ là những công dân hạng hai.
Cách đây hơn 10 năm, trong lần phỏng vấn cho chức danh học giả cao cấp thuộc Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Australia, một trong 8 thành viên của hội đồng hỏi tôi: “anh là tác giả đầu của nhiều bài báo khoa học, vậy anh có thật sự là lãnh đạo của nhóm nghiên cứu đó?”.
Tất cả hội đồng phỏng vấn đều là người da trắng. Lần đó, tôi bị rớt.
Lần sau, một hội đồng khác, và câu hỏi hơi khác: “anh có nhiều bài báo khoa học là tác giả cuối cùng, vậy anh có thật sự làm, hay người khác làm cho anh?’.
Dù lần này, tôi đậu phỏng vấn, trở thành người châu Á đầu tiên là thành viên cao cấp thuộc Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Australia. Nhưng điều thú vị là sau này ngồi trong hội đồng phỏng vấn, tôi tuyệt nhiên không thấy những câu hỏi như trên được đặt ra với các đồng nghiệp người da trắng.
Thiên kiến vùng miền và chủng tộc ẩn náu dưới rất nhiều hình thức và thường biến chuyển theo cơ hội. Ví dụ như trong cuộc họp với nhiều đối tác, thái độ và cách dùng chữ của người bản địa Australia với người nhập cư gốc Á có biểu hiện kỳ thị khá tinh vi mà phải có kinh nghiệm ta mới nhận ra.
Nhận dạng kỳ thị và hành vi thiên kiến không dễ chút nào. Những định nghĩa chung chung về kỳ thị rất khó ứng dụng vì nó quá mơ hồ. Tuỳ vào kinh nghiệm, nhận thức và độ nhạy của từng cá nhân mà một hành vi có thể xem là kỳ thị vùng miền, quốc gia, chủng tộc hay không.
Chẳng hạn như một giáo sư Mỹ da trắng khen đồng nghiệp Việt Nam “bạn viết và nói tiếng Anh hay quá”, đối với người nhạy cảm đó là một thái độ kỳ thị kín đáo – với hàm ý tôi nghĩ tiếng Anh của bạn đáng ra phải tệ hơn. Hay như trong các buổi họp và hội nghị quốc tế, khi ý kiến của một nhà khoa học gốc Á dường như bị ban chủ toạ lờ đi hay diễn giả miễn cưỡng trả lời, với nhiều người đó là hành vi kỳ thị.
Trong một thí nghiệm rất thú vị, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania giả e-mail và gửi đi cho 6.548 giáo sư tại 259 đại học Mỹ, “giả bộ” rằng ứng viên muốn xin vào học chương trình tiến sĩ. Lý lịch của ứng viên được soạn rất giống nhau, nhưng tên ứng viên thì được “dao động” từ họ người Âu, Mỹ như Steven Smith, người gốc Phi đến người Á châu như Chi-Chiu Wang.
Kết quả, ứng viên có họ Âu, Mỹ được mời phỏng vấn cao hơn người sắc tộc thiểu số, 87% so với 62%. Các trường đại học tư có tỷ lệ nam ứng viên họ Âu, Mỹ được mời phỏng vấn cao hơn 29% so với nữ ứng viên mang họ Hoa, Ấn Độ. Một số phân biệt đối xử như thế cũng tìm thấy ở Australia, khi ứng viên xin việc làm có họ Anh có cơ may được phỏng vấn cao hơn nhiều so với ứng viên mang họ người Á.
Kỳ thị chủng tộc chống người gốc Á ở Australia là một di sản của chính sách “Nước Australia của người da trắng”. Nhiều thế hệ cư dân ở đây đã cố gắng làm cho đất nước này bình đẳng hơn với tất cả mọi người. Nhưng thực tế, nạn kỳ thị và thành kiến chủng tộc vẫn xảy ra từ thô bạo đến tinh vi hàng ngày, trong công việc, trường học, trên đường phố, dù đã có thế hệ thứ hai và thứ ba người Việt sinh ra và lớn lên ở đây.
Ngày nay, không ít người địa phương vẫn thiếu thiện cảm với người gốc Á, vì họ nghĩ rằng những “cư dân kiểu mẫu” này lấy mất việc làm của họ. Trong một lần tiếp xúc cử tri, đảng trưởng đảng Lao Động, ông Michael Daley nói một cách hằn học: “con em của chúng ta sẽ chạy trốn, và thay thế họ là ai? là những người trẻ, tiêu biểu là gốc Á châu, với bằng tiến sĩ”.
Số người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ chỉ chiếm 1,8 % toàn Australia. Nhưng trong cộng đồng người Á đã có đến 10% người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ, cao gấp 5 lần tỷ trọng trung bình dân số. Nhưng ông Daley đã “quên” rằng rất ít sinh viên bản địa chịu theo học tiến sĩ, trong khi số người từ các quốc gia châu Á xin học tiến sĩ nhiều đến độ Australia không có đủ người hướng dẫn.
Hiển nhiên là chúng ta, với tư cách con người, đều mong muốn chính phủ mọi quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, có hành động nhân văn và thiết thực chấm dứt cảnh bạo hành tinh thần và thể chất vô lý với người gốc Á.
Nhưng nhìn lại trải nghiệm cá nhân của chính mình, một người Việt nhập cư vào Australia, tôi nghĩ những người gốc Việt ở các nước Âu, Mỹ cũng cần tự thay đổi để hòa nhập và định vị giá trị bản thân.
Người Việt thiếu cái mà tôi tạm gọi là vốn văn hoá xã hội – yếu tố đóng vai trò quan trọng trong xã hội phương Tây. Chính vì thiếu vốn xã hội, nên nhiều người gốc Á châu bị đối xử như là công dân hạng hai. Có người tâm tư rằng họ cảm thấy mình như con cá rời nước, không thể hoà nhập vào bên trong các “bộ lạc” bản xứ. Tôi thường hay nói với sinh viên gốc Việt rằng họ phải học và làm việc gấp hai người địa phương để được đối xử như người địa phương.
Người Việt chúng ta cũng như nhiều sắc dân Á châu khác có xu hướng khiêm tốn, đôi khi nhút nhát. Xu hướng này thể hiện qua sự im lặng hay ít có ý kiến trong các cuộc họp. Khi tôi hỏi các em nghiên cứu sinh tại sao không phát biểu trong các buổi họp, họ thường trả lời rằng không có gì để nói thêm, hay những gì họ muốn nói thì người khác đã nói. Sự thiếu chủ động đó là một thiệt thòi cho chính họ, vì đồng nghiệp sẽ nghĩ rằng không có khả năng lãnh đạo tri thức. Thay vì chờ người khác nói chuyện với mình, nên chủ động kết giao với họ.
Chúng ta nói chung còn bị thiệt thòi lớn về tiếng Anh, ngay cả người thạo tiếng Anh, khả năng giao tiếp cũng hạn chế. “Giao tiếp” ở đây không chỉ đơn giản là khả năng nói lưu loát mà còn là khả năng thuyết phục đồng nghiệp bằng lý lẽ, phong cách cá nhân.
Trình bày ý kiến được xem là kỹ năng quan trọng của người lãnh đạo và người có năng lực. Nhưng thực tế, nhiều người gốc Á tuy có chuyên môn rất tuyệt song trong công việc lại không trình bày thuyết phục, lý lẽ thiếu khúc chiết làm người nghe không phục hoặc không đánh giá cao.
Ông bà ta có câu “nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc”. Để tồn tại và phát huy trong môi trường ngoài Việt Nam, người Việt hôm nay phải vun bồi vốn văn hoá xã hội địa phương, hoà nhập môi trường mới đồng thời nhận biết và xử trí những kỳ thị ngấm ngầm.
Công dân hạng một hay hạng hai, đôi khi là do chính ta quyết định.