Một cô bé người thổ dân Úc vừa ra đi mãi mãi ở tuổi 14 sau khi đăng lời kêu cứu cuối cùng của mình lên mạng xã hội. Rochelle Pryor được kết luận đã chết vì tự sát chỉ ít giờ sau khi dòng trạng thái của cô được đăng tải.
Trên trang cá nhân của mình, thiếu nữ xấu số viết: “Chỉ cần tôi chết, tất cả nỗi thống khổ vì bắt nạt và phân biệt chủng tộc này sẽ chấm dứt.”
Chỉ duy nhất một người bạn của Rochelle chịu trả lời dòng tâm sự của cô. Tối hôm đó, lúc cha cô bé Geoffrey bước vào phòng, Rochelle đã mất đi ý thức.
Nữ sinh vắn số đã qua đời vào ngày 10/01, sau 9 ngày cứu chữa tại bệnh viện. Trong 2 tuần qua, đây đã là trường hợp thứ 5 được ghi nhận về thiếu nữ người thổ dân tự sát.
Kyanne, chị của Rochelle cho biết cô là một người “ngọt ngào, vui vẻ và hài hước”, thế nhưng cô bé luôn lo âu vì bạn bè có vẻ “không ưa” và liên tục bắt nạt mình.
“Con bé thật sự rất buồn,” cô chị Kyanne 17 tuổi chia sẻ với The Australian. “Em tôi là nạn nhân của phân biệt chủng tộc – thế nhưng những người bắt nạt con bé có khi còn chẳng ý thức được lời mình nói gây tổn thương người khác sâu đến mức nào.”
Hồi tháng Tám, Rochelle từng cãi vã một trận với bạn ngay trước cổng trường. Tối hôm đó, cô bé về nhà với đôi chân trầy xước toàn vết cắt.
Mẹ của Rochelle cho hay từ sau ngày hôm đó, cô bé tỏ ra kháng cư việc đi học và trạng thái tâm lý dần bất ổn.
Bạn bè của nạn nhân đã chia sẻ nỗi tiếc thương và quý trọng đến cô – nữ sinh yêu động vật và luôn ấp ủ ước mơ bước vào cổng trường đại học.
Một người bạn cùng lớp với Rochelle viết trên Instagram: “Mắt tớ ướt nhòe rồi này… cậu quay về đi được không?
“Ngày cuối cùng gặp cậu, chúng ta còn bàn nhau xem nhuộm tóc màu gì thì đẹp. Cậu còn nói cậu thích màu xanh hoặc tím.
“Giá như tớ biết đó là ngày cuối chúng ta bên nhau, tớ nhất định sẽ ngăn cậu tìm đến cái chết. Cậu còn nhớ tớ đã từng nói gì không? Chỉ cần cậu suy nghĩ vẩn vơ, tớ sẽ ở đó, kiên trì lặp lại, nhắc cho cậu nhớ “Tớ vẫn luôn bên cậu đây”.”
Làn sóng tự sát gây rúng động cộng đồng thổ dân Úc gần đây xuất phát từ 3 trường hợp ở Tây Úc, 1 ở Queensland và 1 ở Nam Úc.
Một cậu bé 12 tuổi đang tiếp nhận điều trị tại bệnh viện ở Brisbane sau nỗ lực tự sát không thành.
5 trường hợp được ghi nhận gần đây nhất bắt đầu vào ngày 3/1, khi một thiếu nữ 15 tuổi đến từ Tây Úc bị đưa đi cấp cứu vì tự thương tổn mình khi đi thăm họ hàng ở Queensland. Cô bé qua đời sau 2 ngày chạy chữa vì vết thương quá nặng.
Các vụ tự sát được ghi nhận tính đến nay:
3/1: nữ, 15 tuổi, đến từ Tây Úc. Có hành vi tự sát tại Queensland và chết vào 2 ngày sau.
4/1: nữ, 12 tuổi, từ Tây Úc.
6/1: nữ, 14 tuổi, được kết luận tự tử tại Northern Territory.
10/1: nữ, 15 tuổi, chết vì tự sát tại Perth.
11/1: nữ, 12 tuổi, tự sát ở khu dân cư gần Adelaide.
Ngày 4/1, một cô bé 12 tuổi ở South Hedland (Tây Úc) đã bỏ mạng. Chỉ 2 ngày sau đó, người ta phát hiện thêm một thiếu nữ 14 tuổi ở Kimberly (Northern Territory) qua đời. Cả hai đều chết vì tự tử.
Chuyên gia nghiên cứu phòng chống tự sát Gerry Georgatos cho rằng nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tự sát, song thực tế tấn công tình dục là lý do dẫn đến cái chết của một phần ba số nạn nhân được báo cáo.
Luật sư Hannah McGlade, cố vấn của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, cho biết tấn công tình dục trẻ em và bạo lực gia đình có mối liên hệ mật thiết với tình trạng tư sát của nữ giới người thổ dân ở Úc.
“Trong cuộc họp năm ngoái, Liên Hiệp Quốc từng nhấn mạnh tình trạng báo động của nạn bạo lực đối với phụ nữ và bé gái người thổ dân tại Úc; đồng thời kêu gọi chính phủ mau chóng đề xuất chính sách cụ thể,” bà McGlade chia sẻ.
“Có vẻ những người tham gia lên kế hoạch ngăn chặn tự tử đã xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của bạo lực tình dục mà phụ nữ và trẻ em gái ở chỗ chúng tôi phải gánh chịu.”
- Nếu bạn cần trợ giúp, hãy gọi Lifeline theo số 13 11 14 hoặc truy cập www.lifeline.org.au. Đường dây nóng trợ giúp trẻ em – 1800 55 1800.
Nguồn: dailymail