Trải lòng du học sinh làm thêm ở nhà hàng Việt

1
764
Ảnh minh họa

Chuyện học sinh Việt làm thêm ở các nhà hàng ở quốc gia sở tại không phải là việc hiếm nhưng du học sinh nước ngoài làm thêm ở nhà hàng Việt Nam là chuyện hơi hiếm gặp. Sau đây là trải lòng của một du học sinh trường James Cook University (Brisbane) khi làm thêm ở một quán phở Việt.

“Chủ đề hôm nay sẽ là về Part-time job, một cụm từ mà tôi nghĩ đã quá quen thuộc với các bạn du học sinh. Dù mục đích của “Công việc làm thêm” là khác nhau với mỗi người, có người đi làm vì muốn có kinh nghiệm, người đi làm vì muốn có thêm tiền tiêu và nhiều bạn cũng giống tôi – đi làm để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt đỡ phần vấn đề tài chính cho bố mẹ ở quê nhà. Công việc làm thêm ở xứ người khá là đa dạng, tại nơi tôi ở thì công việc chủ yếu vẫn là phục vụ ở các nhà hàng, bán hàng ở các tiệm bánh và khuân vác ở chợ trời.

Tôi làm phục vụ trong một quán ăn Việt Nam ở Úc, nói là phục vụ chứ thực ra tôi phải làm hầu như các công việc khác ở chỗ làm, ngoại trừ nấu ăn. Một tháng trước tôi được chị bạn giới thiệu cho một công việc ở cửa hàng Phở Việt Nam khu Sunny Bank – một trong những khu thương mại khá sầm uất của người châu Á ở Brisbane. Nó nằm ở giữa quãng đường từ nhà tôi đến trường nên cũng khá thuận tiện cho việc di chuyển.

Theo địa chỉ cái thẻ mà chị đưa, cùng hệ thống định vị GPS và bản đồ trên điện thoại, không khó để tìm ra cửa hàng. Đó là một cửa hàng khá gọn gàng với cô chủ, người Sài Gòn, niềm nở chào tôi và chúng tôi nhanh chóng trao đổi những thông tin cần thiết trong khoảng 15phút. Tôi đã được yêu cầu đến “training” vào hôm sau trước khi có quyết định là được làm chính thức hay không. Ngày hôm sau, tôi có mặt ở quán lúc 5h chiều để bắt đầu công việc của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc đầu tiên, tôi được dạy về cách chuẩn bị các loại rau cần thiết cho các món ăn, ví dụ khách ăn Phở thì sẽ có một đĩa rau giá, quế, chanh và ít ớt; còn bún bò Huế thì sẽ có thêm bắp cải. Tiếp đến tôi được dạy cách làm các loại thức uống như chè ba màu, nước nhãn nhục, sâm bổ lượng, nước dừa, cũng như cách pha các loại cafe khác nhau, rồi trà sữa, soda hột gà… Ngày training đầu tiên, công việc nhiều hơn tôi tưởng rất nhiều, lau bàn, dọn chén, lau nhà, rửa ly – hãi nhất là công đoạn rửa chén – một chồng tô cao ngất cùng một dãy đĩa cao không kém.

Trong suốt 5 tiếng đồng hồ, tôi phải di chuyển liên tục, chân mỏi rã rời. Kết thúc buổi training đầu tiên, tôi được thông báo là sẽ được làm chính thức nhưng ngày đầu training không được trả tiền! Mệt và ấm ức nhưng tôi đã tự xoa dịu mình rằng cũng may là có việc làm, xem như hôm nay đi làm tình nguyện. Công việc nhiều nhưng được cái vợ chồng ông bà chủ cũng không đến nỗi quá…ghê gớm.

Tính đến nay thì tôi đã làm ở đó được gần 4 tuần, công việc cũng dần đi vào guồng và tiến độ cũng nhanh hơn hẳn. Quan trọng là khi về nhà tôi cũng cảm thấy đỡ mệt hơn mấy bữa đầu dù công việc có khi còn nặng hơn vào cuối tuần. Tôi không biết ở nhà mọi người đi làm thêm như thế nào, chứ bên này, tôi thấy “khâm phục” mấy người chủ ghê vì dường như lúc nào họ cũng biết cách tạo ra công việc cho nhân viên của mình.

Những lúc có khách thì không nói, khi không có thì có thêm một loạt công việc không tên chờ sẵn. Nào là lau cái tủ lạnh (dù lau xong thì hơi lạnh tỏa ra lại làm nó mờ y như khi chưa lau), nào là lau cái cửa kính, nào là rửa mấy cái khay đựng gia vị (dù sáng nào dọn bàn tôi cũng đã lau sạch sẽ), nào là pha cái này, sửa cái kia… Khủng khiếp nhất là mấy buổi tối vắng khách, tôi được giao nhiệm vụ vào lau mấy bức tường khu vực nấu nướng. Bao giờ xịt nước khử trùng lên những bức tường dính đầy dầu mỡ đó tôi cũng sẽ phải chịu đựng một cái mùi chỉ làm tôi muốn ói. Chà xong được mấy cái bức tường đó thì tay tôi cũng dính y một lớp mỡ.

Ở đây, Sở Môi trường sẽ đến và kiểm tra hai tuần một lần, nếu không sạch sẽ và bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn thì quán có thể sẽ bị đóng cửa tạm thời để dọn dẹp, khi họ kiểm tra lại đạt yêu cầu thì mới được tiếp tục kinh doanh. Tôi nghe ông chủ kể, có một quán ăn do nhân viên không biết và đổ dầu thừa ra cống nên đã bị phạt những 20.000AUD!

Nói chung thì công việc của tôi vẫn còn dễ thở dù nó có hơi vất vả, bù ông bà chủ cũng dễ tính và mấy cô làm cùng thì rất là tốt, cơ bản cũng vì tiền lương cũng khá nên tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình làm thêm này. Tuy nhiên một số người bạn của tôi thì lại không được may mắn lắm.

S, ông anh học cùng lớp cũng là nhân viên phục vụ ở một cửa hàng Việt Nam khác thì gặp phải ông bà chủ khó tính. Tuần rồi anh ấy còn bị ăn chặn tiền lương vì lý do không cung cấp mã số thuế (trong khi đa số những công việc trả bằng tiền mặt thì không cần phải cung cấp cái này). T, nhỏ bạn tôi tối hôm trước mới đi training về, tối đó nó kể lại cho tôi nghe về việc mà nó phải làm, nghe xong tôi cũng muốn choáng theo luôn.

Chuyện là T bị buộc phải thuộc lòng những hơn 100 món ăn và hơn 20 loại nước, phải học cách rót các loại rượu vang, cách viết order rồi cách hướng dẫn khách dùng một số món… mà bà chủ thì vô cùng khó tính, rất hay bắt lỗi. Thế là sau buổi training đầu, cô nàng quyết định từ biệt luôn công việc đó.

Mấy ông anh học bên QUT mà tôi quen thì làm công việc khuân vác ở chợ trời. Làm 24h từ chiều hôm thứ 7 tới chiều Chủ Nhật, công việc nghe nói cũng khá vất vả, nhưng nghe mấy anh kể là được ăn ngon, có cafe uống, lương ổn và bà chủ khá là tốt – bà chủ thậm chí còn cho mang rau về ăn.

Tóm lại thì làm thêm bán thời gian là công việc mà hầu như du học sinh ai cũng phải trải qua. Nhưng tôi vẫn luôn nhắc nhở mình rằng mục tiêu chính khi sang đây vẫn là học, nên tốt nhất là chỉ nên làm điều độ để vẫn đảm bảo sức khỏe và học tốt”.

Nguồn: Tin tức du học

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Trải lòng du học sinh làm thêm ở nhà hàng Việt […]