Vietucnews – Chắc hẳn tủ bếp nhà nào cũng có ít nhất vài món đồ nhựa từ nhãn hàng nổi tiếng Tupperware. Tuy nhiên, trước khi quyết định mang chúng ra sử dụng, bạn phải cân nhắc thật kỹ.
Với quyết tâm giúp cộng đồng người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm “sạch”, Tamara Rubin đã kiên trì thử nghiệm lượng chất độc hại trong các sản phẩm đồ gia dụng quen thuộc suốt hơn 10 năm nay. Khi con quay fidget spinner ra mắt và “nổi như cồn” vào năm 2017, cô là một trong những người phát hiện hàm lượng chì vượt quá mức cho phép trong món đồ chơi này. Giờ đây, nghiên cứu mới nhất của cô về các chất có hại trong sản phẩm của Tupperware đã khiến nhiều người hoang mang bởi kết quả quá bất ngờ.
Một trong số các sản phẩm khiến người tiêu dùng “ngã ngửa” chính là chiếc cốc đo lường màu vàng – vốn là vật dụng quen thuộc trong gian bếp của mọi nhà. Sau khi thử nghiệm kỹ càng, Tamara phát hiện loại cốc thông dụng này không chỉ chứa chì mà còn có cả thạch tín. Trong bài đăng trên Instagram dưới tên tài khoản @leadsafemama, cô đã cảnh báo mọi người nên suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng cốc đo lường từ Tupperware.
Tamara viết: “Tôi từng nghe nói sản phẩm của Tupperware có lượng chì rất cao nên đã khuyến khích mọi người đừng sử dụng chúng. Thế nhưng mãi đến hôm nay tôi mới có cơ hội tự tay thử nghiệm hàm lượng chì trong dụng cụ nấu ăn của nhãn hàng này, cụ thể là cốc đo lường. Tôi đã dự liệu trước khả năng phát hiện chì rồi, nhưng thật không ngờ trong đấy có cả thạch tín!”
Ngoài cốc đo lường màu vàng, cô còn thử hàm lượng chất độc hại trong nhiều món đồ dùng nhà bếp khác của Tupperware. Kết quả là những sản phẩm trên cũng chứa các chất nguy hiểm cho sức khỏe như thủy ngân và cadimi. Ngay khi khám phá ra vụ việc chấn động này, cô đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trên website cá nhân.
Đối với Tamara, điều quan trọng nhất là giúp mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác và nghiêm túc chọn lựa những món đồ an toàn cho bản thân họ.
“Ngoài việc chứa chất không tốt cho sức khỏe, có nhiều vật dụng xưa cũ đã được sử dụng thường xuyên suốt hơn 40 năm ròng. Trong quá trình đó, chúng có thể bị hao mòn nghiêm trọng và không thích hợp để dùng tiếp,” cô nói.
“Trước giờ không có ghi chép về trường hợp gây ngộ độc chì hay ngộ độc thạch tín vì những vật dụng nhỏ bé như thế này, bởi việc xác định nguyên nhân cực kỳ khó khăn do các nguồn chất độc hại có thể xuất hiện ở bất cứ đâu quanh chúng ta. Tuy nhiên, với một sản phẩm có số lượng và hàm lượng chất gây hại như trong kết quả nghiên cứu, chẳng việc gì chúng ta phải giữ nó lại trong bếp cả.”
Bạn có thể tìm hiểu thêm về kết quả thử nghiệm của Tamara trên các mặt hàng khác đến từ Tupperware tại đây.
Nguồn: 7News
- Vì sao hơn 70% người Hàn Quốc muốn rời bỏ đất nước?
- Victoria: Quan ngại trước nguy cơ lộ thông tin qua thẻ myki
- Úc: Mùa đông vẫn chưa kết thúc với đợt không khí lạnh cuối tuần này