Sáng 13–11, hội nghị cấp cao hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 và các hội nghị liên quan đã chính thức khai mạc tại Trung tâm văn hóa Philippines ở thủ đô Manila, mở đầu cho chuỗi các cuộc họp quan trọng nhất trong năm 2017 của các quốc gia ASEAN.
Úc và ASEAN
Trải qua 43 năm kể từ khi trở thành đối tác đối thoại của nhau, hiện nay ASEAN là đối tác thương mại lớn của Úc . Năm 2015, thương mại hai chiều đạt 100 tỷ đôla Úc (khoảng 74,86 tỷ USD), đầu tư hai chiều tăng 12% và đạt hơn 227 tỷ AUD (tương đương 169,93 tỷ USD). Trong lĩnh vực giáo dục và du lịch, Úc đón hơn 123.000 sinh viên và gần 1,2 triệu khách du lịch đến từ các nước ASEAN, trong khi hơn 2,8 triệu người Úc đi du lịch ASEAN năm 2015. Riêng đối với Việt Nam, Úc và Việt Nam đã ra tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện.
Úc và Việt Nam có nhiều mối quan tâm chung về các vấn đề an ninh khu vực và quan hệ quốc phòng giữa hai nước đang được mở rộng, trong đó có những lĩnh vực mới như gìn giữ hòa bình. Quan hệ thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 8 tỷ USD vào năm 2016.
Những sản phẩm nông nghiệp của mới của Việt Nam đã và đang có mặt hoặc tiếp cận thị trường Úc, trong đó gần đây nhất là trái thanh long. Úc tiếp tục là đối tác cam kết dành viện trợ phát triển cho Việt Nam, trong đó nổi bật là dự án cầu Cao Lãnh, dự án viện trợ lớn nhất của Úc trong khu vực Đông Nam Á lục địa, sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Úc là điểm đến du học được ưa chuộng hàng đầu của sinh viên Việt Nam với khoảng 22.500 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Úc . Số lượng du khách hai nước ghé thăm nhau ngày một gia tăng với hơn 300.000 người Úc thăm Việt Nam hàng năm, qua đó góp phần làm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Thông điệp của ASEAN
Tại Phiên họp đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), các nhà Lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán tiến tới đạt được Hiệp định RCEP giữa ASEAN và 6 nước đối tác Úc , Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và New Zealand. Trong bối cảnh khu vực Đông Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh và năng động nhất trên thế giới, các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, cùng có lợi, tiêu chuẩn cao, hiện đại, cam kết cả gói nếu đạt được sẽ giúp thiết lập môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế công bằng cũng như hội nhập kinh tế của khu vực.