Bạn từng làm việc cho một công ty/ tổ chức xem thông tin thanh toán như một “bí mật quốc gia” và bạn luôn băn khoăn không biết đồng nghiệp của bạn có được trả lương cao hơn bạn hay không? Hay bạn thắc mắc có thể nói cho người khác bạn được trả bao nhiêu hay không?
Những băn khoăn đó của bạn giờ đây đã có thể được “hóa giải” sau khi dự luật cải cách có tên “Việc làm an toàn, trả lương tốt hơn” của chính phủ Albanese được thông qua, bao gồm lệnh cấm các chính sách bí mật về tiền lương ở Úc.
Mục đích chính yếu của lệnh cấm bí mật tiền lương là nhằm giảm chênh lệch tiền lương dựa trên giới tính. Lệnh cấm thuộc một phần của loạt cải tổ lớn hơn nhằm biến bình đẳng giới trở thành nguyên tắc chính của Đạo luật Công bằng Việc làm.
Tuy nhiên, cũng có lý do để tin rằng dự luật cải cách về minh bạch tiền lương sẽ mang lại lợi ích cho những người lao động bị thiệt thòi khác trong các cuộc đàm phán lương cá nhân và tập thể.
Contents
Bí mật tiền lương và chênh lệch lương theo giới tính
Khoảng cách về lương theo giới tính ở Úc hiện là 22.8%. Theo ông Tony Burke, Bộ trưởng Việc làm và Quan hệ nơi làm việc, từ lâu, các điều khoản về bí mật tiền lương đã được sử dụng để che giấu sự chênh lệch mức lương được trả theo giới tính.
Lệnh cấm bí mật tiền lương sẽ cải thiện tính minh bạch và giảm nguy cơ phân biệt đối xử về giới tính bằng cách cho phép phụ nữ so sánh tiền lương của họ với đồng nghiệp của họ. Lao động nữ có thể thảo luận về mức lương chênh lệch thấp hơn của mình với quản lý mà không sợ bị phạt.
Các bằng chứng quốc tế ủng hộ tuyên bố của ông Tony Burke. Các nghiên cứu ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada và Đan Mạch đều báo cáo có sự rút ngắn khoảng cách về lương theo giới tính nhờ luật thúc đẩy minh bạch tiền lương.
Nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy tiền lương của phụ nữ ở các bang cấm bí mật tiền lương cao hơn từ 4% đến 12% (tùy thuộc vào cách dữ liệu được phân tích) so với các bang cho phép các điều khoản giữ bí mật.
Trong khi đó, ở Canada, luật bí mật về lương đã làm giảm khoảng cách về lương giữa nam và nữ từ 20% đến 40% (cũng tùy thuộc vào cách dữ liệu được phân tích).
Những phát hiện này được hỗ trợ bởi các nghiên cứu từ chính các tổ chức đã bãi bỏ chính sách bí mật tiền lương. Một nghiên cứu năm 2019 bao gồm khoảng 9000 nhân viên Hoa Kỳ cho thấy, mức tăng lương hàng năm của phụ nữ thấp hơn 0.4% so với nam giới khi giữ bí mật về lương. Khoảng cách này biến mất với chính sách minh bạch tiền lương.
Sẽ ra sao nếu có xung đột?
Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn chia sẻ thông tin lương bổng của mình. Một số người tự ý thức về việc nó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của họ như thế nào. Một số khác lo lắng nó sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ công việc.
Đồng nghiệp có vị trí tương tự có thể khó chịu khi phát hiện ra họ được trả ít hơn bạn. Thậm chí còn khó chịu hơn khi biết bạn được trả ít hơn họ.
Người sử dụng lao động đưa ra lý lẽ rằng bí mật tiền lương là cần thiết để giảm thiểu xung đột giữa các nhân viên. Điều này dựa trên “giả thuyết ghen tị”, luận rằng nhân viên giảm nỗ lực làm việc khi phát hiện ra mình được trả lương thấp hơn đồng nghiệp.
Nhưng trên thực tế, nhân viên có nhiều khả năng xem các hạn chế trong việc chia sẻ thông tin về lương với sự nghi ngờ, như một điều gì đó được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân của người quản lý, không phải là lợi ích tốt nhất của nhân viên.
Bạn được lợi gì từ lệnh cấm bí mật tiền lương?
Mặc dù lệnh cấm chủ yếu nhằm mục đích giảm khoảng cách trả lương theo giới tính, nhưng nó cũng có thể mang lại kết quả trả lương tích cực cho những nhân viên yếu thế khác.
Một nguyên tắc cơ bản của kinh tế học là chia sẻ thông tin góp phần tạo nên thị trường hiệu quả hơn. Do đó, việc loại bỏ bí mật tiền lương góp phần tạo nên một thị trường lao động hiệu quả hơn.
Tự do thương lượng với đầy đủ thông tin, nhân viên có thể đánh giá các lựa chọn việc làm của họ và đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.
Quyết định của các cá nhân khuyến khích các tổ chức đảm bảo họ có hệ thống trả lương công bằng và hợp lý.
Điều này sẽ dẫn đến môi trường làm việc công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Dịch tổng hợp