Vietucnews – Khi mang thùng rác ra điểm tập trung để tái chế mỗi hai tuần một lần, chắc hẳn chẳng có mấy người dân Úc lo nghĩ về nơi sẽ tiếp nhận số rác thải này.
Thế nhưng, hiện thực đã đập nát niềm tin của họ về hành động bảo vệ môi trường mà mình đang làm, bởi lẽ ngành công nghiệp tái chế rác tại đây không hề được vận hành trơn tru như vẻ ngoài.
Biên tập viên Liam Bartlett của chương trình 60 Minutes đã bóc trần sự thật cay đắng về quy trình “tái chế” rác thải nhựa ở Úc. Thay vì được đưa vào tái sử dụng sau khi đã loại bỏ các tạp chất độc hại, phế phẩm từ nhựa lại bị đổ bỏ, chôn hoặc thậm chí đốt tại vô số trung tâm xử lý rác thải bất hợp pháp tại Đông Nam Á.
Suốt 20 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác hàng đầu trong việc thu mua rác thải nhựa từ Úc, bất chấp số rác này khá hỗn tạp và đôi khi độc hại. Sau khi nấu chảy và đúc nên nhiều món hàng mới từ số nhựa này, thương nhân người Hoa sẽ đưa thành phẩm đi tiêu thụ trên khắp thế giới, bao gồm cả nước Úc – nơi đã cung cấp nguyên liệu cho họ.
Nhưng vào tháng 01/2018, Úc bất ngờ rơi vào “thế bí” vì Trung Quốc quyết định từ chối vai trò “bãi rác toàn cầu”.
Kể từ đó, nhiều doanh nghiệp tái chế rác thải trên cả nước đành ngậm ngùi tích trữ hàng tấn nhựa hỗn hợp trong sân bãi và kho hàng. Họ biết rõ mình thiếu hụt cả cơ sở hạ tầng lẫn tài nguyên cần thiết để tái xử lý số rác này ngay trên đất Úc.
Ít lâu sau, chính phủ thở phào nhẹ nhõm khi các nước Đông Nam Á đồng ý thu mua chất thải nhựa, đặc biệt là Malaysia – kẻ kế vị Trung Quốc trong việc nhập rác tái chế.
“Khi bạn muốn quăng món đồ nào đó vào thùng rác ở nhà, hãy suy nghĩ thật kĩ,” Bartlett khuyến cáo.
Chỉ trong vòng 12 tháng qua, Malaysia đã nhập tổng cộng hơn 71,000 tấn rác nhựa từ Úc.
Thế nhưng, số nhựa thải ra đó không hề được đưa đến trung tâm tái chế chính quy. Chúng chỉ có thể chất đống trong các bãi rác và điểm xử lý bất hợp pháp, chờ ngày bị chôn hoặc đốt trụi.
Đây là vấn đề hết sức đáng quan ngại hiện nay. Một số nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghiệp tái chế thậm chí còn gọi vấn nạn này bằng cái tên “cú lừa thế kỷ”.
“Khi người dân Úc vỡ lẽ rằng mình đã bị dối gạt suốt bao năm qua, hẳn là họ sẽ rất thất vọng,” David Hodge – giám đốc kiêm người sáng lập “ông lớn” trong ngành tái chế rác Plastic Forests – chia sẻ với Bartlett.
“Có đến 90% người Úc muốn được góp sức vào quá trình tái chế rác thải. Nhưng trước hết, phải có người trao cho họ cơ hội đó đã.”
Hodge kêu gọi chính phủ và các cơ quan chức năng vào cuộc để cứu vãn ngành công nghiệp tái chế của Úc trước khi quá muộn.
“Nước Úc còn chưa có cơ sở hạ tầng thích hợp. Căn bản là chúng ta chưa từng xây dựng kế hoạch cho tương lai,” ông nói.
“Thế nên, bây giờ chúng ta mới phải ‘bó tay chịu trói’, nhìn cảnh rác thải ứ đọng từng ngày.”
Nguồn: 9 News