Vietucnews – Khi nghĩ về Hàn Quốc, người nước ngoài thường ấn tượng bởi những thứ hào nhoáng với thế giới K – Pop, những chiếc điện thoại hay xe hơi hiện đại. Thế nhưng, một số người dân nơi đây lại đang tìm cách trốn khỏi “cuộc sống địa ngục” (theo quan điểm của họ) và bắt đầu một cuộc sống ở vùng đất mới.
Số liệu từ một cuộc khảo sát cho thấy, 1.000 người Hàn Quốc ở độ tuổi 19 – 59 được hỏi, có 73,3% người trả lời rằng họ đã nghĩ về kế hoạch chuyển tới một đất nước khác để sinh sống.
Khi được hỏi: “Có muốn kiếp sau được sinh ra tại Hàn Quốc không?” Có tới 47,6% số người nói “Không”. Đặc biệt, đa phần những người muốn rời khỏi đất nước là phụ nữ, những người thường xuyên đối mặt với nhiều áp lực và định kiến của xã hội.
Những quốc gia mà người Hàn Quốc muốn chuyển đến sống lần lượt là:
- Canada
- Úc
- New Zealand
- Mỹ
- Thụy Sĩ
Trên các diễn đàn Hàn Quốc, các bài viết như “Lợi thế của một công dân Mỹ” hay “Làm thế nào để nhập cư vào Canada như công dân lành nghề?”…thu hút nhiều người đọc và tham gia bình luận.
Đặc biệt, trong số tất cả các nhóm nhập cu tới Mỹ mỗi năm, người Hàn Quốc được cho xếp trong số những nhóm thành công nhất. Nhiều người đã đạt tới các mức độ thành công cao nhất tại Mỹ chỉ trong một thế hệ.
Tại Mỹ, cộng đồng người Hàn có truyền thống giúp đỡ nhau, thường là bằng cách cho vay vốn không tính lãi nhằm giúp những người mới nhập cư bắt đầu công việc kinh doanh.
Có một câu châm ngôn tiếng Hàn rằng: “Bất kể ai đón bạn tại sân bay, bất kể ngành kinh doanh của họ là gì, bạn cũng sẽ tham gia lĩnh vực kinh doanh đó”. Câu này nhấn mạnh về vai trò quan trọng của việc quen biết ai đó trước khi những người di cư đặt chân tới một miền đất mới.
Lý do nào khiến người Hàn Quốc muốn rời bỏ đất nước?
Lý do khiến người Hàn Quốc muốn rời bỏ đất nước của mình là:
- Muốn có một cuộc sống thảnh thơi hơn.
- Muốn thoát khỏi cuộc sống cạnh tranh ở Hàn Quốc.
- Khoảng cách phân biệt giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc ngày càng tăng.
Với những gia đình có nhiều con, họ lựa chọn việc di cư ra nước ngoài vì:
- Nuôi con ở Hàn Quốc vô cùng vất vả.
- Muốn con sinh trưởng ở môi trường tốt hơn
Một người tham gia khảo sát chia sẻ: “Tôi từng sống ở nước ngoài một thời gian. Tôi nhận ra không giống như ở Hàn Quốc, ở các nước khác dường như không có sự phân biệt đối xử trong môi trường làm việc, Ở đó, tôi sẽ không phải chịu đựng cảm giác bản thân bị đem ra so sánh với người khác. Tôi không muốn con cái mình sau này phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đó”.
Một người Hàn nhập cư đến Canada thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Tôi đã làm việc cho một công ty thiết kế web – nơi được cho là tệ nhất trong ngành công nghiệp IT. Bạn sẽ không tin tôi từng kiệt sức đến mức nào vì giờ làm việc kéo dài. Tối quyết định xin visa sang làm thợ bánh ở Canada vì những phúc lợi xã hội và y tế ở đất nước này và tôi đã dành khoảng 6 năm để học tập và tích lũy kinh nghiệm.”
Trong khi đó, có 61,4% người dân Hàn Quốc không hài lòng với việc chính phủ tiếp nhận người nước ngoài và dân tị nạn ngày một nhiều.
Cấu trúc xã hội vốn chỉ có lợi cho những người được nhiều đặc quyền
Tuy nhiên lý do họ muốn rời Hàn Quốc không chỉ là sự cạnh tranh khốc liệt. Phần nhiều đó là cảm giác bực bội và vô vọng bắt nguồn từ cấu trúc xã hội vốn chỉ có lợi cho những người được nhiều đặc quyền.
Một thanh niên Hàn Quốc chia sẻ: “Tôi nghĩ cuộc cạnh tranh ở xã hội hàn Quốc không phải là nơi mà tôi có thể vượt qua được bằng nỗ lực bản thân. Một người như tôi nếu không có trình độ học vấn cao và cha mẹ giàu có, thì gần như không có cơ hội tiến xa”.
Anh Kim Bong Moon (31 tuổi) đã bỏ nghề nhà báo để học công nghệ thông tin qua một chương trình thạc sĩ ở New Zealand và chuyển đến đó vào năm ngoái. Anh nói rằng không hề hối tiếc vì đã rời bỏ đất nước.
Lê Byung Hoon – giáo sư xã hội học ở đại học Chungang nói rằng hiện tượng này phản ánh sự vật lộn để tồn tại ở mọi lứa tuổi của người dân Hàn quốc giữa tình cảnh thiếu việc làm và cuộc sống bấp bênh: “Nhìn nhận khách quan thì Hàn quốc vẫn tốt hơn so với nhiều nước khác. Nhưng người Hàn Quốc cảm thấy bất mãn vì không được trao cơ hội một cách công bằng. Họ cảm thấy bất công ngay từ đầu và nỗ lực của mình không được đền đáp. Chính phủ cần phải tìm cách bảo vệ những người yếu thế và cải thiện tính công bằng trong xã hội nhờ các chính sách hiệu quả và tích cực.”
Theo thongtinhanquoc/News
- Số người Úc muốn di cư sang New Zealand tăng đột biến sau cuộc bầu cử liên bang
- Northern Territory: miền đất hứa cho người lao động di cư muốn trở thành thường trú nhân Úc
- Tổng điều tra dân số năm 2016: “Sydney thiếu hụt dân số” do xu hướng di cư trên toàn nước Úc