Việt Nam: TP Hồ Chí Minh sắp xây trung tâm thương mại ngầm

0
165

Vietucnews – Với vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ, trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được làm dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi, quận 1. Khi trung tâm thương mại ngầm được xây dựng, các tuyến metro được hoàn thành, người dân khi bước xuống các ga tàu điện là đến được khu mua sắm.

Ga ngầm Bến Thành là đầu mối của các tuyến metro tại TP HCM. Công trình được xây dựng tại tầng hầm B1 của Nhà ga Metro Bến Thành (trung tâm) và đoạn đi ngầm dưới đường Lê Lợi (chiều dài khoảng 500 m) của tuyến Đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tức là có vị trí ngầm từ chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố.

Dự án có quy mô khoảng 45.000 m2, gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2; hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2.

Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), toàn bộ dự án cần gần 8.400 tỷ đồng. Trong đó, địa phương góp hơn 4.980 tỷ bằng khoản vay ODA cho phần diện tích công cộng; nhà đầu tư góp 3.410 tỷ đồng dưới hình thức hợp tác công tư (PPP). Riêng dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có tổng mức đầu tư gần 6.870 tỷ.

Phối cảnh ga ngầm Metro Bến Thành.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức thi tuyển quốc tế chọn ý tưởng thiết kế khu vực Nhà ga Metro Bến Thành. Yêu cầu đặt ra là Trung tâm thương mại ngầm phải kết nối với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà lân cận.

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng Trung tâm thương mại ngầm phải đảm bảo tiến độ hoàn thành cùng dự án Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), dự kiến khai thác vào cuối năm 2021. Dự án xây Trung tâm thương mại ngầm được triển khai đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến Metro Số 1 sẽ giảm tác động đến việc đào lấp đường hai lần trong quá trình thi công, cũng như tránh ảnh hưởng đến tuyến metro này khi đi vào hoạt động.

Dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý triển khai hồi cuối năm 2016, TP HCM được giao nghiên cứu phương án vay toàn bộ nguồn vốn ODA. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính để thống nhất phương án phù hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Mặt đường vị trí xây ga ngầm Bến Thành.

Tại tờ trình của UBND TP HCM gửi Chính phủ hồi tháng 5/2016, liên danh Công ty cổ phần Toshin Development, JOIN, Nikken Sekkei và Osaka Chikagai (đại diện là Toshin) được đề nghị chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án đối với cấu phần cửa hàng và thương mại thuộc khu Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành.

Thành phố cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ODA để thực hiện cấu phần xây dựng lối đi, quảng trường và các công trình phụ trợ ngầm công cộng tại khu vực Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành theo hướng bổ sung khối lượng và chi phí vào Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên sử dụng vốn ODA Nhật Bản.

Nguồn: vnexpress