15 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới, thành tích chống Covid-19 của Việt Nam lên báo Úc

0
246
khong-co-ca-nhiem-moi-trong-15-ngay-lien-tiep-thanh-tich-chong-covid-19-cua-viet-nam-len-bao-uc
Một người dân đeo khẩu trang khi đến nhận gạo tại một cây ATM gạo miễn phí tại HCM (Ảnh: Bloomberg)

Vietucnews –Xuất hiện ca nhiễm vi-rút corona đầu tiên từ hồi tháng Giêng, đến nay Việt Nam mới chỉ ghi nhận tổng cộng 270 người mắc bệnh, chưa có ca tử vong. Thành tích đáng nể trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đã được báo chí quốc tế quan tâm.

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 1/5/2020, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong vòng 15 ngày. Những nỗ lực chống dịch của đất nước gần 100 triệu dân có chung đường biên giới với Trung Quốc là điều “phi thường” theo nhận định của tờ The Sydney Morning Herald.

Kết quả chống COVID-19 tuyệt vời của Việt Nam được tờ The Sydney Morning Herald đưa tin.

Nhà nước đơn đảng vốn là đối tác chiến lược có vai trò ngày càng quan trọng của Úc này đã thực hiện một loạt các biện pháp triệt để nhằm làm chậm đáng kể sự lây lan của vi-rút.

Một số quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Singapore và Malaysia cũng đã đạt được thành công ban đầu trong việc ngăn chặn đại dịch trước làn sóng bùng phát thứ 2; Việt Nam đã cố gắng giữ tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp đáng kể.

Ngay cả New Zealand, đất nước đã kiềm chề được sự lây lan của vi-rút corona, cũng đã ghi nhận đến 1,126 ca bệnh với 19 ca tử vong.

Tuy nhiên, niềm vui của Việt Nam chưa trọn vẹn bởi 8 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh lại dương tính trở lại với vi-rút corona.

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam áp dụng những quy tắc nghiêm ngặt: cấm tổ chức các sự kiện lễ hội, nghi lễ tôn giáo và các hoạt động thể thao. Các thẩm mỹ viện, tiệm massage, quán bar và địa điểm giải trí đều đã đóng cửa.

khong-co-ca-nhiem-moi-trong-15-ngay-lien-tiep-thanh-tich-chong-covid-19-cua-viet-nam-len-bao-uc
Người giao hàng với chiếc xe chở đầy giấy vệ sinh đi qua khu cách ly trên phố Trúc Bạch, Hà Nội (Ảnh: Getty Images)

Việt Nam cũng đã thực hiện xét nghiệm 133,000 trường hợp – con số xét nghiệm cao nhất trong khu vực theo trang web cập nhật tình hình COVID-19 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Từ tháng Hai đến nay, các hành khách nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không đều được kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế. Đây cũng là biện pháp được thực hiện ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Chính phủ cũng cấm tụ tập 20 người trở lên ở những nơi công cộng, từ chối tiếp nhận khách quốc tế bắt đầu từ ngày 22/3, và tìm kiếm những người tiếp xúc trực tiếp với các ca nhiễm vi-rút corona để thực hiện cách ly.

Hiện các trường học cũng bắt đầu mở cửa trở lại, quy định tạm ngừng giao thông công cộng và hàng không nội địa cũng được nới lỏng. Hôm thứ Ba vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kí quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại từ ngày 1/5/2020.

Vậy điều gì làm nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19?

Là một nhà nước cộng sản đơn đảng, Việt Nam đã hành động nhanh chóng với lực lượng cảnh sát và quân đội để kìm hãm sự lây lan của vi-rút.

Theo tiến sĩ Huong Le Thu, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, hệ thống chính trị đơn đảng là nguyên nhân vì sao Việt Nam có sự phối hợp hài hòa các nguồn lực như vậy.

Nhưng bà cũng chỉ ra rằng “Hầu hết các quốc gia và lãnh thổ có phản ứng chống dịch hiệu quả đều là nhờ vào nền dân chủ ở đó. Đài Loan hay New Zealand là những ví dụ điển hình, trong khi đó, một số nền dân chủ tự do lại có kết quả thảm hại.”

khong-co-ca-nhiem-moi-trong-15-ngay-lien-tiep-thanh-tich-chong-covid-19-cua-viet-nam-len-bao-uc
Một người dân đeo khẩu trang khi đến nhận gạo tại một “cây ATM gạo” miễn phí tại HCM (Ảnh: Bloomberg)

Phil Robertson, phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Châu Á và cũng là người thường xuyên chỉ trích chế độ tại Việt Nam, cho rằng những lệnh cấm từ phía nhà nước góp phần ngăn chặn vi-rút lây lan, nhưng đôi khi nó cũng đi quá xa.

“Do Nhà nước mong muốn đẩy lùi tin giả mà họ xử phạt, thậm chí bỏ tù một số người mặc dù họ chỉ chia sẻ những tin đồn, chứ không hề có dụng ý xấu.”

Tiến sĩ Le Thu tin rằng tỉ lệ lây nhiễm thấp của Việt Nam có được là nhờ Chính phủ đã hành động sớm.

“Các biện pháp mang tính quyết định bao gồm cách ly những trường hợp nghi nhiễm, kiểm tra nhiệt độ thường xuyên nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và tìm kiếm những người tiếp xúc với các ca bệnh. Hồi cuối tháng 1, Việt Nam có ca nhiễm vi-rút corona đầu tiên là người trở về từ Trung Quốc; ngay lập tức nước này đã tạm ngừng các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc. Đúng là chính quyền đã hành động ngay tức thì, chứ không hề đợi có thêm ca nhiễm mới quyết định.”

Tiến sĩ Le Thu cũng cho rằng thành công của Việt Nam một phần là nhờ kinh nghiệm nước này có được trong quá khứ khi đối mặt với dịch SARS. Việt Nam chính là đất nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS năm xưa.

Bà tin tưởng những con số thống kê các ca nhiễm vi-rút corona của Việt Nam, song ông Robertson lại có phần hồ nghi.

“Chúng ta không nhất thiết phải tin vào những con số. Việt Nam liên tục có chính sách bảo mật thông tin và thậm chí, điều hướng thông tin theo hướng có lợi nhất cho mình,” ông Robertson lên tiếng.

Do lệnh giãn cách xã hội mà người dân không ra khỏi nhà. Có thể có những người lo lắng không biết mình sẽ ra sao nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, và vì thế họ cố gắng tự chữa tại nhà.

Tuy nhiên, Robertson cũng phải thừa nhận cấu trúc của hệ thống chính trị đã cho phép lãnh đạo cấp quốc gia của Việt Nam có thể liên hệ tới tận người dân cấp thôn, xã.

“Bộ Y Tế của Việt Nam cũng có nhiều người tài. Họ có các chuyên gia tập trung nghiên cứu cách phòng và điều trị bệnh để cùng với Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh,” ông nhận định.

“Họ cũng đã có kinh nghiệm chống SARS trước đây nên ý thức được tầm quan trọng của việc hành động nhanh, giống như Đài Loan. Vì vậy, họ đã bắt tay vào việc chống dịch sớm và áp dụng kinh nghiệm của mình để đối phó với loại vi-rút cứng đầu đến từ Trung Quốc.”

Nguồn: smh.com.au