Chia sẻ hành trình trở thành công dân Úc (phần 1)

0
1053

Hành trình chinh phục Australian citizenship của mình đã khép lại với một cái kết khá trọn vẹn. Mình tin những ai đang nỗ lực cho hành trình này rồi sẽ có ngày cảm nhận được cảm giác vô cùng hạnh phúc vì đã hoàn thành một chặng đường dài với bao nhiêu điều đáng nhớ.

Từ lúc bắt đầu hành trình của mình, Huy có tổng cộng 4 lần nộp hồ sơ chính:

-Giai đoạn 1. 2014: Student visa – Thị thực dành cho du học sinh

+ Huy có offer letter và student visa rất nhanh, đây là lần duy nhất Huy không dùng tài khoản ImmiAccount vì nhờ bên phía agent hỗ trợ do lúc đó còn ở tận bên nước Nhật xa xôi.

-Giai đoạn 2. 2016: Temporary resident – TR tạm trú

+ Mất 5 tuần từ lúc nộp hồ sơ đến lúc visa được grant

-Giai đoạn 3. 2017: Permanent resident – PR thường trú

+ Mất 7 tuần từ lúc nộp hồ sơ đến lúc visa được grant

-Giai đoạn 4. 2018: Citizenship – Quốc tịch

Huy Nguyen chia sẻ hành trình trở thành công dân Úc của mình.

+ Mất 7 tháng từ khi nộp hồ sơ đến lúc nhận thư mời phỏng vấn
+ Mất 4 tháng từ khi có thư mời đến thời gian được interview và tham gia bài thi quốc tịch (đây là giai đoạn hoàn toàn có thể rút ngắn từ 4 tháng còn 1 tuần, thậm chí là 3-5 ngày)
+ Mất 6 tháng từ lúc đã interview đến lúc nhận được thư dự lễ quốc tịch (giai đoạn này là 1 phần là do Covid, một phần là do không biết vận dụng “technique”, hoàn toàn có thể rút gọn từ 6 xuống 3 tháng)

Mặc dù chặng đường đầu tiên hồ sơ Huy khá suôn sẻ, nhưng nếu biết thêm 1 số mẹo nhỏ, Huy đã có thể rút ngắn thời gian từ 5 đến 7 tháng cho chặng cuối cùng, nghĩa là khoảng tầm cuối năm 2019 hoặc đầu 2020 là Huy đã có thể ôm em passport vào lòng. Nhưng không sao, mọi thứ vẫn diễn ra đúng kế hoạch dự tính ban đầu nên cũng không có gì để phàn nàn cả. Hy vọng mọi người sẽ rút kinh nghiệm từ những bài chia sẻ của Huy để nhanh gọn lẹ hoàn tất chặng đường của mình nhé.

Trong các bài viết đầu tiên, Huy chưa đi sâu cụ thể vào từng quy trình mà sẽ điểm qua trước những điều cần lưu ý mà theo Huy là những thói quen vô cùng hữu ích cho hành trình chinh phục “Úc gia” của mỗi người.

1. Tự kiểm tra hồ sơ và quy trình nộp

Các loại visa Huy đề cập bên trên, các đương đơn đều có thể tự chuẩn bị và nộp hồ sơ. Tuy nhiên, giai đoạn 1 và 2 có khá nhiều thứ khiến các bạn cảm thấy bỡ ngỡ và mông lung, đặc biệt nhiều thuật ngữ tiếng Anh trong các văn bản và hạng mục sẽ khiến bạn “choáng váng”. Do đó, Huy nghĩ tìm một agent đáng tin cậy để gửi gắm ở hai giai đoạn này là hết sức cần thiết.

Dẫu có tự nộp hay thông qua agent, điều cực kỳ quan trọng cho các bạn mới sang là cần tìm hiểu về tài khoản ImmiAccount (gạch chân, in đậm, chấm than!). Các bạn có thể đăng ký, hỏi agent về mã Application number của mình, gộp hồ sơ vào tài khoản ImmiAccount ngay từ khi agent submit vì bạn không thể tự kiểm tra email từ bên thứ ba và cực kỳ bị động chờ đợi tin tức từ agent. Bạn hoàn toàn có quyền truy cập trực tiếp mọi lúc mọi nơi để kiểm tra được các thư mà bộ di trú gửi cho mình.

“Dẫu có tự nộp hay thông qua agent, điều cực kỳ quan trọng cho các bạn mới sang là cần tìm hiểu về tài khoản ImmiAccount.” – Huy chia sẻ.

Bước này Huy nghĩ ít bạn du học sinh nào quan tâm vì đa phần các bạn bị thiếu thông tin và không muốn nhúng tay vào các quy trình rắc rối. Bạn thật sự cần quản lý toàn bộ giấy tờ, thư từ và thông báo từ bộ di trú. Dù nhiều anh chị agents siêu dễ thương và đáng tin cậy nhưng vẫn cần lắm việc tập thói quen tự kiểm tra, nhất là khi liên quan đến vấn đề quan trọng như visa. Không ai quan tâm đến cuộc đời bạn nhiều như chính bản thân mình, nên kiểm tra quy trình, trạng trái và tình trạng của hồ sơ là một thói quen tốt giúp bạn tránh được những tình huống dở khóc dở cười về sau.

ImmiAccount là platform duy nhất cất giữ mọi dữ liệu liên quan đến các bộ hồ sơ của mỗi người từ khi bắt đầu các loại visa cơ bản đến bước nộp citizenship cuối cùng. Đương nhiên, vẫn có một số loại visa không thể nộp online và cần dùng form giấy truyền thống, nhưng hầu như 80% các loại visa đều có thể nộp trực tiếp qua tài khoản Immi này.

Link ImmiAccount: https://online.immi.gov.au/

Sau khi đăng nhập, ở thanh Navigation, chọn Import Application và nhập thông tin cơ bản vào. Application Number mình cần hỏi agent vì đây là quyền lợi cơ bản mà bất kỳ ai cũng được quyền biết mã hồ sơ của mình!

2. Dùng Facebook để lưu giữ tất cả khoảnh khắc quan trọng

Tin Huy đi, nhiều người cảm thấy không cần thiết để ghi lại các thời gian dọn nhà, chuyển địa điểm, thay đổi công việc, du lịch, v..v vì việc này thật nhỏ nhặt và phiền phức. Tuy nhiên, nếu hệ thống mọi thông tin ngay từ đầu, bạn sẽ vô cùng tiết kiệm thời gian về sau. Hơn nữa, bạn có thể tránh các lỗi sai không đáng có do nhớ nhầm hoặc không nhất quán trong việc kê khai thông tin, đặc biệt là về ngày tháng.

Các bạn có thể sử dụng chức năng Life Event của Facebook để ghi lại hết những ngày mình từng thay đổi nơi ở, hoặc các cột mốc đáng nhớ xảy ra trong hành trình tại Úc. Bạn hoàn toàn có thể để chế độ Private và chỉ mình bạn xem được timeline của chuỗi sự kiện này. Về sau, khi cần kiểm tra thông tin, bạn sẽ thấy mọi chuyện cực kỳ dễ dàng vì bạn biết mình chuyển nhà bao nhiêu lần, ở 1 địa điểm trong bao lâu, có quá thời gian quy định hay không.

Thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng trong các khâu nộp hồ sơ.

Nhớ nha, thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng trong các khâu nộp hồ sơ. Dù chỉ 12 tiếng thôi, cũng có thể mang lại kết quả khác nhau nên nếu bạn càng tỉ mỉ càng chi tiết trong việc ghi lại ngày tháng mình từng lưu trú ở các địa điểm khác nhau, thời gian du lịch (cái này không cần thiết vì có mẹo để bạn chẳng cần ghi lại mà vẫn chuẩn đến 100%), thay đổi công việc (tiện thể ghi chú dành cho việc làm CV sau này), kết hôn, thậm chí bắt đầu mối quan hệ với partner của mình, bạn sẽ càng cảm thấy vô cùng thoải mái khi “truy lùng” đống thông tin này ở các lần chuẩn bị hồ sơ sau.

Thay vì dùng 1 quyển sổ sẽ có rủi ro lạc mất hoặc vô tình delete nếu bạn lưu trên cloud, sử dụng Facebook timeline là mẹo đơn giản và hữu hiệu nhất mà Huy nghĩ mọi người đều có thể áp dụng. Trừ khi bạn lo xa trong việc mất password Facebook, bạn có thể tạo 1 Facebook khác chỉ để dành cho việc lưu giữ Life event thì chẳng sợ ai hack hay đánh sập Facebook của mình.

3. Đặt tên tất cả các file theo cùng format và có hệ thống.

Một kim chỉ nam quan trọng khi tự nộp hồ sơ visa chính là phải giảm thiểu tối đa công sức mà 1 case officer phải bỏ ra để kiểm tra hồ sơ của bạn. Đây là điều mà Huy luôn tự đặt mình là người kiểm tra hồ sơ, mình sẽ nghĩ thế nào khi đụng phải 1 case mà giấy tờ đặt tên lung tung, kiếm hoài không ra được thông tin cần thiết, hoặc phần dịch thuật một đằng, phần nguyên bản một nẻo? Trình bày hồ sơ càng gọn gàng, chỉn chu, chuyên nghiệp, đầy đủ và chân thật, bạn càng ghi điểm trong mắt họ. Nên nhớ là cứ mỗi lần case officer liên lạc để bổ sung giấy tờ hoặc cần bạn giải thích về hồ sơ, thời gian của bạn sẽ càng bị kéo dài thêm không phải chỉ 1,2 ngày mà có khi đến vài tháng. Thật đấy!

Khi đặt tên cho các file document, mình luôn nhất quán cho mọi loại giấy tờ theo format:
Tên Hồ Sơ_Số Hồ Sơ_ Tên Họ.Tên file

Ví dụ:
Passport_Cxxxxx_HuyNguyen.pdf
DriverLicense_Nxxxxx_HuyNguyen.pdf

Nên chuyển các file hình thành file pdf hoặc ngược lại để thống nhất về loại file. Khi scan hồ sơ, các bạn có thể dùng app NOTES của iPhone để scan, cực kỳ rõ, y hệt bản scan dùng máy chuyên nghiệp và đặc biệt là rất nhẹ nhưng vẫn chất lượng, có thể scan được nhiều trang dễ dàng và có cả chế độ chỉnh sửa để bản scan sạch sẽ và gọn gàng.

Tất cả các file bằng tiếng Việt không có tiếng Anh giải thích các bạn cần phải dịch thuật công chứng. Mình vẫn khuyên các bạn chuẩn bị các bước này ở Việt Nam vì ở Úc, bạn sẽ chỉ có lựa chọn dịch NAATI chuyên nghiệp, khá đắt đỏ và không hợp túi tiền chút nào (trừ khi bạn cần gấp và không thể chuẩn bị từ trước). Chỉ cần nhờ người nhà gửi giấy tờ đến các sở tư pháp địa phương và yêu cầu dịch thuật hợp pháp hoá lãnh sự là các bản dịch của bạn đủ “ngon lành” rồi.

Một kim chỉ nam quan trọng khi tự nộp hồ sơ visa chính là phải giảm thiểu tối đa công sức mà 1 case officer phải bỏ ra để kiểm tra hồ sơ của bạn.

Hợp pháp hoá lãnh sự là việc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng thực bản sao và dịch thuật công chứng. Mình ở Mỹ Tho, Tiền Giang, nên ba Huy phải lên Sài Gòn để thực hiện các bước này. Nhớ là phải chuẩn bị trước ít nhất là 2-3 tháng trước khi nộp nhé, vì bạn sẽ còn tính thời gian bản chứng nhận của mình di chuyển khắp nơi.

Các bản dịch này okie cho cả hồ sơ quốc tịch vì thật ra người phỏng vấn các bạn, hoặc các nhân viên kiểm tra hồ sơ luôn có sẵn thông dịch viên NAATI chuyên nghiệp để có thể verify các hồ sơ tiếng nước ngoài ngay lập tức, nếu hồ sơ có dấu hiệu đáng ngờ hoặc cần thẩm định. Tiếng Việt cũng khá phổ biến ở xứ sở chuột túi nên các bạn đừng lo (Thông tin này là do mình hỏi trực tiếp chị phỏng vấn mình hôm đi thi quốc tịch. Chị là người Việt, đọc viết rành các thứ tiếng luôn nên chị chia sẻ “mỏng” phần này khi mình đề cập đến việc dịch NAATI. Tuy nhiên, luật mỗi bang có hơi khác, nên mình không chắc các bang còn lại sẽ thế nào, nhưng bang VIC thì bạn không cần dịch NAATI cho tất cả các giấy tờ).

Bản khai sinh là giấy tờ gốc duy nhất Huy đem theo sang Úc ngoại trừ Passport. Còn lại giấy tờ xe hay giấy chứng minh nhân dân Huy chỉ scan bảng màu, dịch thuật công chứng và save vào folder trên máy của mình thôi. Khi có bảng dịch, luôn luôn scan kèm bảng gốc trong cùng 1 file. Việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng Huy thấy vẫn có bạn nộp riêng từng document, như vậy sẽ mất thêm thời gian để case officer tìm kiếm và match các giấy tờ với nhau, nhất là các loại document bằng tiếng nước ngoài.

FB Huy Nguyen