Vietucnews – Chỉ một cơn mưa ngang qua cũng khiến thành phố ‘nghiêng ngả’. Cứ thời tiết xấu là giao thông công cộng ở Sydney lại khiến người ta phiền lòng.
Hãy tưởng tượng trời đang mưa và bạn đang trên đường đi làm: ướt, lạnh và dễ cáu. Xe buýt đến trễ vài phút, và trên xe đầy những hành khách giống bạn: cũng ướt, cũng lạnh và cũng dễ cáu.
Xe lăn bánh trên những con đường đông đúc và ngập nước, tránh va phải những người người đi bộ lơ đãng mải tìm chỗ tránh mưa. Thế là bạn đến chỗ làm muộn.
“Sydney chẳng biết phải làm sao khi mưa xuống.” Chắc hẳn bạn đã từng tự nhủ câu này hay một câu tương tự, hoặc nói với một người đi cùng hành trình, hoặc post status trên mạng xã hội.
Không chỉ riêng bạn đâu! Các chuyên gia nói rằng thiết kế thành phố cảng không sẵn sàng để đón mưa. Mỗi lần mưa như trút là giao thông công cộng lại trở nên khốn đốn.
“Mưa có sức ảnh hưởng lớn đến Sydney,” Geoffrey Clinton, giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Giao thông và Vận tải, Đại học Sydney, trả lời phỏng vấn 10daily.
“Sydney là một thành phố được xây dựng xung quanh cảng, vịnh, sông và các bãi biển. Đây là lý do tại sao thành phố đáng sống này trở nên trầy trật khi trời mưa. Nước cần chỗ thoát, và cục bộ Sydney có nguy cơ bị lụt cao.”
Khi mưa, đường xá sẽ khó đi lại hơn, làn đường tắc nghẽn. Một số tài xế sẽ cẩn trọng hơn, nhưng cũng có những người liều lĩnh hơn.
Kinh nghiệm cho thấy hễ trời mưa là số lượng phương tiện cá nhân tăng lên; người ta cũng có xu hướng sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì đi bộ.
Xe buýt và tàu sẽ đều đông khách. Những chuyến xe ngày thường cũng còn phải chật vật, nay lại càng ì ạch hơn.
“Melbourne và Brisbane cũng bị lụt. Nhưng những thành phố này có hình dạng lưới rõ rệt hơn Sydney, nên nước có đường thoát dễ hơn,” Clinton nhận định.
“Mạng lưới đường sắt Sydney cũng chủ yếu ở trên mặt đất, không giống như nhiều thành phố ở nước ngoài có nhiều tuyến tàu điện ngầm. Điều đó có nghĩa là thời tiết ẩm ướt hoặc gió lớn sẽ khiến các chuyến tàu hoặc bị chậm lại, hoặc bị hủy.”
Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia về giao thông và đô thị. Họ nói chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề tại sao Sydney lại trầy trật vì mưa như thế, và đây đúng là một câu hỏi đáng suy ngẫm.
Tiến sĩ Kasun Wijayaratna, giảng viên giao thông và đường bộ Đại học Công nghệ Sydney (UTS) nhận định rằng rõ ràng là có sự liên đới giữa vận tốc và lưu lượng phương tiện suy giảm rõ nét và điều kiện thời tiết mưa gió.
Ông lấy dẫn chứng một nghiên cứu năm 2018 cho thấy người dân ở Brisbane sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn khi trời ấm.
Trong khi một số chuyên gia chỉ ra Sydney có lẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu nhiều hơn so với các thành phố khác, một số khác lại tỏ ý không đồng tình. Tiến sĩ Claudine Moutou, cũng đến từ UTS, trưởng nhóm nghiên cứu về giao thông tại Institute for Sustainable Futures, đưa ra quan điểm của một “nhà xã hội học giao thông” (transport sociologist), nói rằng có thể việc hủy chuyến và các vấn đề giao thông không có liên quan với những cơn mưa, đó đơn giản chỉ là cảm giác mà thôi.
Tiến sĩ Claudine Moutou đưa ra giả thuyết mưa có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta nhiều hơn là hệ thống giao thông.
“Chúng tôi đã xem những cơn mưa gây ra sự bất tiện như thế nào cho chúng ta. Vì mưa nên các thói quen buổi sáng của chúng ta diễn ra chậm chạp hơn. Chúng ta lề mề ra khỏi giường rồi đi tìm cây dù. Giao thông cũng diễn ra chậm hơn, khoảng cách phanh an toàn cũng dài hơn.”
“Chúng ta phải đưa người thân đến trường hay ra ga tàu, thế nên thời gian di chuyển sẽ nhiều hơn. Hàng xe nối đuôi nhau trên đường cũng dài hơn.”
Tiến sĩ Moutou cho biết mọi khía cạnh của việc đi lại đều bị ảnh hưởng bởi thời tiết, từ khi bạn thức dậy cho đến khi bạn đến văn phòng, lúc nào cũng có thể khiến bạn “tăng xông” và hay cáu giận.
“Việc lên tàu cũng tốn thời gian hơn bình thường, bởi các hành khách sẽ mất thêm vào phút để thu xếp ổn định chỗ ngồi hay chỗ đứng trên tàu. Không may chạm phải cái áo khoác hay cây dù ướt sũng của người khác cũng chẳng phải là điều dễ chịu,” bà nhận định.
“Tàu thậm chí còn có thêm khách, vì những người thường đạp xe hay đi bộ đi làm nay cũng sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nếu phà hủy chuyến, thì xe buýt còn đông hơn nữa.”
Tiến sĩ Moutou đề xuất nên có biện pháp nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để giải quyết các vấn đề này.
“Xe lửa Sydney hiện tại đang kín lịch, và không có nhiều khả năng xê dịch. Thế nên khi có sự cố là toàn hệ thống phải gồng mình lên cố gắng khắc phục nhanh chóng.”
Tổng hòa lại, những phản ứng của người Sydney đối với sự bất tiện của thời tiết ẩm ướt sẽ khiến thời gian dừng mỗi ga hay trạm sẽ tăng lên.
Vậy đó, Sydney chật vật vì trời mưa. Nhưng cũng có thể, mọi chuyện trên thực tế không tồi tệ như những gì bạn tưởng tượng đâu!
Nguồn: 10daily
- Sân bay Sydney: Hoãn/hủy chuyến do gió mạnh tiếp diễn
- Sydney: Lạ lùng cá voi phá sóng ngày mưa bão trong hơn 90 phút
- Thế hệ Millennials Úc “phụ thuộc” phương tiện giao thông công cộng