Góc nhìn Ngọc Quang: Nước Úc có tiền nhiều để làm gì?

0
634

Vietucnews –  Vì lâu không đi Việt Nam, người thân mình thường hỏi: có thấy Việt Nam khác nhiều không? Nếu trả lời “không” thì đó không phải là câu trả lời người hỏi muốn nghe, nếu bảo “có” thì có thế nào đây? Mình mạo muội đưa ra những nhận định chủ quan theo một góc nhìn từ bên ngoài.

Ở hải ngoại, một số người cho rằng người giàu Việt Nam, hoặc phải tham nhũng, hoặc là buôn gian bán lận. Theo những điều mình mắt thấy tai nghe, quan niệm như vậy quá thành kiến, không đúng sự thật.

Một số bà con nhà mình “than vãn” rất thật là tiêu không hết tiền. Cụ thể, so với mức thu nhập của việc làm ăn lương thiện với việc chi tiêu thì vênh quá nhiều, không có cách nào khác, tiền thừa cứ chồng chất lên theo thời gian.

Ở tầm mức quốc gia, dòng tiền đã và đang lũ lượt đổ vào Việt Nam: FDI 17-20 tỉ USD/năm; kiều hối 15-17 tỉ USD/năm, ODA 10-12 tỉ USD/năm, tổng cộng 40-50 tỉ USD/năm. Với số tiền khổng lồ như vậy cho phép 100 triệu con người có thể ăn chơi nhảy múa thoải mái. Vấn đề ở đây, có đầu vào rồi thì phải có đầu ra làm sao hợp lý, tương ứng.

Trong cuộc tranh luận trên truyền hình vừa qua, Thủ tướng Morison đã đưa ra những con số và bức tranh sáng sủa về nền kinh tế, với dụng ý Liên đảng xứng đáng tiếp tục được cầm quyền. Chờ anh Thủ khoe khoang cho đã thì Thủ lãnh đối lập Shorten mới hỏi một câu, nôm na là “giàu để làm gì?” và đã làm Scott Morrison lúng túng ra mặt. Là một chính khách chuyên nghiệp, chắc chắn Morison phải lường đến câu hỏi này, nhưng ông lại rất sợ bị lột mặt nạ.

Đó là, để có một ngân sách “đẹp”, giảm thiểu thâm thủng, hướng đến thặng dư thì chính phủ đã phải cắt giảm bao nhiêu tiền phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục và an sinh xã hội? Và ở những nơi người dân khốn khó cần trợ giúp của ngân sách thì chính phủ đã làm ngơ ra sao? Vấn đề là, tiết kiệm là cần thiết, nhưng việc cắt giảm đó có đúng không.

Về lý thuyết, thâm hụt ngân sách sẽ dẫn đến việc in thêm tiền mặt và lạm phát nhưng thực tế không hẳn như vậy. Chính phủ có thể dùng những mối quan hệ tín dụng quốc tế, các chính sách về lãi suất, tài chính, ngân hàng mà không làm lạm phát. Như vậy, thâm hụt sẽ là tốt khi nó không gây tác hại nhiều mà lại trợ giúp cho các chính sách xã hội và môi trường.

Bản thân gia đình mình đang nợ tiền mortgate của ngân hàng khá nhiều nhưng vợ chồng mình vẫn luôn cười tươi, không có gì phải lo lắng.

Hằng năm, người Việt tốn nhiều tỉ USD cho việc du học và chữa bệnh ở nước ngoài vì tình trạng yếu kém của các lĩnh vực chăm sóc phúc lợi ở trong nước. Một cậu lái taxi nói với mình, giao thông ngày càng tệ hại, vài năm nữa chắc không còn đi lại được. Để giải quyết, chỉ có cách “chui xuống đất” như làm tàu điện ngầm, “leo lên Trời” bằng cầu vượt, hay thiết lập hệ thống giao thông công cộng…Tất cả các vấn đề xã hội và môi trường đều cần chi tiêu những khoản tài chính rất lớn.

Mình không có số liệu, đúng ra là không có số liệu đáng tin cậy về cách sử dụng ngân sách của chính phủ Việt Nam, nhưng vẫn có thể phỏng đoán hai yếu tố. Thứ nhất, ngân sách Việt Nam chi quá nhiều cho quân đội và công an (nghe đồn là trên 50%), và cũng quá nhiều để nuôi bộ máy hành chính cồng kềnh. Như ở Úc ngân sách cho quốc phòng chỉ 2% GDP, tạo điều kiện cho giáo dục và y tế hoàn toàn miễn phí.

Thứ hai, chính phủ không nắm được nguồn tiền. Như nói ở trên, trong các ”nguồn lợi” thì FDI để trả lương rất cao trong khu vực kinh tế nước ngoài, trong khi thuế lợi tức cá nhân thu được không đáng kể; kiều hối cũng gửi cho người dân chứ không phải nhà nước; ODA lại bị rơi rụng do tham nhũng, hơn nữa không còn được ưu đãi về lãi suất và ngân sách vẫn phải trích một khoản để trả nợ.

Về phần thu, thất thoát quá nhiều trong các khoản thuế, bao gồm cả thuế công ty và thuế cá nhân; nguồn thu về dầu khí đang có xu hướng giảm. Nhà nước chỉ vớt vát phần nào bằng cách tăng phí dịch vụ công, tăng trạm thu BOT, tăng tiền điện…và thật đau lòng khi các mạng xã hội nói đó là hành động ăn cướp. Thực tế vốn trong dân vẫn quá lớn, nói cách khác ngân sách chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong GDP.

Như vậy, tình trạng là nguồn lực tiềm năng về kinh tế không thiếu nhưng không thể huy động để chi tiêu cho xã hội và môi trường. Trong một con người, ăn rồi thì phải bài tiết được đều đặn, tương xứng thì mới mang lại một cơ thể, sức khỏe lành mạnh, cường tráng.

Nguồn: Phil Dang

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments