Vietucnews – Bạn muốn thưởng thức vẻ đẹp của Rạn san hô Great Barrier nhưng ngại chi phí đắt đỏ? Thứ Hai này, hãy nhanh tay đặt vé “Uber” tàu ngầm để vừa được ngắm cảnh, vừa tiết kiệm một khoản không nhỏ cho nhiều kế hoạch hay ho khác!
Chính phủ Queensland vừa kết hợp với “ông lớn” Uber để giới thiệu dịch vụ đi chung tàu ngầm cho các du khách say mê cảnh đẹp tại hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới. Hình thức tham quan có một không hai này sẽ khiến bạn có một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ khi ghé thăm Great Barrier.
Phía nam rạn san hô, scUber luôn sẵn sàng đón những vị khách trên đảo Heron từ ngày 27/5 trở đi. Đây là một tàu ngầm hai chỗ ngồi với giá vé 1500 đô la/người. Nếu bạn muốn thử cảm giác “một mình một cõi”, giá vé sẽ là 3000 đô la.
Du khách có thể đặt vé cho chuyến đi thú vị này khi đến đảo Heron hoặc Gladstone. Không chỉ được ngồi trên tàu ngầm xuyên qua đại dương, ngắm vẻ đẹp tựa như đóa hoa nở rộ của rạn san hô mà bạn còn có cơ hội hiểu thêm về sự diệu kỳ của hệ sinh thái qua hành trình này.
Sau hai tuần đầu tiên, scUber sẽ lên đường hướng đến Cảng Douglas ở phía bắc và dừng lại ở đó đến ngày 18/6.
Chiếc tàu ngầm hoạt động bằng pin này sẽ đưa du khách tham quan cảnh biển dưới độ sâu xấp xỉ 20m – điều mà chỉ các thợ lặn dạn dày kinh nghiệm mới từng trải qua.
Đảo Heron là nơi xuất hiện rạn san hô rộng 800m², cách Gladstone 70km về phía tây trên bờ biển trung tâm Queensland. Tại đây, tàu scUber đã mang hai nhà vô địch trong cuộc thi Reef Champion lặn sâu xuống biển. Reef Champion Awards là giải thưởng tôn vinh những tổ chức và cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc làm sạch môi trường nước nơi quần thể san hô Great Barrier sinh trưởng.
So với rạn san hô Great Barrier trải dài suốt 2300km, đảo Heron chỉ là một góc nhỏ. Tuy nhiên, đây là nơi các rạn san hô được đánh giá là đẹp nhất. Và trái với suy nghĩ của nhiều người, dù đang lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm nhưng quần thể san hô tại đây không hề có dấu hiệu mất đi sự sống.
San hô bao quanh cồn hoàn toàn nguyên sơ, được bao bọc bởi làn nước ấm và trong. Hàng ngày, những thợ lặn ở đây có thể trông thấy cá mập và cá đuối trong lúc bơi ngang qua những con rùa và lắng nghe âm thanh sống động của cá voi.
Ngoài 100 cư dân là nhân loại, đảo Heron còn là “mái ấm” của hàng nghìn chú chim. Một trung tâm nghiên cứu của Đại học Queensland được xây dựng giữa đảo, cạnh bên một khu resort được dân mê lặn biển nhiệt tình ủng hộ.
Sáng thứ Năm vừa qua, Andy Ridley (giám đốc điều hành của Citizens of Great Barrier Reef) và David Wachenfeld (người đứng đầu đội ngũ nhà khoa học tại Great Barrier Reef Marine Park Authority) đã lần đầu đồng hành trên chiếc tàu ngầm lặn xuống rạn san hô.
Họ cho biết trải nghiệm trong chuyến đi thực sự khó quên: không chỉ có thể chuyện trò với người bên cạnh về cảnh sắc trước mặt, mà họ còn được quan sát rạn san hô với cự ly gần chưa từng có.
Great Barrier là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, với hơn 1000 hòn đảo và là nơi sinh sống của 600 loại san hô khác nhau.
Đến tháng 12/2018, đã có tổng cộng 2.2 triệu du khách Úc đến thăm rạn san hô phía nam.
Ngoài ra, có 146,000 du khách nước ngoài đã tìm đến Great Barrier, tăng 2.2% so với năm trước đó. Phần lớn khách tập trung vào ngày nghỉ lễ.
“Phải nói thật rằng đó là trải nghiệm hết sức tuyệt vời,” Ridley chia sẻ.
“Cả hai chúng tôi đều lặn biển thường xuyên, và cảm giác không hề giống với lúc ngồi tàu ngầm. Chẳng ai nói chuyện được cả.”
Tiến sĩ Wachenfeld cho biết ông đã tận mắt nhìn thấy vô số loài cá, từ cá mập vây đen, cá đuối gai độc đến nhiều chủng loài hiếm lạ khác lúc quan sát vùng biển từ trong tàu ngầm.
“Bạn có thể khám phá cực nhiều điều thú vị và nhìn thấy không sót chi tiết nào, từ nhỏ đến lớn,” ông nói.
“Có cảm giác như tôi lạc vào thế giới hòa trộn giữa ‘Finding Nemo’ và phim về James Bond vậy, vừa mới lạ vừa phấn khích.
“Quả là một phương pháp du ngoạn sáng tạo!”
Với tư cách là giám đốc điều hành của một tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và đóng góp thiết thực cho việc bảo tồn Rạn san hô Great Barrier, Ridley sẽ càng thắt chặt mối quan hệ hợp tác với Uber trong tương lai.
“Chúng tôi đang chuẩn bị tiết lộ kế hoạch cộng tác với Uber,” ông nói.
“Kế hoạch này có ba phần chính. Đầu tiên, tạo điều kiện cho tổ chức tiếp cận với một số kiến thức và bí quyết công nghệ. Thứ hai, tìm kiếm nguồn tài trợ. Thứ ba, lan truyền tin tức về rạn san hô để chúng được hàng triệu người biết đến.”
Phát biểu trong sự kiện ra mắt dịch vụ mới tại đảo Heron, Bộ trưởng Du lịch Queensland Kate Jones khen ngợi trải nghiệm tàu ngầm “đi chung” đầu tiên trên thế giới là một sự kết hợp thú vị.
“Trước đó, có thể bạn đã ưng ý với việc ngắm vẻ đẹp của rạn san hô Great Barrier từ trên không. Nhưng giờ đây, thị giác của bạn sẽ càng được thỏa mãn với ‘bữa tiệc’ sắc màu khi nhìn ngắm chúng qua cửa kính tàu ngầm – dịch vụ độc đáo chỉ mới xuất hiện ở chỗ chúng tôi,” bà tuyên bố.
“ScUber là một phát kiến vô cùng thông minh, giúp chúng ta quảng bá Great Barrier trên toàn thế giới.
“Với kế hoạch hợp tác lần này, chính phủ Queensland kỳ vọng sẽ tiếp cận đến nền tảng 50 triệu khách hàng trải rộng khắp mọi quốc gia của Uber, cho họ biết đến cảnh sắc xinh đẹp của rạn san hô ở quê hương chúng ta.”
Bà Jones hy vọng lần kết hợp này sẽ giúp địa phương thu hút thêm hơn 1.4 triệu khách du lịch trong danh sách khách hàng của Uber, từ đó thu về xấp xỉ 2 tỷ đô la.
Tổng giám đốc Uber tại Úc và New Zealand Susan Anderson cho biết việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo tồn rạn san hô đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
“Khi được mời phối hợp với cơ quan du lịch Queensland để vận hành dịch vụ mới tại Rạn san hô Great Barrier, chúng tôi đã tự hào đồng ý,” bà nói.
“Một khi đã ngắm nhìn vẻ đẹp của san hô tại Great Barrier, du khách sẽ bắt đầu quan tâm đến chúng.
“Và khi đã quan tâm, họ sẽ tìm cách để góp phần bảo vệ cảnh đẹp này, đồng thời chia sẻ về chúng với người thân và bạn bè.”
Theo Anderson, di chuyển bằng tàu ngầm sẽ tạo điều kiện du ngoạn cho những người không biết bơi hoặc không thể đến gần mặt nước.
Có nhiều ý kiến cho rằng những sự kiện hợp tác tương tự nên diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa sức sống của rạn san hô.
Trước tình hình đó, việc ngồi chờ chính sách của chính phủ là điều bất khả thi. Tất cả mọi người đều phải cùng hành động để bảo vệ hệ sinh thái tại đây.
Tại một hội thảo trên đảo Heron tối thứ Tư, có 5 chuyên gia đã đề cập đến vấn đề sống còn của rạn san hô tại Great Barrier. Họ khẳng định chúng không chết, song vẫn rất cần mọi người chung tay hỗ trợ để tiếp tục sinh trưởng.
Rạn san hô có thể cầm cự được một thời gian nhờ khả năng phục hồi tự nhiên. Nhưng nếu không có sự đồng lòng giúp đỡ từ chính phủ, các đơn vị trong ngành công nghiệp, tổ chức phi chính phủ và người dân, chúng sẽ chết chỉ sau vài thập kỷ ngắn ngủi.
“Chúng ta có chung một mối lo. Nếu như cả thế giới đều cho rằng rạn san hô không còn sức sống, họ sẽ phản ứng thế nào?
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ không còn ý nghĩ muốn cứu vớt sự sống của chúng nữa? Chúng ta không thể để điều đó xảy ra được. Bây giờ vẫn còn hy vọng.”
Chuyên gia hàng đầu thế giới về san hô tại Đại học Southern Cross, Peter Harrison, đồng ý với quan điểm này.
“Theo dõi rạn san hô, tìm cách bảo vệ và hiểu thấu những đặc điểm sinh tồn của chúng mới là quan trọng,” ông nói.
“Chúng ta không chỉ phải xem xét những vấn đề này trên khía cạnh khoa học, mà còn từ góc nhìn đại chúng.
“Chỉ khi phối hợp các yếu tố trên, ta mới có thể thúc đẩy kế hoạch bảo tồn san hô tiến triển tốt hơn.”
Peter Gash, quản lý đảo Lady Elliot – cồn san hô phía cực nam thuộc dãy Great Barrier gần Bundaberg – đã nhiệt tình chia sẻ niềm tin của ông vào ý tưởng cho mọi người thấy được vẻ đẹp quyến rũ của cảnh sắc nơi đây sẽ giúp bảo vệ rạn san hô.
“Khi yêu thích thứ gì đó, bạn sẽ muốn bảo vệ, chăm sóc và không để nó rời xa tầm mắt mình giây phút nào,” ông nói.
“Đó là sức mạnh của du lịch. Tôi đã đắm chìm trong vẻ đẹp ở đây khi chỉ mới đầu 20. Từ khoảnh khắc ấy, tôi biết mình đã yêu một nơi tuyệt vời.”
Gash là một trong những thợ lặn bậc thầy tại rạn san hô. Cuộc sống của ông xoay quanh việc bảo tồn và chăm sóc các loài san hô tại cồn, cũng như hệ sinh thái gần đó. Quan điểm của ông được nhà sinh vật học biển kiêm chủ tịch của Tropical Tourism North Queensland, bà Wendy Morris, đồng tình.
“Chỉ khi tự mình nhìn ngắm rạn san hô, bạn mới có thể chân chính trân trọng và đồng cảm với nó,” bà nói.
“Khi đó, bạn sẽ hình thành nên ý thức về môi trường tự nhiên. Và một khi đã nhận thức, bạn sẽ nảy sinh lòng quan tâm.
“Chính sự quan tâm là yếu tố thúc đẩy chúng ta tìm ra phương hướng giải quyết những vấn đề nổi cộm như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.”
Mặc dù rạn san hô có khả năng tự phục hồi, các chuyên gia cũng nhất trí rằng nó vẫn còn sống và phát triển, nhưng thực tế chứng minh vẫn còn tồn tại nguy cơ.
Tiến sĩ Wachenfeld đã khẳng định hiện tượng trái đất ấm lên sẽ là yếu tố gây ra rủi ro lớn nhất cho rạn san hô.
“Lãnh đạo của các quốc gia trên toàn thế giới đã đặt ra mục tiêu kiềm chế biến đổi khí hậu xuống dưới 2ºC.
“Mục tiêu đó đã mang đến hy vọng cho tương lai của Great Barrier và cả các rạn san hô khác trên khắp thế giới. Song, chúng ta cần chung tay hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu, ngay bây giờ.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang nỗ lực để đạt được sức mạnh cộng đồng to lớn đó.
“Chúng ta đã thất bại trong việc đi theo con đường mà Thỏa thuận Paris đề xuất. Cho nên, hiện giờ ta cần sự liên minh của cư dân địa phương, ngành công nghiệp du lịch, các cấp chính quyền và các nhà khoa học. Nếu không triển khai hành động ngay hôm nay, chúng ta sẽ bỏ lỡ mục tiêu của Thỏa thuận Paris và đánh mất rạn san hô chỉ sau vài chục năm nữa.”
Chính phủ tiểu bang đang tìm cách quảng bá rạn san hô qua scUber. Chương trình này được chạy thí điểm bởi các tổ chức điều hành du lịch có kinh nghiệm.
Uber sẽ quyên góp doanh thu từ scUber vào quỹ ủng hộ tổ chức Citizens of the Great Barrier Reef. Các du khách nước ngoài có thể tham gia tranh tài để giành được phần thưởng là một chuyến tham quan Rạn san hô Great Barrier bằng phương tiện này.
Nguồn: SMH
- San hô Úc bị tẩy trắng vì biến đổi khí hậu
- Mãn nhãn ảnh san hô bờ biển Úc
- Úc: Hơn 60 hội đồng địa phương yêu cầu hành động mạnh mẽ hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu