Nhà hát Opera Sydney: những bí ẩn đằng sau một công trình vĩ đại

0

Vietucnews – Từ lâu, nhà hát Opera Sydney đã trở thành biểu tượng của đất nước Australia. Nhắc đến Úc không thể không nhắc đến nhà hát Opera Sydney – nơi mỗi năm có trên 8 triệu khách du lịch ghé thăm.

Ngoài việc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, nhà hát Opera Sydney còn có rất nhiều điều bất ngờ khác.

Đột phá về kiến trúc

Vào năm 1956, Australia đã tổ chức cuộc thi thiết kế nhà hát opera quốc gia. Cuộc thi chỉ có một giải thưởng dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trị giá 5.000 bảng.

Nhà hát Opera Sydney độc đáo với hình cong và mái vòm như những cánh buồm trắng .

Người dành được giải thưởng danh giá ấy là Jorn Utzon – kiến trúc sư 38 tuổi người Đan Mạch. Cuộc thi quốc tế về thiết kế “nhà hát opera quốc gia” trên bán đảo Bennelong Point của Sydney đã xướng tên ông trong buổi trao giải.

Lí do giúp Utzon chiến thắng vì kiến trúc sư này có một sự sáng tạo đặc biệt với những hình cong đặc trưng và những mái vòm như những cánh buồm trắng hay hình con sò.

Sự tài năng và sáng tạo của Utzon về kiến trúc đã phá vỡ khuôn mẫu với lối tạo hình khối vuông và tam giác của kiến trúc thời bấy giờ. Thời đó, kiểu kiến trúc này cho thấy nó sẽ rất khó thực hiện.

Năm 1957, mô hình nhà hát Opera Sydney được giới thiệu tại Tòa thị chính Sydney, 2 năm sau công trình được khởi công. Nhà hát Opera Sydney đã làm thay đổi sự nghiệp kiến trúc sư Utzon cũng như đất nước Australia.

Gian nan trong quá trình xây dựng 

Nhà hát Opera Sydney được xây dựng từ năm 1959 với 10.000 công nhân. Thời gian đầu, việc xây dựng nhà hát diễn ra trong 4 năm với tổng chi phí ước tính 7 triệu USD. Tuy nhiên, việc xây dựng bị trì hoãn nhiều lần và phải mất tới 14 năm mới hoàn thành, lúc đó, chi phí lên tới 102 triệu USD.

Ngoài ra, mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Utzon với các kỹ sư đã khiến ông buộc phải từ chức khi công trình vẫn còn dang dở. Utzon đã rời khỏi Australia sau đó và không bao giờ trở lại.

Đâu chỉ riêng Opera ?

Dù có tên nhà hát Opera nhưng chỉ có 15% trong số hơn 2.000 buổi biểu diễn mỗi năm là biểu diễn opera, còn lại là các thể loại nhạc kịch, hợp xướng, biểu diễn nhạc rock hay pop, ba lê, sự kiện văn hóa, khiêu vũ hay hòa nhạc quốc tế khác…

Trong số hơn 2.000 buổi biểu diễn mỗi năm tại nhà hát Opera Sydney, chỉ có 15% trong số này biểu diễn Opera.

Những độc đáo đằng sau biểu tượng nước Úc

Vào ngày 20/10/1973, nhà hát Opera Sydney được Nữ hoàng Anh Elizabeth II cắt băng khánh thành. Nhà hát được Nữ hoàng Elizabeth ghé thăm 4 lần.

Để đảm bảo chất lượng âm thanh của các nhạc cụ, nhiệt độ luôn được giữ ở mức 22,5 độ C khi dàn nhạc giao hưởng Sydney biểu diễn trên sân khấu.

Nhà hát Opera sử dụng nước biển lấy từ bến cảng để làm mát. Nước được dẫn qua một hệ thống đường ống giúp làm mát cho hệ thống sưởi và điều hòa.

Toàn bộ khu vực nhà hát Opera Sydney rộng lớn đến mức đủ chỗ cho 7 chiếc A380 sải cánh cạnh nhau.

Người đầu tiên biểu diễn ở nhà hát là Paul Robeson. Ol’ Man River là bài hát mà ông hát cho các công nhân nghe khi trèo lên giàn giáo vào năm 1960

Hơn 1 triệu tấm gạch được lát trên 1,62 hecta của phần mái kiến trúc. Số gạch này đều được sản xuất tại Thụy Điển. Đỉnh mái cao nhất của Nhà hát Opera Sydney là 67m so với mặt nước biển (ứng với một tòa nhà cao 22 tầng). Toàn bộ khu vực nhà hát Opera Sydney rộng lớn đến mức đủ chỗ cho 7 chiếc A380 sải cánh cạnh nhau.

Ở phòng hòa nhạc Concert Hall, Arnold Schwarzenegger (diễn viên, cựu Thống đốc bang California của Mỹ) đã thắng giải thể dục thẩm mỹ với danh hiệu là “Mr. Olympia” lần cuối cùng của ông trong năm 1980.

Nhà hát Opera Sydney – biểu tượng của nước Úc.

Năm 2007, nhà hát Opera Sydney được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Ở tuổi 90, kiến trúc sư Utzon đã qua đời vì một cơn đau tim. Frank Gehry – thành viên ban giám khảo giải thưởng Pritzker Prize (được coi là giải Nobel của cộng đồng kiến trúc sư) đã đánh giá rất cao tài năng của Utzon  khi ông đã làm nên một công trình vĩ đại giúp thay đổi một đất nước.

Theo cafebiz