Quyền lợi của cha mẹ khi sinh và nuôi con tại Úc là gì?

0
919

Vietucnews – Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ rất hoang mang khi đọc một số thông tin từ các nguồn không chính thống về việc sinh và nuôi con ở Úc. Vậy, quyền lợi thực tế cho các phụ huynh là gì?

Tùy theo hoàn cảnh, việc làm và mức thu nhập của mỗi công dân Úc, mà sự hỗ trợ của chính phủ cho từng trường hợp sẽ khác nhau. Dưới đây là một số chính sách hỗ trợ nghỉ thai sản và nuôi con căn bản của Centrelink dành cho các bậc cha mẹ tại Úc.

1, Chính sách nghỉ làm sinh con có lương

Khi người mẹ có thai và xin nghỉ thai sản để chăm sóc con của mình hoặc nhận con nuôi, cha mẹ có thể nhận được chương trình Paid Parental Leave (Hay còn gọi là Chính sách hỗ trợ cha mẹ nghỉ phép vì lý do mới có con).

Chính phủ Úc trả khoản trợ cấp cho những cha mẹ có đủ điều kiện thông qua chương trình Paid Parental Leave.

Chương trình này có 2 khoản trợ cấp trả cho cha mẹ có việc làm, bao gồm:

• Parental Leave Pay

Đây là khoản có áp thuế. Khoản tiền này cũng tính vào quy trắc nghiệm lợi tức nếu bạn nhận một trợ cấp hỗ trợ thu nhập.

Khoản tiền này giúp các bậc phụ huynh đi làm được nghỉ phép để chăm sóc chính cho một đứa trẻ mới gia nhập gia đình. Nếu đủ điều kiện, người mẹ có thể nhận được khoản tiền ở mức National Minimum Wage (Lương Tối thiểu Toàn quốc, tương đương khoảng $720 mỗi tuần) trong khoảng thời gian lên đến 18 tuần.

Những ai được nhận trợ cấp này?

Cha mẹ có đủ điều kiện nhận Parental Leave Pay (Tiền trả Nghỉ Nuôi con) nếu:

  • Là người chăm sóc chính cho một trẻ sơ sinh hay trẻ mới được nhận nuôi.
  • Thu nhập cá nhân của năm tài khoá gần nhất dưới $150,000.
  • Đang nghỉ phép hay không đi làm trong khoảng thời gian Paid Parental Leave (Nghỉ phép Nuôi con Hưởng lương).
  • Đã làm việc 10 tháng trên tổng số 13 tháng trước khi sinh hay nhận nuôi trẻ và thỏa mãn các điều kiện về cư trú.

Để nhận được đủ 18 tuần Parental Leave Pay (Tiền trả Nghỉ Nuôi con), bạn cần chỉ định một ngày bắt đầu nằm trong khoảng thời gian 34 tuần tính từ thời điểm sinh hay nhận nuôi con của bạn.

(Ảnh: sciencing.com)

Tùy vào hoàn cảnh của cha mẹ, khoản Parental Leave Pay của bạn sẽ do chủ lao động hay Centrelink chi trả.

• Dad and Partner Pay

Dad and Partner Pay (Tiền trả cho người Cha và Người phối ngẫu) là khoản thanh toán một lần nếu bạn là người cha hay người phối ngẫu đang nghỉ phép không hưởng lương để giúp chăm sóc cho đứa con mới của mình.

Nếu đủ điều kiện, người cha có thể nhận được khoản tiền ở mức National Minimum Wage (Lương Tối thiểu Toàn quốc) trong khoảng thời gian lên đến 2 tuần.

Dad and Partner Pay (Tiền trả cho người Cha và Người phối ngẫu) là khoản có áp thuế.

Những đối tượng được nhận trợ cấp

  • Cha ruột của trẻ.
  • Là người phối ngẫu của người mẹ sinh ra trẻ.
  • Phụ huynh nhận con nuôi hay người phối ngẫu của một phụ huynh nhận con nuôi, hoặc cá nhân đang chăm sóc một đứa trẻ sinh ra theo một hợp đồng mang thai hộ và đang chăm sóc cho một trẻ sơ sinh hay trẻ mới được nhận nuôi.
  • Thu nhập cá nhân của năm tài khoán gần nhất dưới $150,000.
  • Không làm việc hay không nghỉ phép hưởng lương trong thời gian nhận Dad and Partner Pay.
  • Đã làm việc đủ theo quy tắc và thỏa mãn các điều kiện về cư trú.
(Ảnh: telegraph.co.uk)

Người cha có thể nhận Dad and Partner Pay vào bất cứ thời điểm nào trong vòng 52 tuần từ khi trẻ sinh ra hay được nhận nuôi.

Centrelink sẽ trả trực tiếp một lần vào trương mục ngân hàng do bạn chỉ định.

Lưu ý: Để được nhận Parental Leave Pay (Tiền trả Nghỉ Nuôi con) hay Dad and Partner Pay (Tiền trả cho người Cha và Người phối ngẫu), bạn cần phải làm việc đủ ít nhất 330 tiếng, hay khoảng 1 ngày một tuần trong vòng 10 tháng trên tổng thời gian 13 tháng.

2, Hỗ trợ cho cha mẹ sinh con không đi làm

Bạn có thể đủ điều kiện nhận Newborn Upfront Payment (Thanh toán trước cho Trẻ sơ sinh) và Newborn Supplement (Trợ cấp Sơ sinh) nếu bạn đang nhận Family Tax Benefit Part A (Trợ cấp Thuế Gia đình Phần A).

Newborn Upfront Payment (Thanh toán trước cho Trẻ sơ sinh)

Đây là khoản thanh toán một lần, với $ 550 mỗi đứa trẻ và không phải chịu thuế.

Newborn Supplement (Trợ cấp Sơ sinh)

  • Đây là một khoản thanh toán liên tục trong tối đa 13 tuần và không phải chịu thuế.
  • Số tiền cha mẹ nhận được tùy thuộc vào số lượng con quý vị có và thu nhập của gia đình.
  • Đối với đứa con đầu lòng của bạn, tổng số tiền tối đa có thể nhận được là $ 1,649,83 trong 13 tuần. Đối với những đứa trẻ tiếp theo, tổng số tiền tối đa là $ 550,55 trong 13 tuần.

3, Hỗ trợ nuôi con

Parenting Payment là trợ cấp lợi tức dành cho cha mẹ hoặc người giám hộ để phụ chi phí nuôi dưỡng con cái.

Điều kiện:

  • Bạn độc thân và nuôi dưỡng ít nhất một đứa trẻ dưới tám tuổi, hoặc có người phối ngẫu và nuôi dưỡng ít nhất một đứa trẻ dưới sáu tuổi.
  • Thu nhập và tài sản của cả bạn lẫn của người phối ngẫu (nếu có) thấp hơn mức nhất định.
  • Đáp ứng các yêu cầu về tình trạng cư trú.
  • Có thể đáp ứng các yêu cầu tham gia nếu cần thiết.
(Ảnh: Whole Kids)

Khoản Parenting Payment bạn được nhận phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, trắc nghiệm lợi tức và tài sản của cả bạn lẫn của người phối ngẫu (nếu có). Tài sản là bất kỳ tài sản hoặc của cải nào cha mẹ sở hữu một phần hoặc toàn bộ, bao gồm tài sản ở nước ngoài và các khoản nợ người khác còn thiếu với bạn.

Bạn có nhu cầu tìm hiểu mức trợ cấp mới nhất, có thể truy cập vào trang: humanservices.gov.au/parentingpayment.

4, Hỗ trợ về chi phí giữ trẻ

Child Care Subsidy là hỗ trợ chi phí dịch vụ trông giữ trẻ được công nhận. Nếu bạn có đủ các điều kiện cần có, Centrelink sẽ trả trực tiếp tới nhà cung cấp dịch vụ trông trẻ của bạn để giảm khoản phí quý vị phải trả.

Cha mẹ phải có các điều kiện dưới đây:

  • Chăm sóc một trẻ từ 13 tuổi trở xuống mà không đang học trung học, trừ phi có trường hợp ngoại lệ được áp dụng.
  • Sử dụng một dịch vụ trông trẻ được công nhận, gánh trách nhiệm trả phí cho dịch vụ trông trẻ, thoả mãn các yêu cầu về cư trú và chủng ngừa.
  • Để đạt các yêu cầu về cư trú, bạn hay người phối ngẫu phải đang sinh sống tại Úc và thuộc một trong các diện: là công dân Úc hay có chiếu khán thường trú, mang chiếu khán Special Category, hoặc mang một loại chiếu khán tạm trú nhất định, ví dụ, chiếu khán Partner Provisional hay chiếu khán Temporary Protection.
  • Bạn cũng có thể thỏa mãn các điều kiện về cư trú nếu bạn hay người phối ngẫu là du học sinh, được Chính phủ Úc bảo trợ để học tập tại Úc, hoặc bạn đang gặp khó khăn hay một tình huống đặc biệt áp dụng.

Giá trị của khoản Child Care Subsidy mà cha mẹ đủ điều kiện nhận sẽ phụ thuộc vào:

  • Thu nhập của gia đình
  • Mức trần theo giờ dựa trên loại hình trông giữ trẻ được công nhận mà bạn đã sử dụng và tuổi của con.
  • Số giờ mà bạn và người phối ngẫu dành cho các sinh hoạt được thừa nhận.

Centrelink sẽ sử dụng khoản ước tính thu nhập gia đình của bạn để tính phần trăm phí mỗi giờ mà Centrelink sẽ hỗ trợ.

Số giờ được hỗ trợ trông trẻ mà bạn có thể nhận dựa vào số giờ bạn dành cho các sinh hoạt được thừa nhận trong mỗi hai tuần.

(Ảnh: tablettoddlers.com)

Những sinh hoạt được thừa nhận: công việc có thu nhập – bao gồm nghỉ phép, như nghỉ thai sản; học tập và huấn nghệ; công việc không thu nhập trong doanh vụ gia đình; đang kiếm việc làm; tình nguyện; kinh doanh tự do và các hoạt động khác xét theo từng trường hợp.

Các bậc phụ huynh không thoả mãn các điều kiện của kiểm tra sinh hoạt với lí do chính đáng sẽ được ngoại lệ để hỗ trợ trẻ đi học mầm non.

Để giảm thiểu khả năng trả thừa, cứ hai tuần, Centrelink sẽ giữ lại 5% thuộc Child Care Subsidy của bạn. Vào cuối mỗi năm tài chính, Centrelink sẽ cân đối khoản thanh toán của bạn. Centrelink làm điều này bằng cách so sánh dự toán thu nhập với thu nhập thực tế của bạn.

5, Hỗ trợ giảm thuế từ chính phủ để nuôi con

Family Tax Benefit là khoản thanh toán có hai phần giúp hỗ trợ chi phí nuôi con.

Family Tax Benefit Part A

Là khoản được trả cho mỗi trẻ em. Số tiền cha mẹ nhận được tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình bạn. Nếu bạn chăm sóc một đứa trẻ trước khi lên một tuổi, hoặc cha mẹ nhận con nuôi ở bất kì lứa tuổi nào thì cha mẹ có thể được gia tăng khoản Family Tax Benefit Part A. Khoản này được gọi là Newborn Upfront Payment và Newborn Supplement.

Điều kiện

Bạn có thể đủ điều kiện cho Family Tax Benefit Part A nếu bạn chăm sóc cho một đứa trẻ phụ thuộc: dưới 15 tuổi, hoặc 16 đến 19 tuổi, và đang học tập toàn thời gian trong một khóa học được phê duyệt hướng đến năm lớp 12 hoặc bằng tương đương với một khối lượng học tập chấp nhận được, hoặc đã được miễn trừ các yêu cầu giáo dục.

Nếu bạn đủ điều kiện để nhận Family Tax Benefit Part A đối với trẻ em phụ thuộc trong độ tuổi từ 16 đến 19 thì quý vị có thể nhận được thanh toán cho đến cuối năm dương lịch, khi trẻ đủ 19 tuổi, nếu chúng tiếp tục học toàn thời gian.

Family Tax Benefit Part B

Khoản này trợ giúp thêm cho cha mẹ đơn thân, người chăm sóc không phải cha mẹ (kể cả ông bà) và các cặp vợ chồng có một người có thu nhập chính. Yêu cầu của bạn sẽ được kiểm tra thu nhập và số tiền bạn nhận được sẽ tùy thuộc vào độ tuổi con út của bạn.

Trong một số trường hợp, cha mẹ có thể chia sẻ sự chăm sóc của một đứa trẻ. Nếu bạn đang ở trong tình huống này, bạn vẫn có thể đủ điều kiện nhận một khoản Family Tax Benefit cho đứa trẻ nếu bạn chăm sóc cho chúng ít nhất 35% thời gian.

Điều kiện

Bạn có thể đủ điều kiện cho Family Tax Benefit Part B nếu bạn chăm sóc trẻ em phụ thuộc dưới 13 tuổi.

Nếu bạn là cha mẹ đơn thân, ông bà hoặc cụ cố chăm sóc trẻ thì bạn có thể đủ điều kiện được hưởng Family Tax Benefit Part B nếu đứa trẻ mà bạn chăm sóc: dưới 16 tuổi, hoặc là học sinh trung học toàn thời gian, cho đến cuối năm dương lịch mà các em tròn 18 tuổi.

Việc học ở nhà đối với trẻ em từ 16 đến 19 tuổi không đáp ứng được các yêu cầu học tập để được hưởng Family Tax Benefit.

Để biết thêm thông tin, bạn có thể tham khảo:

• Truy cập humanservices.gov.au/ để có thêm thông tin bằng tiếng Anh

• Truy cập humanservices.gov.au/yourlanguage để có thể đọc, nghe hay theo dõi thông tin bằng tiếng Việt

• Gọi tới số 131 202 để nói chuyện với centrelink bằng ngôn ngữ của quý vị về các khoản trợ cấp và dịch vụ của Centrelink.

Theo SBS Vietnamese

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments