Tâm sự: Định cư Úc sắp tới liệu có khó khăn?

0

(Bài viết này là những suy nghĩ gần đây của Phuong dựa trên tình hình hiện tại – dịch bệnh, chính trị của Úc – Trung và kinh tế chính trị của Úc – cuối tháng 6 năm 2020 và có thể không đúng trong thời điểm khác.)

Phuong rất có duyên với các anh chị hơi lớn tuổi, có chút sự nghiệp, chút vốn liếng chút tiếng Anh và bắt đầu có xu hướng tìm hiểu việc định cư Úc. (ừ đây, Phuong sẽ đề cập các anh chị bằng đại từ MÌNH).

Nhóm đối tượng này có lợi thế không đè bẹp nổi là: Kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống và chút tiền bạc. Đã có rất nhiều anh chị thành công khi nộp hồ sơ định cư Úc diện tay nghề từ Việt Nam khi tuổi đã kha khá. Những ca thành công này trở thành niềm khích lệ lớn lao của nhiều anh chị khác.

Có nhiều sắc dân (từng) muốn sang Úc đi làm hoặc định cư, bao gồm cả Anh, Mỹ, Canada, các nước Châu Âu và dĩ nhiên là các nước đang phát triển khác.

Hôm kia, có 1 chị Tiến sĩ đang ở Châu Âu inbox hỏi thăm này nọ, chị có vẻ muốn chờ cơ hội để nộp 190, Phuong khuyên nộp luôn 491 vào Nam Úc liền luôn trước 20/6 – khi còn có thể, trước khi quá muộn, khi mà nó đóng luôn không nhận nữa. Nếu tương lai chính sách không như Phuong dự nghĩ thì mong chị không quay lại trách, vì mình khuyên không vụ lợi, không lấy đồng tiền nào, và nếu mình ở vị trí của chị, Phuong sẽ làm y như vậy.
Cho nên, Phuong nghĩ chuyện hôm qua có thể không còn xài được cho ngày hôm nay hay ngày mai nữa.

A. Lý do vì sao việc đi định cư Úc sắp tới cho MÌNH là khó khăn:

Phải nói là có nhiều sắc dân (từng) muốn sang Úc đi làm hoặc định cư, bao gồm cả Anh, Mỹ, Canada, các nước Châu Âu và dĩ nhiên là các nước đang phát triển khác. Lâu lắm trước đây thì Úc có những chính sách tuyển dụng dân định cư, được biết đến nhưng là White Policy (2) hoặc 10 Pound Tourists (3) thì những dân da trắng có những ưu đãi đặc biệt khi đến Úc.

Nhưng sau này, thì để định cư Úc, tất cả mọi người đều phải qua 1 quy trình giống y chang nhau. Chỉ có điều dân UK, US vào Úc thì được miễn điều kiện về tiếng Anh. Nhưng nếu để cộng điểm vào Bảng tính điểm định cư (4), thì họ vẫn phải vác xác đi thi IELTS/PTE như thường.

Nói xa, mình cạnh tranh với các bạn nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, hoặc họ sinh trưởng trong một đất nước mà có nhiều hệ thống vận hành giống nước Úc, họ có khả năng hòa nhập dễ dàng hơn hẳn, và cũng dễ được chấp nhận hơn hẳn MÌNH.

Đã có rất nhiều anh chị thành công khi nộp hồ sơ định cư Úc diện tay nghề từ Việt Nam khi tuổi đã kha khá.

Nói gần, mình cạnh tranh với người nhà và các dân đến từ các nước đang phát triển. Các bạn trẻ 8x đời cuối, 9x và 20x hiện rất là giỏi. Nếu các bạn này được ba mẹ cho đi du học Úc, thì thường sẽ có nhiều cơ hội định cư Úc hơn MÌNH. Các điểm nó hơn MÌNH là:
1. Tuổi nó trẻ, nó được điểm tuổi max 30 điểm, trong khi 40-44 tuổi mình chỉ có 15 điểm.
2. Tụi nó độc thân, tụi nó có thêm 10 điểm.
3. Tụi nó học giỏi, việc thi ielts 7 đều ( 10 điểm) hay PTE79+ ( 20 điểm) đối với mấy em nó là có thể. Còn MÌNH – nhiều khi nói luôn là không thể.
4. Tụi nó du học ở Úc+ 5 điểm nếu học ở thành phố lớn, và +10 điểm nếu nó học ở các thành phố nhỏ.

Sơ qua, thì thấy thang điểm định cư Úc với điểm sàn 65 điểm thì mấy em nó hơn mình 15+10+20+10 là 55 điểm luôn rồi.

Khi dịch Covid-19 xảy ra:

  • Úc cấm nhập cảnh cho người không có quốc tịch và có quyền thường trú Úc tới giờ, các visa tạm khác (du lịch, du học, đi làm, 489, 491, hôn thê diện mới đính hôn, …) đều bị hoãn hoặc là chưa được xem xét, hoặc là đã được duyệt nhưng không được bay vào Úc.
  • Cũng như mọi nơi khác, các doanh nghiệp, hàng quán, hãng xưởng đóng cửa, trì trệ chuỗi cung ứng, nhiều, rất nhiều người bị thất nghiệp. Dẫu họ thất nghiệp vẫn đỡ hơn mình vì có những chính sách hỗ trợ từ nhà nước (5) nhưng để hồi phục nền kinh tế và khôi phục lại việc làm cho những người thất nghiệp, cũng như giải quyết thâm hụt ngân quỹ, là một câu chuyện dài rất dài mà còn đang rất khủng hoảng vì cớ Úc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, mà Trung Quốc đang cố làm cho du học sinh Trung Quốc không còn muốn qua Úc nữa (6). Úc thiếu du học sinh Trung Quốc là coi như các trường đại học mất nguồn thu chính, thị trường nhà đất mất đối tượng khách hàng chính, chưa kể mất nguyên package ăn chơi, tiêu dùng của nhóm con cưng này nữa.
  • Các tin tức phong phanh thì đồn đoán việc cắt giảm lấy di dân vào, vì thực ra chính sách di dân mục đích chính là vì Úc thiếu lao động. Nếu hiện tại, lao động đang quá dư thừa (thất nghiệp) thì không có lý do gì mang dân thêm vô làm cho hệ thống y tế, giáo dục phổ thông (child care, primary schools) bị quá tải.
Visa 482 cũng có loại có thể định cư vĩnh viễn tùy nghề, tùy chủ, và tùy khả năng tiếng Anh của người nộp.

B. Giải pháp cân bằng

Vậy thì, điều gì mình có thể làm bây giờ? Đó là mình cần suy nghĩ khác đi.
Mình cũng cần chấp nhận rằng có những mơ ước mình không thể làm được.
Điều mình có thể làm được là cân bằng cuộc sống sao cho gia đình hòa hợp, con cái được chăm sóc đúng mức, vợ chồng yêu thương, san sẻ và dành nhiều thời gian cho nhau. Điều này mình ở đâu mình cũng làm được bất kể địa lý, nếu mình muốn làm.

Nên, nếu MÌNH:
+ Có đủ khả năng tài chính, và
+ Mong muốn định cư Úc lâu dài nhưng chưa hoặc không làm được,
+ Rất mong muốn con mình học ở môi trường thiệt tốt
MÌNH nên thử xem xét việc sang Úc đi du học. MÌNH đi học. Những lợi ích khi MÌNH bỏ ra 40-80k Úc cho 2 năm du học Úc:

  • 1. MÌNH và cả gia đình có thể có visa 4-6 năm ở Úc.
  • 2. MÌNH có 1 cái Bằng của Úc
  • 3. Trong 2 năm mình học, vợ/chồng mình được đi làm, con được đi học với học phí ưu đãi.
  • 4. Sau khi MÌNH học xong, MÌNH và cả nhà sẽ nộp được 1 visa hậu du học ( 485) từ 2-4 năm tùy nơi bạn chọn học. Trong suốt thời gian này, con MÌNH được học miễn phí ( lớp 1-12), cả 2 vợ chồng đều có quyền đi làm thoải mái.
  • 5. Con mình được học ở một môi trường tốt, hơn hẳn giải pháp cho con học trường quốc tế tại VN hoặc gửi con đu du học. Được cả gia đình ở bên nhau. Được ở bên cạnh con MỖI NGÀY, nhìn thấy nó, nấu cho nó ăn, nhìn nó ngủ và biết nó học cái gì, chơi với ai.
  • 6. Nếu thời cơ thuận lợi, MÌNH được hưởng những chính sách ưu đãi về định cư (7)
    Ví dụ, nếu bạn cho con đi du học, học phí của cháu có thể là 15-25k/năm. Ngoài tiền này ra, tiền ăn ở, sinh hoạt phí cũng tầm 20k nữa nếu tiết kiệm. Bạn có bao nhiêu con cứ nhân lên và nhân số năm con bạn cần đi học, ý là nó đi du học lớp 8 thì bạn nuôi nó 5 năm. Mà đâu phải xong lớp 12 là xong.
“Hiện tại, mình nghĩ là thời điểm khá tốt để nộp hồ sơ du học” – chị Phuong Nguyen Thanh nói.

Trong thời gian ở Úc, vợ hoặc chồng ngoài giờ học, hoặc sau 2 năm học, nếu có định hướng định cư dạng 482 ( là loại qua đi làm, có chủ bão lãnh, mà tại Việt Nam có nhiều dịch vụ quảng cáo giá lên tới cả 4 tỷ). Nếu đầu tư học thêm hoặc/và làm trong 1 nghề xin được visa 482 ( dự phòng) khi hết 4-6 năm nói trên như là 1 giải pháp kéo dài để chờ con khôn lớn. Visa 482 cũng có loại có thể định cư vĩnh viễn tùy nghề, tùy chủ, và tùy khả năng tiếng Anh của người nộp.

Phuong sẽ giả định 1 tình huống cho dễ hiểu:

Vợ, 40 tuổi, nộp visa du học Thạc sĩ tại Adelaide. Cả nhà đi theo, chồng 42 tuổi, 2 con lớp 1 và lớp 7. Khi chị học xong thì 42 tuổi. Nếu tìm hướng định cư tay nghề ( 491/190/189) thì tùy nghề, tùy điểm, và tùy theo chính sách lúc đó của các tiểu bang và của Liên Bang Úc. Trong thời gian vợ học, chồng đi làm công nhân trong 1 hãng mổ thịt bò full-time ( việc lựa job này cũng quan trọng lắm, rất nên có 1 sự tư vấn đáng tin cậy).

Sau khi học xong, cả gia đình nộp visa 485, được cho ở lại 3 năm. Hai con học lớp 3 và lớp 9, như dân địa phương, nghĩa là không bị đóng tiền học trong suốt 3 năm nếu học trường công lập.

Thời gian này, chị không kiếm được việc làm đúng nghề. Nhưng bán hàng siêu thị Châu Á. Nên không xin được visa ở lại theo tên mình được sau 3 năm thêm này. Lúc này chị 45 tuổi, chồng 47 tuổi, cả hai đều quá tuổi quy định. Hai con học lớp 6 và lớp 12.

Lúc này chồng chị đã làm hãng giết mổ thịt được gần 5 năm, và được chủ yêu mến, họ quyết định bảo lãnh anh ở lại làm cho họ thêm. Anh có thể nộp visa 482 (dĩ nhiên cùng cả gia đình) để ở lại đi làm (mà không cần tốn 4 tỷ). Visa này 2 năm hoặc 4 năm, và có thể gia hạn tùy ngành nghề. Sau 2 năm này, 2 con sẽ học lớp 8 và đại học năm 2. Vợ 47 chồng 49.

Mình chỉ ví dụ, nếu mình không thể định cư được, hãy xem đó là một chuyến đi du lịch dài hạn, trải nghiệm văn hóa, môi trường mới. Bản thân và gia đình sẽ trưởng thành theo nhiều hướng tích cực.

Lúc này, nếu 2 vợ chồng quyết định về, để 2 con ở lại học tiếp. Tụi nó đã tiếp cận nước Úc từ lớp 1 và lớp 7, nên nó hòa nhập nhanh, tiếng Anh giỏi, xin việc làm dễ, sẽ tìm PR/Citizenship dễ hơn ba mẹ nó nhiều. Một trong 2 đứa có PR, thì có thể bảo lãnh anh chị qua Úc diện con bảo lãnh cha mẹ.

Hiện tại, mình nghĩ là thời điểm khá tốt để nộp hồ sơ du học. Úc đang cần du học sinh quốc tế. Trong khi dự kiến lượng khách hàng chính và lớn nhất là Trung Quốc sẽ giảm vô cùng đáng kể.

Ngoài ra, không biết mọi người có để ý không, mình càng ‘già’, đôi khi lại giúp mình đậu visa dễ hơn vì mình tranh luận được là mình muốn qua đi học và ở lại ngắn hạn thật tình ( chứng mình GTE). Thử hỏi, xin đi học lúc 44 tuổi thì làm gì có cửa được định cư diện skilled nữa.

Phuong viết bài phân tích này hơi lâu rồi, các bạn có thể đọc tham khảo, nhưng số liệu có thể không còn cập nhật

Adelaide, 17/06/2020

Các giải thích:
(1) Visa 190 tốt hơn 491. Visa 190 là mình có mọi quyền lợi như công dân Úc nhưng chưa được đi bầu cử – tiếng thông dụng gọi là Thường trú Nhân – Permanent Resident (PR). Visa 491 là visa thử thách, mình cần ở 1 nơi vắng dân+ vợ hoặc chồng đi làm có thu nhập chịu thuế theo quy định trong 3 năm thì mình trưng bằng chứng để xin PR.

(2) White Policy: https://en.wikipedia.org/wiki/White_Australia_policy

(3) Ten Pound Tourists: Giai đoạn mà những người đang ở Anh, muốn qua Úc thử sống 2 năm xem có sống được không, họ sẽ đóng 10 bảng Anh, để được chính phủ thu xếp mua vé máy bay qua Úc. Nếu họ ở được đủ 2 năm, thì họ muốn ở luôn, hay muốn về Anh lại thì tùy. Nếu họ về sớm hơn 2 năm, thì họ phải trả lại cho chính phủ tiền vé máy bay họ đã mua cho họ bay qua, và tự mua vé mà về. (kiểu như đi du lịch 2 năm với giá 10 bảng Anh. https://en.wikipedia.org/wiki/Ten_Pound_Poms

(4) Bảng điểm định cư – Point Test: https://immi.homeaffairs.gov.au/help-support/tools/points-calculator

(5) Các hỗ trợ của Úc: có 2 gói cứu trợ chính là JobSeeker cho người thất nghiệp, mất việc, hoặc bị giảm giờ làm: được khoảng $550/tuần. JobKeeper cho chủ doanh nghiệp, để họ có khả năng duy trì dòng tiền trả lương để giữ chân lao động. Chính phủ hỗ trợ cho mỗi nhân viên 750/tuần. Chủ dùng nó trả nguyên vẹn cho nhân viên. Nếu nhân viên đó trước đây lương chỉ có 300/tuần, thì giờ cũng được 750/tuần. Cái này giống bao cấp nè. Ngoài ra, có nhiều điều nhỏ nhặt khác mà người học và làm về xã hội như mình thấy rất đáng ghi nhận. Ví dụ 1: Công ty bảo hiểm sức khỏe tư Bupa thông báo mình nó tăng phí bảo hiểm gia đình mình từ $58/tuần lên $66/tuần kể từ ngày 1/04/2020. Tới hồi dịch xảy ra, ai cũng khó khăn, nó tự email báo, do ai cũng khó khăn, nên nó hoãn, không tăng tiền, giữ nguyên giá cũ thêm 6 tháng nữa rồi tính tiếp. Ví dụ 2: Ở đây phần đa mọi người mượn tiền để mua nhà. Họ trả tiền vốn + lãi mỗi tuần/tháng tùy chọn, trong 15-25-30 năm. Đợt dịch này, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, và cũng cho mọi người tạm dừng trả tiền trong 6 tháng. (dĩ nhiên, nó vẫn tính tiền lời dồn vô để đó).

(6) Trong và sau vụ dịch, có nhiều ca được báo là có sự kỳ thị Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc gia tăng ở Úc và Châu Âu. Điều này có thật. Hiện tại chính quyền TQ mỗi này bơm lên sự kỳ thị và nguy hiểm lên quá độ, để các gia đình sợ con mình bị nguy hiểm, bỏ ý định cho con qua Úc học tiếp. Mọi người đồn đoán TQ trả đũa thế giới và Úc bằng đòn này và nhiều thứ khác.

(7) Cái này dài dòng, và tùy tình huống. Xin mời liên lạc với luật sư/ đại diện di trú uy tín. Mình KHÔNG có làm về visa du học.

Nguồn: FB Phuong Nguyen Thanh