“Character requirement” – “yêu cầu nhân cách” là một phần quan trọng trong đơn xin visa hôn nhân. Không chỉ riêng người nộp đơn, mà kể cả người bảo lãnh phải đáp ứng yêu cầu này.
Vào cuối năm 2016, Bộ Di Trú Úc đã thay đổi luật, yêu cầu tất cả người bảo lãnh đều phải đáp ứng được yêu cầu về nhân cách mới có thể bảo lãnh vợ/chồng của mình theo diện hôn nhân. Cụ thể, người bảo lãnh không được phạm một số tội nhất định trái với luật Úc và luật nước ngoài. Lý do Bộ Di Trú đưa ra thay đổi này là để bảo vệ người nộp đơn cũng như cộng đồng Úc.
Bài viết này, Di Trú Đào Nguyễn sẽ đem đến tất cả thông tin mà bạn cần biết về những loại tội sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ bảo lãnh vợ/chồng.
Contents
Những tội mà người bảo lãnh phạm được chia làm 2 loại: Registrable Offence và Relevant Offence
1. Registrable Offence:
Đây là loại hình phạm tội liên quan đến trẻ em.
Đối với hồ sơ visa có bao gồm con của vợ/chồng dưới 18 tuổi, nếu người bảo lãnh đã từng phạm tội liên quan đến trẻ em, bao gồm: bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, hoặc những tội liên quan đến trẻ em, thì đơn xin bảo lãnh sẽ bị từ chối. Đây là một trong những loại tội rất nghiêm trọng. Cho dù người bảo lãnh có bị phạt tù hay không, thì đơn xin bảo lãnh vẫn bị từ chối.
2. Relevant offence
Relevant offence là tội chống lại luật pháp của Úc hoặc nước ngoài, bao gồm:
- Bạo lực, bao gồm giết người, hành hung, tấn công tình dục hoặc đe dọa bạo lực
- Quấy rối, lạm dụng tình dục, đe dọa hoặc rình rập
- Vi phạm án lệnh bạo lực (AVO) hoặc án lệnh tương tự
- Sử dụng súng hoặc các loại vũ khí nguy hiểm khác
- Buôn người, buôn bán người, nô lệ (kể cả hôn nhân cưỡng ép), bắt cóc hay giam giữ trái pháp luật
- Cố gắng để thực hiện bất kỳ những hành vi phạm tội trên
- Giúp đỡ, tiếp tay, tư vấn hoặc cố gắng để phạm các tội trên
Nếu người bảo lãnh phạm các tội trên (relevant offence) với án tù chung thân, hoặc từ 12 tháng trở lên, hoặc tổng cộng các lần có án tù là 12 tháng trở lên thì đơn xin bảo lãnh sẽ bị từ chối.
Bộ Di Trú kiểm tra những tội đã phạm như thế nào?
Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, Bộ Di Trú sẽ yêu cầu người bảo lãnh cung cấp “police check” của những nước mà người bảo lãnh đã sinh sống trên 12 tháng trong 10 năm qua.
Nếu ở Úc, Bộ Di Trú sẽ yêu cầu AFP National Police Check. Nếu người bảo lãnh sống tại Việt Nam trên 12 tháng, Bộ Di Trú sẽ yêu cầu Phiếu Lý Lịch Tư Pháp Số 2.
Làm sao để đơn bảo lãnh được chấp nhận khi đã từng phạm tội?
Đối với tội “Registrable Offence” liên quan đến trẻ em, có những điều khoản xin miễn để được cấp quyền bảo lãnh.
Nếu người bảo lãnh phạm tội đã trên 5 năm, đã thụ án, kể từ khi thụ án không còn tái phạm, và chứng minh được lý do bắt buộc ảnh hưởng đến người bảo lãnh/người nộp đơn, thì Bộ Di Trú có thể bỏ qua phần phạm tội và chấp nhận đơn bảo lãnh.
Tuy nhiên, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng mà Bộ Di Trú sẽ xem xét có nên bỏ qua việc phạm tội và chấp nhận đơn hay không. Và việc đưa ra lý do bắt buộc để thuyết phục Bộ Di Trú là không hề đơn giản.
Đối với tội “Relevant Offence”, nếu như người bảo lãnh thụ án tù dưới 12 tháng thì đơn bảo lãnh không bị từ chối.
Nếu án tù trên 12 tháng, người bảo lãnh phải đưa ra các lý do thuyết phục bao gồm: khoảng thời gian kể từ thời điểm người bảo lãnh ra tù đến thời điểm nộp đơn bảo lãnh, lợi ích/quyền lợi của trẻ em (con của người bảo lãnh và người nộp đơn), thời gian mối quan hệ giữa người bảo lãnh và người nộp đơn.
Thông thường, nếu người bảo lãnh phạm phải những tội trên và bị Bộ Di Trú yêu cầu giải trình thì đương đơn không nên đánh giá thấp về mức độ phức tạp của hồ sơ. Người bảo lãnh nên tìm đến những văn phòng di trú có kinh nghiệm để được hỗ trợ. Việc xin miễn phần phạm tội để đơn bảo lãnh được chấp nhận là không hề đơn giản. Bởi vì đây là một trong những loại hồ sơ thuộc dạng phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao trong việc viết đơn giải trình và biện hộ.
Nếu bạn đang ở trong tình trạng như trên và cần sự hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ Di Trú Đào Nguyễn để được hỗ trợ: www.ditrudaonguyen.com | Phone: 0459989898.
Di Trú Đào Nguyễn chuyên giải quyết những hồ sơ phức tạp & bế tắc liên quan đến visa hôn nhân & khiếu nại visa.
[…] Visa hôn nhân: Phạm tội gì thì bị cấm bảo lãnh vợ/chồng? […]