Vietucnews – Nhiều sinh viên Úc đang phải đối mặt với một cuộc sống khó khăn bởi áp lực chi phí sinh hoạt và nhà ở, vậy một tấm bằng đại học có đáng để thêm vào “gánh nặng” đó không?
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, những người trẻ Úc đang tự trói buộc mình vào các khoản vay sinh viên khổng lồ để lấy tấm bằng đại học, điều mà gần một nửa số sinh viên tin rằng là sự lãng phí tiền bạc.
Trong nghiên cứu, 55% số người tham gia nghĩ tấm bằng của họ là một sự lãng phí vì khoản vay sinh viên sẽ mất rất nhiều thời gian để trả hết; 19% cho rằng họ không được chuẩn bị đầy đủ cho công việc sau khi tốt nghiệp; 16% cho biết họ sẽ học được nhiều hơn ở nơi làm việc và 10% nghĩ rằng tiêu chuẩn giáo dục là chưa đủ cao.
Judy Sahay được học hành đàng hoàng và có một công việc giống như bao người Úc hiện đại: học đại học, theo đuổi đam mê, nhưng 10 năm sau, cô nhận thấy công việc của mình không liên quan đến con đường cô chọn ban đầu.
Và giờ đây, thật đau đớn khi cô tin rằng khoản vay khổng lồ từ Chương trình hỗ trợ giáo dục bậc cao ở Úc (HECS) trị giá 110.000 đô la là một sự lãng phí tiền bạc.
Theo công ty cung cấp hỗ trợ học thuật trực tuyến Studiosity, nhiều người có cùng sự tiếc nuối như Sahay, với gần một nửa số người Úc nói rằng họ đã không cho rằng bằng cấp của họ đáng giá như vậy.
Là một người giỏi về toán học và khoa học, cô đã hoàn thành bằng Cử nhân Kỹ thuật Hóa học cũng như Cử nhân Khoa học về hóa học vào cuối năm 2008 tại Đại học Monash ở Melbourne.
Sau đó, cô đã đi làm nhưng thấy vai trò của một kỹ sư hóa học quá đơn độc và thiếu sáng tạo.
Điều này dẫn đến dấu mốc sự nghiệp đầu tiên của cô khi được công ty tư vấn Grant Thornton thuê, nhưng công ty yêu cầu cô học thêm, vì vậy cô đã lấy thêm một bằng sau đại học về kế toán.
Cô Sahay sau đó đã từ bỏ sự nghiệp kế toán để thành lập công ty truyền thông kỹ thuật số của riêng mình và đã từng là giám đốc điều hành của Crowd Media trong 5 năm.
Mặc dù sự nghiệp của cô đã thay đổi mà không thể dự đoán trước và cô đánh giá cao việc giáo dục đã cho phép cô tiến xa như ngày hôm nay, Sahay nói rằng cô “đã không cần thiết phải trả 110.000 đô la để học những kỹ năng đó”.
“Tôi không nghĩ học đại học là một sự lãng phí, nhưng tôi nghĩ rằng việc học các bằng cấp đó là một sự lãng phí tiền bạc và thời gian bởi vì nếu tôi biết những gì tôi muốn làm, tôi sẽ không học để lấy những bằng đó”, cô nói.
“Một trong những điều ở tuổi 18 khi bạn không biết bạn sẽ làm gì là bạn chỉ cần chọn một cái gì đó và cắm đầu theo kiểu: đúng, tôi muốn làm kỹ thuật, nó nghe có vẻ hay đấy”.
Giám đốc học thuật của Studiosity, Giáo sư Judyth Sachs, nói rằng nghiên cứu cho thấy người Úc bị chia rẽ về tư duy liên quan đến giá trị của giáo dục đại học.
“Tuy nhiên, một điều thú vị là các dữ liệu tiết lộ rằng một số lượng đáng kể sinh viên không chỉ học đại học đơn thuần để nhận bằng cấp mà còn phát triển và cải thiện kỹ năng sống và các kỹ năng mềm liên quan đến làm việc nhóm và tổ chức”, cô nói.
Studiosity cho biết thường thì các sinh viên tỏ ra không hài lòng trước chi phí học tập tăng cũng như sự hỗ trợ và phản hồi trong học tập không đầy đủ.
Giám đốc điều hành của Studiosity, Michael Larsen, cho biết các cơ sở giáo dục đang cam kết đầu tư để cải thiện sự hài lòng của các sinh viên nghèo.
“Khi các trường đại học phản hồi ý kiến này và thực hiện các sáng kiến phù hợp, mức độ trải nghiệm của sinh viên sẽ tăng lên. Điều này trở nên ấn tượng khi các dữ liệu cho thấy 77% sinh viên nói rằng một tấm bằng đại học cho họ những thứ như mong đợi hoặc thậm chí tốt hơn mong đợi”, ông nói.
Sahay muốn những người Úc trẻ hiểu rõ về cách họ muốn công việc của mình như thế nào trước khi “đăng ký” một cuộc sống nợ nần.
“Tôi thực sự tin rằng bằng đại học ở Úc cung cấp cho người học một nền tảng giáo dục chất lượng tốt, tuy nhiên, tôi nghĩ bạn cần phải thực sự xác định rõ sự nghiệp bạn muốn theo đuổi trong khoảng thời gian 10 đến 20 năm tới”, cô nói.
“Bạn phải nhìn vào bức tranh tổng thể và xác định những thứ bạn phải học bây giờ để đi đến con đường đó”.
Nguồn: news.com.au