Cơn “cuồng sữa” của Trung Quốc tác động tiêu cực đến môi trường trên thế giới

0
319

Vietucnews – Chính phủ Trung Quốc coi việc thiêu thụ sữa là biểu tượng cho một xã hội phát triển, khỏe mạnh, nhưng kế hoạch tăng gấp 3 lượng tiêu thụ sản phẩm này đang khiến môi trường thế giới phải trả cái giá rất đắt.

Uống sữa để giúp đất nước cường thịnh

Anh Jian Yi (43 tuổi, sống tại Bắc Kinh) vẫn còn nhớ như in thời kỳ thập niên 1990 khi truyền hình tràn ngập những quảng cáo về uống sữa. Khi đó mọi người được tuyên truyền rằng uống sữa sẽ cứu đất nước, khiến Trung Quốc trở nên cường thịnh hơn và sánh vai cùng các quốc gia khác.

Tuy vậy, 95% người Trung Quốc như anh Jian khó tiêu hóa Lactose trong sữa. Cha mẹ của anh Jian chưa bao giờ uống sữa thời niên thiếu trong khi cả một thế hệ Trung Quốc chẳng biết mấy đến mùi sữa qua những năm tháng bao cấp.

Chính phủ Trung Quốc coi việc thiêu thụ sữa là biểu tượng cho một xã hội phát triển, khỏe mạnh.

Trên thực tế, bữa ăn truyền thống của người Trung Quốc không đi kèm nhiều với sữa hay những sản phẩm khác từ sữa. Kể cả khi nhà Thanh cai trị Trung Quốc trong thế kỷ 20 nhưng họ cũng không dùng nhiều sữa trên bàn ăn. Trước khi mở cửa cải cách kinh tế, lượng cung cấp sữa tại Trung Quốc là rất hữu hạn.

Anh Jian Yi là tác giả của cuốn tư liệu về thực phẩm tại Trung Quốc cách đây 10 năm. Bản thân anh cho rằng chính Olympic 1984 đã làm thay đổi nhận thức của người dân về dinh dưỡng và sử dụng sữa. Những hình ảnh thật về người nước ngoài sau bao năm đóng cửa xuất hiện, cả xã hội trầm trồ khi người Phương Tây cao hơn, khỏe hơn và đánh bại vận động viên Trung Quốc trong nhiều môn thi đấu.

Kể từ đây, tư tương ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa giống Phương Tây để cao lớn hơn bắt đầu manh nha. Chính quyền Bắc Kinh đã học hỏi khá nhiều từ chiến lược phát triển dinh dưỡng, chiều cao của Nhật Bản.

Trung Quốc đẩy mạnh việc uống sữa sau mở cửa nền kinh tế

Sữa bột bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở Trung Quốc vào thời kì năm 1980. Mặc dù rất đắt đỏ, bố mẹ anh Jian cũng mua sữa cho con vì nghĩ chúng tốt.

Nhằm cải thiện sức khoẻ, thể trạng, Trung Quốc tích cực đẩy mạnh việc uống sữa trong dân chúng kể từ giai đoạn này.

Năm 1949 Trung Quốc chỉ có hơn 120.000 còn bò thì đến nay, quốc gia này đã có khoảng 13 triệu con bò sữa và là nhà sản xuất sữa lớn thứ 3 thế giới. Lượng tiêu thụ sữa bình quân trong người dân cũng tăng từ gần 0 lên 30kg/năm.

Trong vòng 30 năm từ khi đổi mới, sữa đã được coi là biểu tượng của một xã hội hiện đại, phát triển. Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh đã coi việc người dân uống sữa là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển đất nước.

(Ảnh: WUR)

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc là công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, sản xuất sữa từ tình trạng manh mún, cá thể, đồng thời tăng gấp 3 lần lượng sản phẩm sữa tiêu thụ trong người dân.

Công cuộc chuyển đổi này của Trung Quốc không hề nhỏ. Chúng không chỉ bao gồm việc phát triển thị trường tiêu thụ sữa từ con số không hay tìm giải pháp cho việc khó hấp thụ Lactose trong người dân mà còn là cổ phần hóa các doanh nghiệp, hợp nhất đất đai thành các nông trại hay biến những vùng sa mạc thành nơi chăn nuôi. Thế rồi phải tính đến giống, phân bón, công nghệ cùng nhiều thứ khác.

Sự phát triển ngành sữa Trung Quốc ảnh hưởng đến môi trường

Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất sữa lớn cũng như thị trường tiêu thụ khổng lồ, nhưng đi kèm với đó là nhu cầu 1.020 lít nước trên mỗi lít sữa sản xuất. Đó là chưa kể hàng loạt những vùng đất đai, sông ngòi bị ô nhiễm bởi các chất thải từ chăn nuôi.

Hiện nay, chăn nuôi là nguyên nhân cho 14,5% khí thải nhà kính, cao hơn cả chất thải từ giao thông. Riêng chăn nuôi bò chiếm đến hơn 2/3 số khí thải nhà kinh của toàn ngành. Phân bò là nguyên nhân chính tạo nên các loại khí nhà kính trong khi hàng loạt cánh rừng bị đốt phá để làm nơi chăn thả.

Mọi người chắc cũng nhớ đến vụ cháy rừng Amazon đang diễn ra suốt nhiều tuần liền, nhưng ít ai biết rằng Trung Quốc nhập khẩu tới 60% lượng đậu nành trên thế giới, chủ yếu từ Brazil và Mỹ, để nuôi bò và đây là nguyên nhân chính cho việc chặt rừng trồng đậu tại Brazil.

(Ảnh: ideastream)

Theo các nghiên cứu của Hà Lan, nếu lượng tiêu thụ sữa tại Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng như hiện nay thì lượng khí thải nhà kinh do chăn nuôi trên thế giới sẽ tăng 35%, còn lượng đất cần cho chăn nuôi ở Trung Quốc cũng tăng 32% trong vòng 30 năm tới.

Như một hệ quả tất yếu, các nhà khoa học cảnh báo rằng tham vọng tăng gấp 3 lượng sữa tiêu thụ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường thế giới bởi họ đang sản xuất sữa vượt khả năng cho phép của tự nhiên.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, nếu Trung Quốc tăng gấp 3 lần sản lượng tiêu thụ sữa vào năm 2050, bình quân mỗi người Trung Quốc vẫn dùng chưa đến 50% tổng lượng tiêu thụ sữa trung bình ở Châu Âu.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là nếu người Trung Quốc muốn tiêu thụ sữa ngang ngửa Phương Tây, thế giới sẽ phải đốt bao nhiêu rừng, nuôi bao nhiêu bò, thải bao nhiêu khí thải nhà kính và làm ô nhiễm bao nhiêu dòng sông nữa?

Nguồn: Genk

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn: http://onelink.to/suwtvz