Cựu quán quân Olympia ở lại Úc: “Tôi về thì làm được gì?”

0
906
Nhà vô địch Olympia năm thứ 5 - Đỗ Lâm Hoàng. (Ảnh: FB nhân vật)

Vietucnews – “Đừng nghĩ chúng tôi sợ về, vì như thế coi thường chúng tôi quá. Lúc này, tôi thấy việc ở lại đang tốt cho chúng tôi và cho đất nước” – quán quân Olympia năm thứ 5 chia sẻ.

Nhà báo Lại Văn Sâm từng chia sẻ Đường lên đỉnh Olympia là cuộc thi tìm kiếm tài năng, hiền tài cho đất Việt. Những học sinh xuất sắc sẽ sang nước ngoài để học tập và trau dồi kiến thức về các lĩnh vực khoa học. Họ được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc sống cho chính mình và cộng đồng trong tương lai.

Cứ tới khoảng tháng 9 hàng năm, nhiều người lại chờ đợi gương mặt xuất sắc của Đường lên đỉnh Olympia sẽ nhận học bổng 35.000 USD để đi du học. Sau đó, chính họ lại lo âu về thứ gọi là “chảy máu chất xám” khi số lượng quán quân Olympia học xong không về nước ngày càng tăng lên.

Một cựu thí sinh Olympia chia sẻ rằng bản thân cảm thấy buồn khi cứ mỗi trận chung kết qua đi, nhiều người lại nói “chảy máu chất xám” hay “hao hụt nhân tài”. Anh cho rằng có khi họ chỉ xem mỗi trận chung kết năm rồi “té nước theo mưa”.

“Olympia chỉ là chương trình truyền hình. Sao mọi người phải suy nghĩ quá lên như vậy? Mọi người nên bớt định kiến vì đó là suy nghĩ hẹp hòi”, cựu thí sinh nói.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Nguyễn Như Mai – người nhiều năm làm cố vấn lĩnh vực Hiểu biết chung tại Đường lên đỉnh Olympia – từng chia sẻ trên báo chí rằng, các nhà vô địch leo núi là học sinh giỏi, nhưng cũng chưa phải là những tài năng ghê gớm. Tuy nhiên, họ có tiềm năng trở thành người tài. “Rõ ràng không thể trách cứ các bạn thủ khoa Olympia hay những sinh viên ra nước ngoài học mà không trở về. Đừng áp đặt cho là họ không yêu nước, không thực hiện trách nhiệm với đất nước” – Ông nói.

Phan Minh Đức (nhà vô địch Olympia năm 10, hiện làm việc tại Úc) cho rằng việc đóng góp cho quê hương tốt nhất là hoàn thành tốt những gì mình đang làm. Khi có cơ hội giao lưu với những người giỏi, được làm việc trong môi trường tiên tiến hơn thì những kiến thức, ý tưởng thu được chắc chắn sẽ có giá trị với đất nước: “Dù bạn ở đâu, những thành tựu nghiên cứu của bạn sẽ đều trở thành tri thức chung của nhân loại. Hơn nữa, trong một thế giới mở như hiện nay việc bạn đang ở đâu không ảnh hưởng đến mong muốn đóng góp cho quê hương”.

Suy nghĩ “Chảy máu chất xám” của nhiều người là một nhận định hẹp hòi.

“Nghĩ chúng tôi sợ về là coi thường chúng tôi quá”

Đỗ Lâm Hoàng (quán quân Olympia năm thứ 5) từng khẳng định khi đi du học, ai cũng muốn quay về nước. Tuy nhiên, theo anh, nếu quay trở về mà mục đích sử dụng khác với những gì được đào tạo thì những người như anh sẽ không còn là nhân lực chất lượng cao. “Ở lại hay về, cá nhân tôi đều phải đánh đổi. Tuy nhiên, tôi phải tự hỏi về để làm gì và về để làm được gì? Ở để làm gì và ở để làm được gì?”.

Theo Đỗ Lâm Hoàng, nếu về mà trái ngành nghề, làm việc không có lợi cho cộng đồng, không làm cho đất nước tốt hơn, thì không nên trở về mà cứ ở nước ngoài học hỏi, tích lũy cho mình được cả kinh tế, tài chính, kiến thức, kỹ thuật. “Đừng nghĩ chúng tôi sợ về, vì như thế coi thường chúng tôi quá. Lúc này, tôi thấy việc ở lại đang tốt cho chúng tôi và cho đất nước” – Anh chia sẻ.

Chị Thảo – khán giả lâu năm của Đường lên đỉnh Olympia – nhận định rằng, người ta dễ dàng tự hào khi một người nước ngoài nói ở lại Việt Nam làm việc vì yêu đất nước này, nhưng lại phán xét khi các nhà vô địch leo núi quyết định ở lại Úc. Hay ví dụ khác, người ta tung hô khi thấy một nhân vật gốc Việt làm cho Facebook, Google, Microsoft ở Mỹ, nhưng lại đòi hỏi ai học xong cũng phải “về nước cống hiến”.

“Khi chỉ nhìn quán quân Olympia nói riêng hay người Việt ra nước ngoài sinh sống và làm việc nói chung, nhưng không chịu nhìn nhận theo chiều ngược lại rằng người Hàn Quốc, Mỹ, Anh… cũng tới Việt Nam sống và làm việc, chúng ta dễ hùa theo khái niệm chảy máu chất xám vô nghĩa này”, nữ khán giả nói.

Học bổng 35.000 USD của các quán quân Đường lên đỉnh Olympia không có bất cứ ràng buộc gì. Bởi vậy, việc ở lại hay về nước sau khi học xong là lựa chọn cá nhân.

Cứ để người tài được lựa chọn nơi cống hiến và làm việc

Dù chảy máu chất xám được coi là vấn đề đáng lo ngại với nhiều người, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra: “Dòng chảy” các công dân có trình độ và năng lực từ nước nghèo ra nước ngoài vẫn đem lại tác động tích cực đến tổng thể nguồn vốn nhân lực của chính quốc gia đang phát triển đó. Trong di cư lao động, hiện tượng này được gọi là “brain gain” (tạm dịch: thu hoạch tri thức) thay vì “brain drain” (chảy máu chất xám).

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), giai đoạn 2007-2012, 86% số lượng bằng sáng chế độc quyền đứng tên người Việt được đăng ký khi họ đang làm việc tại nước ngoài. Một phân tích của Đại học Harvard còn chỉ ra: Đặt trường hợp nhóm người này quyết định ở lại quê nhà, các cống hiến của họ cũng khó lòng phát huy hết hiệu quả, trong môi trường làm việc ít nhiều làm thui chột “chất xám”.

“Chứng minh bằng hành động thì luôn tốt hơn là lời nói. Cống hiến cho nhân loại và cho đất nước theo nghĩa thực sự cống hiến. Không nên đôi co làm gì”, một cựu thí sinh Olympia năm 12 (hiện làm việc ở Mỹ) nói.

“Đi hay về nhiều khi không phải vì tiền mà phải làm ở nơi nào mình phát huy được hết khả năng cống hiến cho mọi người. Về mà chỉ ngồi bàn giấy như bao người khác thì uổng phí tài năng quá”, độc giả Vui Tính chia sẻ góc nhìn.

“Chưa cống hiến hôm nay, không có nghĩa là các bạn không cống hiến cho đất nước. Tôi chỉ lo họ không nhớ mình là ai và từ đâu ra đi thôi”, Hùng Phạm bày tỏ.

Theo độc giả Nguyễn Hoàng Hải: “Ra nước ngoài điều kiện tốt, họ cống hiến được nhiều hơn, tạo ra nhiều phát minh hơn. Thời buổi 4.0, toàn cầu hóa mà còn phân biệt làm việc ở đâu. Khi thế giới đã phẳng, một người ngồi ở Việt Nam chưa chắc đã làm được nhiều cho đất nước bằng một người ở Anh, Pháp, Mỹ”.

Nguồn: news.zing.vn

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn: http://onelink.to/suwtvz