Úc: Điều cần biết về chứng từ nộp đơn xin Quốc tịch, quyền hạn của cảnh sát và mua xe tư nhân

0
3006

Tài liệu nộp đơn thi quốc tịch Úc gồm những gì? Cảnh sát ở Úc có quyền hạn thế nào cùng với kinh nghiệm mua xe ở Úc và PPSR sẽ được chia sẻ cực chi tiết tại bài viết dưới đây.

1. TÀI LIỆU NỘP ĐƠN THI QUỐC TỊCH

Tiếng Anh có câu ‘there is a silver lining in every cloud’ giống như chuyện Tái Ông mất ngựa ấy mà. Nhờ bị hạn chế đi lại, làm tại gia, nói chung là vì cái con nhỏ Cô-Vy 19 mà hình như nhiều anh chị em rảnh rang thời gian mà xin cái quốc tịch Úc hay sao mà lúc nào Oz cũng được nhờ giúp phiên dịch các chứng từ ắt có và đủ cho việc xin quốc tịch.

Oz xin nhấn mạnh là Oz không phải chuyên viên di trú mà cũng không phải luật sư nhé. Nhưng làm riết rồi cũng rút được một mớ kinh nghiệm nên cứ thế mà chia sẻ vì gần đất xa trời, Thượng Đế chắc hỏng cho ký gởi hành lý.

Có 7 đầu mục chứng từ cần nộp khi làm đơn xin Quốc tịch.

Làm đơn xin quốc tịch thì nộp online qua ImmiAccount cho tiện. Những chứng từ cần nộp là:

  1. Khai Sinh và bản dịch NAATI.
  2. Chứng Minh Nhân Dân và bản dịch NAATI (trong form gọi là National ID).
  3. Passport VN (không cần dịch).
  4. Bằng lái Úc (không cần dịch).
  5. Một giấy tính tiền điện, nước, gas hay điện thoại nhà. Nếu không có những giấy tính tiền này thì dùng giấy tính tiền hàng tháng của mobile phone hay bản sao kê tài khoản của ngân hàng Úc cũng được, miễn sao có tên người xin quốc tịch và địa chỉ lưu trú tại Úc.
  6. 1 hình 4×6 (nhờ bưu điện chụp là tốt nhất).
  7. Cần phải in form 1195 ra và nhờ 1 trong 38 người trong form ký chứng nhận là đã biết mình trên 12 tháng (tốt nhất là bác sĩ gia đình). Người này cũng phải ký vào sau hình 4×6 và ghi luôn câu ‘This is a true photograph of …’. Ký xong phải scan lại thành PDF rồi upload lên ImmiAccount.

Vậy là tạm thời đủ để nộp online

  1. Khi chưa nộp đơn thì Di Trú chưa biết người nộp đơn là bao nhiêu tuổi nên khi nộp đơn, họ không yêu cầu. Nhưng sau khi nộp đơn và họ thấy trên 16 tuổi thì họ sẽ yêu cầu Police Check của Úc và Lý Lịch Tư Pháp số 2 của Việt Nam.

Xin Police Check của Úc có thể xin online www.afp.gov.au , hay ra Bưu Điện xin, chừng $50.

Còn xin LLTP 2 thì có thể liên lạc thẳng với Đại Sứ Quán Vê En Nờ mà xin. Nếu bị ĐSQ hành là chính thì xin liên lạc với vài chỗ có thể đại diện mà xin LLTP dùm. Nếu bị yêu cầu làm thì họ sẽ cho 28 ngày để cung cấp.

Nói về vấn đề dịch thuật thì nhiều anh chị hay thắc mắc chứng từ nào mà Di trú Úc chấp nhận. Oz nghĩ Bộ Di trú Úc cũng phải chấp nhận đôi khi người làm đơn không thể cung cấp bản chính và họ chấp nhận bản sao – mà bản sao phải được công chứng tại các phòng Công Chứng hay tại Ủy Ban Nhân Dân các cấp.

Lại có nhiều anh chị thắc mắc cụm từ ‘BẢN SAO’ và ‘BẢN SAO’ khác nhau thế nào thì Oz xin trả lời là cái đó phải do người dịch uyển chuyển và dịch khi đọc nguyên văn bản. Cụm từ ‘BẢN SAO’ trong ‘Bản Sao Giấy Khai Sinh’ hay ‘Bản Sao Giấy Khai Tử’ nên được dịch là ‘Extracts of Birth/Death Certificate’. Đôi khi những bản này còn được gọi là ‘TRÍCH LỤC’.

Còn ‘BẢN SAO’ hay được đóng dấu vào các photocopy thì nên dịch là ‘PHOTOCOPY’. Bản photocopy mà được ‘Chứng Nhận Sao Y Bản Chính’, theo Oz, vẫn có giá trị như một bản gốc. Những chứng từ này tương đương với những chứng từ được photocopy ở Úc và được các ông bà bác sĩ, dược sĩ hay các JP hay cảnh sát chứng dùm.

2. QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT

Trong những tháng cuối năm 2020, Oz có dịp tâm sự với một người vô phúc mà đáo tụng đình. Từ chuyện này, Oz xin phép được đề cập tới quyền hạn của một cảnh sát viên (‘CS’).

Ngoại trừ khi lái xe, tài xế bắt buộc phải mang theo bằng lái chứ bình thường, CS không có quyền chặn một người lại mà chỉ để ‘kiểm tra hành chính hay kiểm tra giấy tờ’. CS có quyền yêu cầu (demand) tên, ngày sinh và địa chỉ nếu họ bắt người đó (arrest) nếu họ chính mắt thấy hay nghi ngờ hay dựa vào thông tin của một nguồn khác là người đó đã phạm luật (have a reasonable ground that a crime has been committed). Cái việc ‘arrest’ bản thân nó cũng là một chuyện đáng nói. Khi CS phán một câu ‘you are under arrest’ thì họ phải chạm bàn tay của họ lên người mà họ muốn bắt.

Ngoại trừ khi lái xe, tài xế bắt buộc phải mang theo bằng lái chứ bình thường, cảnh sát không có quyền chặn một người lại mà chỉ để ‘kiểm tra hành chính hay kiểm tra giấy tờ’.

Kể từ giây phút đó, nếu anh/chị này tung chân bỏ chạy thì lại phạm thêm cái tội ‘resist arrest’ – chống lại người thi hành công vụ. Hình thức là không phải họ phải đeo còng vào tay thì mới coi là ‘bị bắt’. Họ chỉ cần chạm tay lên vai người đó mà nói câu ‘you are under arrest’ là đủ. Nhưng lập tức họ cũng phải thông báo cho người đó biết lý do mà họ câu lưu người đó. Thí dụ khi họ bắt một người phạm tội kleptomaniac (cầm nhầm) thì họ không cần phải nói rõ là ‘Chúng tôi bắt quý vị vì quý vị đã phạm tội cầm nhầm chiếu theo điều luật số 74 của Đạo Luật Hình Sự Victoria 1958’ mà họ chỉ cần nói ‘You are under arrest for theft’ là đủ.

Từ chỗ này, Oz lại đề cập tới một số nhân viên công lực có quyền arrest (câu lưu) hay detain (tạm giữ lại) vì chủ yếu người này không nghĩ là nhân viên công lực này có quyền câu lưu nên đã từ chối hợp tác. Chủ yếu là chỗ này. Không phải bất cứ nhân viên công lực hay nhân viên hành pháp nào cũng có quyền bắt bớ hay tạm giữ. Thí dụ những nhân viên hành pháp của Council như parking officer, health officer lại không có quyền bắt giữ hay tạm giữ.

Nhưng thanh tra giao thông công cộng, những inspector của ngành Giao thông Công cộng (Public Transport) thì lại có quyền detain. Luật cho họ cái quyền hỏi thông tin cá nhân nếu họ kiểm tra vé và thấy người này không tuân thủ luật lệ, thí dụ không có vé hay xài vé không đúng. Và nếu người phạm luật không cung cấp thông tin cá nhân thì họ có quyền detain (một hình thức như bắt giữ nhưng không phải là bắt giữ) và phải gọi cho CS tới để thực hiện việc ‘câu lưu’ – arrest.

Trong trường hợp này, cho dù CS tới sau, CS không chính mắt thấy người phạm luật đã phạm luật nhưng họ vẫn có quyền câu lưu người phạm luật trên thông tin của Thanh Tra Công Chánh – on the information of the inspector. Một nhóm người thứ hai cũng có quyền detain là những Thanh tra Chính phủ trong các sòng bài hay chỗ kéo máy – Government Inspector. Họ có quyền detain nếu họ thấy một người đã phạm luật ‘TRONG KHU VỰC CÁ CƯỢC’. Có những cơ quan lại có thẩm quyền nhưng lại trong một khu vực nhất định – thí dụ các Protective Officers hay đi tuần ở các ga xe lửa thì có thẩm quyền bắt giữ NHƯNG trong khu vực ga xe lửa, bãi đậu xe và những con đường chung quanh trạm xe lửa. Ngoài phạm vi đó, họ phải gọi CS địa phương. Còn nhiều nữa mà Oz nghĩ không liên quan tới cuộc sống hàng ngày.

3. MUA XE TƯ NHÂN VÀ PPSR

Trong bài viết số 30, Oz có đề cập tới việc làm gì khi đụng xe. Nói tới xe cộ thì lại có người bạn thăm hỏi về việc mua xe ở Úc. Trải qua hơn 5 chiếc xe Oz cũng rút được mớ kinh nghiệm, có cái tốt, có cái đắng cay.

Nếu các anh chị mua xe từ dealer (những chỗ bán xe) thì khỏi nói, dealer sẽ lo hết các vấn đề cho các anh chị, cứ thong dong tới lấy xe và lái đi. Xe mới xe cũ gì cũng thế. Ở Úc ít có chỗ nào mà các anh chị có thể cầm 1 cọc tiền mặt vào mua chiếc xe và lái đi như trong phim. Ít nhất cũng phải 1 2 ngày cho dealer họ làm giấy tờ và LÀM ƠN LÀM PHƯỚC, mua bảo hiểm trước khi tới lấy xe, gọi là ‘take out an insurance cover’. Không có gì khổ cho bằng vừa lái ra khỏi dealer là bị cọ quẹt.

Nếu mua xe tư nhân thì các anh chị phải từ từ. Thứ nhất liên lạc người bán, lấy số xe hay số VIN – Vehicle Indentification Number rồi vào trang mạng PSSR mà truy tầm những thông tin của xe. Nếu chủ xe không biết VIN thì dùng số bảng số vào VicRoads mà truy tra VIN.

Cho Oz mở ngoặc. PPSR – Personal Property Securities Register – là một tổ chức của Chính Phủ Úc lưu trữ mọi thông tin về những tài sản mua chịu (under finance) hay xe bị đụng. Đây là chỗ mà các công ty tài chính khi ứng tiền cho khách mượn mua đồ thì họ đăng ký chủ quyền của họ trên món đồ đó. Cho dù VicRoads đăng bộ chiếc xe với tên người xử dụng nhưng chủ xe thực chất là người cho mượn tiền. Các anh chị lưu ý cái đuôi gov.au chứ đừng nhập vào những trang mạng như www chấm ppsr chấm cơm chấm au. Những trang mạng này là của tư nhân và họ tính $20 mỗi lần kiểm tra thay vì $2 như của gov.au.

Nếu bạn mua xe từ dealer (những chỗ bán xe) thì họ sẽ lo hết các vấn đề cho bạn.

LƯU Ý – TRANG MẠNG NÀO CỦA CHÍNH PHỦ LIÊN BANG ÚC SẼ CÓ GOV.AU VÀ CỦA TIỂU BANG (THÍ DỤ VICTORIA) LÀ CÓ VIC.GOV.AU HAY NSW.GOV.AU Bất cứ trang nào hỏng có các đuôi này là của tư nhân.

Kết quả truy tầm từ PPSR cho các anh chị biết là chiếc xe đó (hay bất cứ tài sản nào như ghe, tàu, canoe, trailer, xe hai bánh, máy cày, máy xới, máy đào, máy đắp, xe hủ lô, máy bay dân dụng, đầu xe tải … nói chung là cái gì có thể mua chịu được) có còn đang thiếu tiền các công ty tài chánh hay không và công ty đó là ai.

Cái lợi thứ hai là PPSR sẽ cho biết tài sản đó hay chiếc xe đó có khi nào bị đụng không, đụng lúc nào, hư cái gì, sửa được không, có sửa không hay là bị hủy (written-off). Written-off là một tình trạng mà hãng bảo hiểm cho là tiền sửa sẽ vượt quá giá trị của xe và họ coi là tài sản đó ‘written-off’. Một khi xe written-off thì cho dù có sửa lại cũng không thể đăng bộ. Đương nhiên là nếu chủ xe có khai bảo hiểm. Còn nếu như cọ quẹt sơ sơ mà họ tự sửa và không khai bảo hiểm thì PPSR không thể biết.

Trước khi có PPSR, những thành phần bất hảo thường mua những xác xe bị written-off, thí dụ họ mua xác chiếc xe Mercedes 2018 bị đụng bỏ. Họ cho lính lác đi ‘fast and furious’ một chiếc xe, cũng Mercedes 2018. Rồi họ lấy những thông tin trong xe bị đụng bỏ gắn lên xe mà họ ‘mượn không hề có ý trả’ và đăng bộ lại chiếc xe đó với thông tin của chiếc bị đụng bỏ. Xong rồi họ bán nó. Vấn đề là cho dù người mua vô tình mua nhầm chiếc xe này mà khi bị Cảnh Sát khám phá ra là xe bị ăn cắp thì người mua xe vừa mất xe vừa mất tiền, mất cả chì lẫn chài.

PPSR còn giúp người mua biết là xe còn đang thiếu nợ hay không. Nếu còn bị thiếu nợ mà người mua vô tình mua thì một ngày xấu trời, công ty tài chánh có thể cho người tới kéo xe. Người mua lại lâm vào tình trạng mất cả chì lẫn chài. Muốn biết thêm việc này, xin các anh chị đọc bài ‘MUA TRÂU MUA BÒ MUA XE’. Đóng ngoặc.

Nếu kiểm tra PPSR rồi và thấy mọi chuyện êm đẹp thì các anh chị điều đình với người bán giá cả tùy theo:

  • Người bán có cung cấp Road Worthiness Certificate (RWC) hay không. Giấy này chỉ có giá trị 30 ngày kể từ ngày ký nên các anh chị lưu ý ngày cấp.
  • Xe còn thuế đường hay không.

Nếu người bán cung cấp RWC thì cả hai chỉ cần điền vào form ‘Transfer of Registration’, cả hai cùng ký vào đó. Trong form người bán sẽ ghi số RWC và ngày cấp vào đó. Người bán hết trách nhiệm.

Các anh chị mang giấy tờ đó lên VicRoads xin sang tên. Không cần mang xe đi. Đóng phí sang tên và thuế trước bạ (stamp duty – $8 cho mỗi $200 tiền mua) là xong.

Nếu người bán không cung cấp RWC và người bán đồng ý để lại cặp bảng số thì quá hên. Các anh chị cũng vẫn làm form ‘Transfer of Registration’ và đem xe về. Khi nào rảnh mang ra thợ máy để xin RWC. Xin nói thêm. Phí xin RWC chỉ tầm $150 nhưng đây chỉ là phí kiểm xe. Khi kiểm xong, thợ máy sẽ ra một bản báo cáo (1st report). Có thể họ báo là ‘bánh xe mòn quá, phải thay; thắng mòn quá, phải thay; miếng che đèn signal bị bể, phải thay; kính xe bị đá văng nứt như mạng nhện, phải thay; dây seat belt mòn quá, phải thay’. Nói chung là cái gì cần thay họ sẽ bảo mình thay. Nếu không cấp RWC thì các anh chị phải đem xe tới chỗ thợ cấp và lại phải chung thêm $150 nữa để họ kiểm tra lần 2.

Trường hợp người bán lấy lại bảng số xe thì các anh chị phải mang cái VIN ra VicRoads mà xin ‘Temporary Permit’ để có thể lái xe trong 30 ngày, KHÔNG CẦN BẢNG SỐ, từ nhà đến thợ hay từ thợ về nhà, hay từ nhà tới VicRoads. Xe mua không bảng số, VicRoads sẽ yêu cầu kiểm xe. Nên nhớ chỉ được lưu hành với mục đích Oz nêu ra chứ không thể lái xe vi vu tới Highpoint hay Chadstone hay nửa đêm ra Chinatown ăn cháo phia. Có RWC rồi thì làm hẹn với VicRoads, đúng ngày mang xe và RWC tới VicRoads cho họ kiểm tra. Nhớ coi cái Temporary Permit có còn hạn không, đừng để họ dán cho cái giấy ‘Driving an unregistered vehicle’.

Hy vọng bài chia sẻ đã mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn.

Nguồn: Oz Nguyen- Phiên Dịch NAATI 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments