Vietucnews – Thứ Hai (7/10) vừa qua, những người biểu tình chống biến đổi khí hậu ở khắp các thành phố lớn từ Sydney đến London đã tràn ra đường, khởi động hai tuần biểu tình toàn cầu, yêu cầu hành động ngay lập tức để cứu Trái đất khỏi nguy cơ “tuyệt chủng”.
Hàng đoàn người diễu hành với những khẩu hiệu giận dữ hoặc ngồi xuống lòng đường chặn xe cộ lưu thông trên đường, thách thức cảnh sát trong một làn sóng biểu tình ở các thành phố lớn, bao gồm cả Berlin và Amsterdam. Những đám đông biểu tình nhằm thúc đẩy một phong trào toàn cầu yêu cầu các chính phủ cắt giảm lượng khí thải carbon mà các nhà khoa học đã chứng minh là đang gây ra sự thay đổi khí hậu khủng khiếp.
Hành động của họ được kêu gọi bởi Greta Thunberg – một thiếu niên người Thụy Điển đã có bài phát biểu tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 – và bởi các học giả nghiên cứu về biến đổi khí hậu.
Sự bất tuân dân sự của đám đông biểu tình đã khiến các tài xế và một số quan chức khó chịu nhưng lại nuôi hy vọng bởi những người coi nhiệt độ toàn cầu ấm lên và nước biển dâng cao là mối đe dọa đối với hành tinh.
Tâm điểm của những hành động này là ở London – nơi khởi đầu của phong trào. Một số người biểu tình đập trống và nằm xuống giữa đường trong giờ cao điểm buổi sáng. Một nhóm nhỏ đã kéo một tên lửa hạt nhân giả đến bên ngoài tòa nhà của Bộ Quốc phòng.
Đỉnh điểm vào Chủ nhật, những người biểu tình cáo buộc cảnh sát London đã được lệnh thu giữ lều, nhà vệ sinh và các thiết bị khác như một phần của những gì họ nói là “chiến thuật phủ đầu” chống lại họ.
Cảnh sát London sau đó đã thực hiện 21 vụ bắt giữ vào sáng ngày 7/10.
Những cuộc biểu tình lớn xảy ra ở London đúng vào thời điểm nhạy cảm khi chính phủ Anh dự định rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/10.
Tuy nhiên, những người biểu tình chống biến đổi khí hậu cho biết họ vẫn đang tiếp tục lên kế hoạch cho 12 địa điểm biểu tình gần các văn phòng chính phủ ở trung tâm London, có thể chặn lối vào nhà quốc hội và văn phòng thủ tướng.
Tại Úc, hàng trăm người biểu tình đã ngồi giữa một con đường đông đúc ở Sydney trước khi bị cảnh sát kéo đi. Ba mươi người sau đó đã bị buộc tội.
Cảnh sát Sydney cáo buộc những người biểu tình gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác, cảnh báo rằng những cuộc biểu tình gây rối như vậy trong tương lai sẽ “không được dung thứ”.
“Chúng tôi đã thử đưa ra các kiến nghị, vận động hành lang và tuần hành, và bây giờ thời gian đã hết” – một người biểu tình nổi loạn ở Úc nói.
Trước đó, chính phủ Úc đã chống lại việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường mới và ủng hộ xuất khẩu than sinh lợi.
Ngoài ra, ba mươi người nữa đã bị bắt tại thủ đô Wellington của New Zealand sau khi làm cản trở giao thông bằng cách xích mình vào một chiếc xe hơi màu hồng sáng.
Cũng có những cuộc biểu tình ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nơi được coi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Vào cuối tuần, hàng trăm nhà hoạt động môi trường đã lập rào chắn tại một trung tâm mua sắm ở Paris trong nhiều giờ. Có những nhóm giương cao các biểu ngữ với khẩu hiệu như “Hãy đốt cháy chủ nghĩa tư bản, không phải xăng dầu” phía trên các nhà hàng và cửa hàng thời trang.
Ở Đức, hàng trăm người đã mang chăn và túi ngủ đến một trong những vòng xuyến chính ở trung tâm Berlin mà cảnh sát dự kiến sẽ cấm người dân qua lại trong nhiều ngày tới.
Cảnh sát Hà Lan cho biết họ đã bắt giữ 50 người sau khi những người biểu tình quá khích chiếm một cây cầu bên ngoài phòng trưng bày nghệ thuật Rijksmuseum nổi tiếng.
Công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn tiếp diễn, khi các cuộc biểu tình tiếp theo đã được lên kế hoạch tại 60 thành phố trên khắp thế giới, bao gồm cả Buenos Aires và Cape Town. Hai cuộc biểu tình khác dự định sẽ được tổ chức ở Hoa Kỳ – một tại Công viên Ắc quy của New York, cách Phố Wall và trung tâm thành phố Chicago một vài dãy nhà và một ở Toronto.
Phong trào này được ghi nhận là một phần của hành động thúc đẩy chính phủ Anh vào tháng 6 trở thành nước đầu tiên ở Liên minh châu Âu cam kết thực hiện mục tiêu bằng 0 đối với lượng khí thải độc hại vào năm 2050. Tuy nhiên, lúc này, các cuộc biểu tình đang đòi hỏi các chính phủ đạt được mục tiêu đó vào năm 2025.
Quốc hội ở Nauy – không phải là thành viên EU – hồi tháng 6 đã thông qua cam kết đến năm 2030 sẽ đạt mục tiêu khí thải bằng 0.
Hiện tại, đã có ít chuyển biến ở các khu vực khác của châu Âu hoặc trên khắp châu Á, nơi ô nhiễm trầm trọng buộc nhiều người phải đeo khẩu trang phẫu thuật khi tham gia giao thông.
Nguồn: congly.vn
Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz
- Nam sinh 18 tuổi bị trúng đạn trong cuộc biểu tình ở Hong Kong
- Thời hoàng kim của bãi biển nước Úc sắp lụi tàn vì biến đổi khí hậu?
- Người Úc đang dần quan tâm hơn về biến đổi khí hậu toàn cầu