Hé lộ những gương mặt trong đường dây chạy điểm vào các trường đại học Mỹ!

0
187

Vietucnews – Hàng loạt người trong đường dây chạy điểm gây rúng động nước Mỹ đã bị bắt giữ với cáo buộc gian lận điểm thi SAT, ACT hoặc giả mạo hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Stanford, Yale.

Đường dây chạy điểm gồm những ai?

Theo đó, giới nhà giàu bao gồm nhiều CEO, ngôi sao Hollywood được cho là bỏ ra khoản tiền lên tới 6,5 triệu USD để “chạy” cho con vào đại học hạng ưu như: Yale, Georgetown, Stanford, Nam California, California tại Los Angeles (UCLA) và Đại học Texas.

Trong hơn 40 người bị buộc tội liên quan đến đường dây này có nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin. Vụ án được giới chức điều tra trong hơn một năm.

Nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin liên quan đến đường dây “chạy” cho con vào đại học danh giá. (Ảnh: New York Daily News)

Kẻ cầm đầu đường dây là William Rick Singer ở California – người tự lập một công ty tư vấn tuyển sinh và nhận hối lộ từ phụ huynh. Bên cạnh đó, ít nhất 13 người liên quan, bao gồm Huffman và chồng của Loughlin, Mossimo Giannulli, đã bị bắt sáng cùng ngày.

Singer đã nhận 25 triệu đôla tiền hối lộ dưới danh nghĩa khoản từ thiện cho quỹ Key Worldwide Foundation.

“Đây là một vụ án mà phụ huynh phô trương sự giàu có của họ, lừa đảo hệ thống để mua sự thành công cho con bằng số tiền tốt nhất”, Joseph Bonavolonta – nhân viên văn phòng tại Boston của FBI cho biết.

Theo nhà chức trách, hầu hết sinh viên không biết việc vào đại học là do hối lộ, nhưng trong một số trường hợp, cả phụ huynh và sinh viên đều gian lận.

Cách thức hoạt động của đường dây chạy điểm 

Singer giúp đỡ con cái của khách hàng bằng cách nhờ một cá nhân khác (Mark Riddell ở Florida) làm hộ bài kiểm tra SAT hoặc ACT. Phụ huynh bị cáo buộc phải trả tới 75.000 đôla cho mỗi bài kiểm tra và chuyển tiền vào “tài khoản từ thiện”.

Tiền sẽ được chuyển cho giám thị kỳ thi SAT hoặc ACT hoặc một huấn luyện viên thể thao của trường đại học, người sẽ giả mạo hồ sơ cho ứng viên, giúp họ được nhận vào trường nhờ năng khiếu thể thao.

Kẻ cầm đầu đường dây là William Rick Singer ở California – người tự lập một công ty tư vấn tuyển sinh và nhận hối lộ từ phụ huynh.

Singer bị cáo buộc đã đưa 400.000 đôla cho Meredith –  cựu huấn luyện viên trưởng đội bóng đá nữ tại Yale sau khi dàn xếp thành công.

Với cách thức gian lận tương tự, một huấn luyện viên tennis ở Đại học Georgetown đã nhận hối lộ lên tới hơn 2,7 triệu đôla từ năm 2012 đến 2018, giúp khoảng 12 ứng viên vào trường và gia nhập đội tennis.

Một số trường đại học, bao gồm Yale, Đại học Texas và Đại học Nam California, nói rằng họ là “nạn nhân” của kế hoạch hối lộ và cam kết hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. (Ảnh: New Haven Register)

Một số trường đại học, bao gồm Yale, Đại học Texas và Đại học Nam California, nói rằng họ là “nạn nhân” của kế hoạch hối lộ và cam kết hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. Đại học Stanford cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy hành vi bị cáo buộc của huấn luyện viên John Vandemoer liên quan đến bất kỳ ai khác. Trường sẽ điều tra nội bộ để xác nhận điều đó. Vandemoer đã bị sa thải, theo tuyên bố của trường đại học.

College Board, đơn vị tổ chức thi SAT và ACT cũng tuyên bố luôn thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo sân chơi bình đẳng cho những người dự thi trung thực và tuân thủ quy định.

Theo vnexpress