Người phụ nữ gốc Việt thực hiện ước mơ thời trang ở tuổi 50 tại Úc

0
187

Vietucnews – Vào những năm 1970, khi còn là một đứa trẻ ở Việt Nam, Kim Clark đã mải mê thiết kế váy áo bằng giấy cho búp bê.”Tôi thực sự muốn theo học một trường mỹ thuật nhưng cả nước vẫn đang phục hồi sau chiến tranh, vì thế đó là một sự xa xỉ và chúng tôi không đủ khả năng”, Kim Clark kể.

Tuy sau đó Clark làm việc trong ngành marketing nhưng cô vẫn có tình yêu với thời trang. Cách đây 7 năm, Clark kết hôn với người chồng Úc, sinh hai con và chuyển tới Philippines sống cũng là lúc cô theo đuổi được giấc mơ học thiết kế thời trang.

“Sản phẩm của tôi được đón nhận rất tốt và tôi nghĩ mình thực sự có thể làm được”, Clark nói.

Ở tuổi 50, Clark (áo đen) là người lớn tuổi nhất được nhận học bổng của AUSFF. (Ảnh: SMH)

4 năm trước, gia đình Kim Clark chuyển tới thành phố Melbourne nhưng với bằng cấp lúc đó, không ai muốn thuê cô. Tuy nhiên, đam mê đã giúp cô quyết định ghi danh vào trường đại học RMIT để lấy bằng thạc sĩ về thiết kế thời trang dù cô đã ở cuối độ tuổi 40.

Clark hiện 50 tuổi, trở thành một trong hai người giành giải thưởng hàng đầu dành cho các sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang mang tên Australian Fashion Foundation Scholarship AUSFF (Học bổng Quỹ Thời trang Australia). Giải thưởng bao gồm 20.000 đô và chuyến thực tập 6 tháng tại một công ty thời trang quốc tế ở Mỹ.

“Xuất phát từ số không và bây giờ có một cơ hội như thế này là điều rất tuyệt vời”, Kim Clark nói. (Ảnh: mpavilion)

Ban giám khảo của giải thưởng năm nay gồm các nhà thiết kế, stylist tiếng tăm, người đồng sáng lập AUSFF Malcolm Carfrae và tổng biên tập các tạp chí thời trang Vogue và Harpers Bazaar tại Australia.

“Cô ấy có tất cả thời trang nam, thời trang nữ và phụ kiện trong bộ sưu tập tốt nghiệp, thực sự không hề bình thường…Những đường cắt may, những chiếc áo khoác dáng dài, các tấm vải in, tất cả đều tuyệt vời”, ông Carfrae nói về tài năng của Clark.

Ở tuổi 50, Clark là người lớn tuổi nhất được nhận học bổng của AUSFF. Cô tâm sự rằng khi đi học ở tuổi này, rào cản ngôn ngữ và việc phải chăm lo cho gia đình là một thử thách, nhưng cô hy vọng các bộ sưu tập của mình sẽ là “một sự tôn vinh văn hóa giao thoa” giữa Úc và Việt Nam.

“Xuất phát từ số không và bây giờ có một cơ hội như thế này là điều rất tuyệt vời”, người phụ nữ Việt nói.

Nguồn: vnexpress

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz