NSW: Vườn hoa cúc giấy mùa xuân bị du khách giẫm nát để selfie

0
388
Chỉ để phục vụ cho vài bức ảnh "sống ảo" trên mạng xã hội, nhiều người không ngần ngại giẫm đạp những đóa hoa cúc mỏng manh ở Australian Botanic Garden.

Vietucnews – Chỉ để phục vụ cho vài bức ảnh “sống ảo” trên mạng xã hội, nhiều người không ngần ngại giẫm đạp những đóa hoa cúc mỏng manh ở Australian Botanic Garden.

Ít lâu sau khi đăng bài “khoe” vườn cúc giấy nở rộ ở Mount Annan, gần khu vực Camden, ông Jimmy Turner – người quản lý vườn tược ở Royal Botanic Garden Sydney – đã phải tweet một bài phàn nàn về ý thức của khách tham quan: “Ôi, chúng ta đã từng sở hữu một mảnh vườn phủ đầy sắc hoa cúc giấy tuyệt mỹ… cho đến khi du khách thà đạp nát chúng cũng phải cho ra lò những bức ảnh selfie lung linh nhất.”

Ông buồn bã viết: “Thật đáng thất vọng… khu vườn của chúng tôi không nhận được sự trân trọng xứng đáng với vẻ đẹp của nó.”

Những cánh hoa cúc mềm mại khoe sắc đã trở thành nét đẹp truyền thống hàng năm tại Mount Annan. Đến độ xuân về, từng đàn ong kéo đến thì thầm những lời mật ngọt trên những đóa hoa tươi thắm, làm say lòng du khách ghé qua.

John Siemon, quản lý khu Australian Botanic Garden, cho biết ông cực kỳ sốc trước cảnh tượng hoang tàn của vườn hoa cúc năm nay. “Tôi rất xót xa. Công sức 8 tháng trời lên kế hoạch, cộng thêm 5 tháng vun trồng chăm sóc, chúng tôi mới được chứng kiến những đóa hoa rực rỡ muôn màu hé nở trên mảnh đất này. Vậy mà một bộ phận du khách vô ý thức chỉ mất có vài giây đã có thể nghiền nát chúng.”

Bài đăng của Jimmy Turner trên Twitter.

Mỗi năm, vườn cúc giấy ở Mount Annan đều phải oằn mình gánh chịu trận “càn quét” vô tội vạ của khách tham quan, đa số các bông hoa đương độ khoe sắc đã bị hư hại và phải vứt bỏ vào cuối mùa. Thế nhưng năm nay, khung cảnh điêu tàn của vườn hoa xuất hiện còn sớm hơn trước.

Không thể phủ nhận có vài người không cố ý làm hỏng cảnh đẹp, điển hình như các bé cố với lấy bông hoa để ngửi thử mùi hương của nó, nhưng chẳng may hụt chân ngã sấp vào khu vườn. Thông thường những bức ảnh trên Instagram đều là cảnh một người nằm trên “chiếc giường” làm bằng hoa cúc giấy, cũng có nghĩa là vô số đóa hoa đã bị đè ép đến không nhận ra hình dạng.

Tuy không phá hủy toàn bộ khu vườn, song hành vi “kém sang” của những người này đã khiến vẻ đẹp hoàn hảo của mảnh đất ngập tràn cúc giấy không còn vẹn nguyên như lúc đầu. Năm nay, nhóm thợ làm vườn đã rất nỗ lực để mang đến cảnh quan mãn nhãn nhất cho du khách, sử dụng công nghệ thông minh và nhiều cải tiến về kỹ thuật khác để đối phó với tình trạng thiếu nước.

NSW đang trải qua một trong những đợt hạn hán nặng nề nhất từ trước đến nay, do đó, nguồn nước dành cho các khu vườn tại Sydney nói chung và Mount Annan nói riêng cũng trở nên khan hiếm. Chỉ một số loài thực vật đặc thù mới được cung cấp đủ nước như bình thường. Nhờ việc áp dụng hệ thống hẹn giờ, công cụ đo độ ẩm và trồng cây thông minh mà vườn hoa cúc rộng 420 ha đã thoát khỏi vấn nạn dùng nước quá nhiều trong mùa hanh khô. Tình huống tương tự cũng diễn ra ở Mount Tomah và Royal Botanic Gardens – hai địa điểm trực thuộc quyền quản lý của Royal Botanic Gardens & Domain Trust.

Vườn hoa cúc giấy là địa điểm du lịch nổi tiếng ở NSW.

Bộ trưởng Kế hoạch và Không gian công cộng NSW Rob Stokes cho biết cũng giống như nhiều địa điểm khác trên khắp tiểu bang, khu vực không gian công cộng cũng phải điều chỉnh các quy tắc về môi trường để thích ứng với nạn hạn hán kéo dài. Cụ thể, họ phải chuyển sang trồng các loại thực vật chịu hạn và tưới nước có kế hoạch.

Một số loài hoa bản địa như xerochrysum bracteatum (hoa bất tử) cũng được trồng sớm hơn để kịp thích nghi với điều kiện nước tưới ít ỏi trong mùa này. Các nhân viên phải tưới bằng tay chứ không được dùng máy để tránh tốn hao nhiều nước. “Chúng tôi vừa phải nghĩ cách làm việc cho hiệu quả để không bị chỉ trích là lãng phí, vừa phải tạo nên cảnh đẹp cho mọi người tận hưởng,” ông nói.

Ban quản lý còn thử nghiệm công nghệ mới cho phép các vòi phun nước gửi tín hiệu không dây bằng cách sử dụng sóng âm được truyền qua độ ẩm của đất. Điều này sẽ cho phép hệ thống vòi phun mới được lắp đặt mà không cần phải đào xới, phá hỏng kiến trúc khu vườn, đồng thời lượng nước cần dùng để tưới cây cũng ít hơn.

Một nhân viên đang tưới nước cho cây tại Mount Tomah Botanic Gardens.

“Chúng tôi đã dựng nên các luống hoa. Nếu là người làm vườn, bạn sẽ không muốn đào hết cả gốc rễ của chúng lên đâu,” Siemon đùa cợt. Tại vườn ươm ở Mt Annan, những người thợ đã dùng thùng xốp tiết kiệm nước để trồng cây thay vì gieo hạt giống ở ngoài và dùng vòi phun tưới như trước kia. Khi vòi phun lướt qua những khu vực không có cây cối, chúng sẽ luân phiên bật – tắt để giúp đất có thời gian ngấm và giữ nước.

“Hầu hết mọi người chỉ bật vòi phun rồi để đó,” Siemon nói. “Nhưng nếu bạn cứ tưới nước liên tục như thế, mặt đất cũng không hấp thụ hết. Nên để đất có thời gian ‘nghỉ’ trước khi tiếp nhận thêm lượng nước mới.” Tại Blue Mountains Botanic Garden ở Mount Tomah, quản lý Greg Bourke cho biết khách tham quan luôn trầm trồ kinh ngạc khi càng đi sâu vào vườn, họ càng thấy rõ sự đối lập giữa khung cảnh xanh xám của cây cối bên ngoài và màu xanh ngát của lá non bên trong.

Để đảm bảo nước được mặt đất hấp thu, người ta sử dụng chất làm ướt dạng bột trước khi tưới lên thảm có, hoa thủy tiên hay các loài thực vật khác. Bourke nói: “Khi đất quá khô, nó sẽ trở nên kị nước, tức là bạn có tưới cũng không hấp thu được bao nhiêu.” Vì Mount Tomah phụ thuộc rất nhiều vào đập và bể chứa nước, đồng thời không dùng bất kỳ nguồn nước công cộng nào, nên việc sử dụng và kiểm soát lượng nước theo mùa cực kỳ hiệu quả.

Các khu vườn đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với điều kiện thời tiết khô hạn năm nay, kể cả việc “nhịn” cơn khát nước trong mùa xuân này.

Nguồn: SMH