Vietnam Airlines vừa cho biết sẽ hỗ trợ bán vé ưu đãi cho du học sinh và cộng đồng người Việt tại Úc, nạn nhân vụ lừa đảo mua vé máy bay online qua Vi Tran.
Theo Vietnam Airlines, chương trình giá ưu đãi đặc biệt hành trình từ Úc về Việt Nam do Vietnam Airlines khai thác, nhằm hỗ trợ du học sinh và cộng đồng người Việt tại Úc (nạn nhân của vụ lừa đảo mua vé máy bay online qua Vi Tran) có thể về Việt Nam.
Theo đó, giá vé ưu đãi từ Úc về Việt Nam thấp nhất được áp dụng là 500 AUD cho hành trình một chiều và 900 AUD cho hành trình khứ hồi. Vé được bán tại Úc hoặc trên trang web của Vietnam Airlines www.vietnamairlines.com đến hết ngày 14.1 cho 3 ngày khởi hành 13 – 15.1 (đã bao gồm thuế, chưa gồm phí, phụ thu).
Vietnam Airlines cho biết sẽ bán vé ưu đãi cho du học sinh tại Úc bị lừa đảo vé máy bay – Ảnh minh họa: M.H
Trước đó, hàng trăm du học sinh tại Úc đã bị lừa đảo vé máy bay khi mua vé online qua đại lý Vi Tran. Vietnam Airlines khẳng định Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với Vietnam Airlines.
Đối với những vé đã đặt mua của khách hàng bị Vi Tran lừa đảo, hãng sẽ hỗ trợ tối đa việc tra cứu thông tin tình trạng vé để hành khách có những xử lý thích hợp.
Chiết khấu của các hãng hàng không dành cho đại lý vé tối đa chỉ lên đến 50 -60AUD cho một vé khứ hồi, nhưng du học sinh mua vé qua Vi Tran được giảm có khi lên đến 400 AUD.
Chính việc đưa ra giá rẻ đến không ngờ cộng với những ưu đãi như từ trên trời rơi xuống với các du học sinh, như được nâng hạng thương gia miễn phí, tặng thêm kg hành lý và thậm chí mua vé máy bay trả góp.
Hơn một năm qua, Vi Tran đã trở thành địa chỉ mua vé máy bay “lý tưởng” của các du học sinh Việt Nam ở Úc, cho đến khi vụ lừa đảo bại lộ, mà nói như mẹ của Lê Mỹ Trúc, người đứng sau cái tên Vi Tran: “Chuyện này giống như vỡ nợ”.
Mỹ Trúc đặt vé cho khách hàng thông qua con nhỏ nào đó rồi bị lừa. Tới giờ chót, không có vé, khách điện thoại hỏi mới hoảng lên. Chuyện này cũng giống như vỡ nợ. Bà Nguyễn Thị Hoài Mỹ, mẹ của Lê Mỹ Trúc.
Thủ đoạn huy động vốn
Với các “dịch vụ khuyến mãi và hậu mãi” tốt, Vi Tran đã tạo được niềm tin trong cộng đồng du học sinh Việt ở Úc, người này kháo người kia, và để lại những lời bình luận, khen dịch vụ của Vi Tran lên tận mây, đã khiến cho nhiều du học sinh đang cần có những tấm vé rẻ lao vào, mà bất chấp việc cần phải hiểu rằng, họ đang giao dịch với một “chợ đen”.
Phần lớn các du học sinh đều lên kế hoạch về Việt Nam trước vài tháng, có khi trước cả nửa năm. Như H.P., một du học sinh đang học tại Sydney, từ ngày 1.12.2015, cô đã đặt mua 2 vé máy bay khứ hồi về Việt Nam giá 1.700AUD vào ngày 30.6.2016 và như các nạn nhân khác, H.P. vừa phát hiện mã vé mà Vi Tran đưa cho cô là không có thật.
Cảnh sát bang New South Wales làm việc với đại diện Hội du học sinh Việt Nam ở Úc – Ảnh: VDS
Tương tự, nhiều trường hợp phát hiện Vi Tran dùng mã vé của người này để gắn lên cái tên của người kia. Cho đến khi bị phát hiện và bị khách hàng giục giã, Vi Tran mới bỏ tiền ra mua vé và đưa mã thật cho du học sinh, có lúc ngay sát giờ lên máy bay, với tấm vé vét ở hạng thương gia và Vi Tran “nổ” với khách hàng của mình là đã nâng hạng miễn phí cho họ. Với cách làm “liều mạng” này, Vi Tran lại được những khách hàng của mình tâng bốc về dịch vụ “hảo hạng với giá rẻ” mà chỉ có thể tìm thấy ở Vi Tran.
Trả lời Thanh Niên, Vietnam Airlines khẳng định Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với họ. Theo đánh giá của cảnh sát Úc, việc mua bán giữa khách hàng với Vi Tran là các giao dịch dân sự giữa các cá nhân, không liên quan đến Vietnam Airlines.
N.Đ.T.N. một nạn nhân khác của Vi Tran, đang du học tại Melbourne (bang Victoria) đau khổ kể: “Em là du học sinh đã ở Úc được 2 năm 7 tháng và đây là lần đầu tiên đặt vé về Việt Nam.
Bạn bè em đều mua vé của chị Vi Tran vì dich vụ tốt, những lời khen có cánh và khuyến mãi giá rẻ. Bạn bè em đi một năm trước thì bình thường và em đã vui mừng vì gặp được một đại lý bán vé có giá tốt cho sinh viên”.
“Em đặt mua 2 vé vào tháng 11.2015, bay ngày 10.1.2016, khứ hồi ngày 15.2.2016 nhưng do không có đủ tiền nên em phải xin trả góp. Tiền vé là 2.480AUD, đã bao gồm 40kg hành lý. Sau những lần gửi hoàn tất, Vi Tran gửi lại em cái mã vé.
Em và bạn trai nghĩ rằng đó là vé máy bay. Cách một tuần, em quên là vé được mang bao nhiêu kg hành lý nên lên Vietnam Airlines kiểm tra, thì thấy mã vé đã bị hủy. Thấy có chuyện không hay và lập tức lên Hội du học sinh ở Melbourne, thì thấy rành rành trước mắt, mình là một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo rất tinh vi…”, N.Đ.T.N. tức tưởi kể.
Các nạn nhân vụ Vi Tran đến trình báo cảnh sát ở khu Bankstown – Ảnh: C.T.V
Lợi dụng phương thức đặt vé trước, xác nhận thanh toán sau trong 12 giờ của Vietnam Airlines và cách tạo niềm tin với cộng đồng du học sinh Việt ở Úc trong hơn một năm qua, đến thời điểm bị bại lộ, Vi Tran đã thực hiện việc “huy động vốn” từ thủ đoạn bán vé máy bay giá rẻ cho trên 400 du học sinh Việt ở Úc với số tiền lên đến khoảng 500.000 AUD (tương đương 7,8 tỉ đồng), một số tiền không nhỏ.
Tín dụng “đen”?
Nhiều nạn nhân của Vi Tran đặt câu hỏi, với cách bán vé giá rẻ hơn cả các đại lý của các hãng hàng không trung bình từ 100 – 200AUD một vé khứ hồi, có lúc rẻ đến hơn 400AUD, thì làm sao Vi Tran có lời để duy trì “dịch vụ” trong hơn năm qua.
Từ các tài liệu Thanh Niên thu thập được do các nạn nhân cung cấp, cho thấy, Vi Tran dùng chính tiền vé của các nạn nhân để bù lỗ. Và với việc “găm” tiền của du học sinh, đưa mã vé ảo hoặc bị hủy, đến giờ chót mới cung cấp mã vé thật cho khách hàng lên máy bay là cách mà Vi Tran kéo dài thời gian giữ vốn để sinh lợi.
Các nạn nhân vụ Vi Tran đến trình báo cảnh sát ở khu Town Hall – Ảnh: C.T.V
Với thị trường “tín dụng tự do” sinh động và được rao nhan nhản trên các tờ báo tiếng Việt ở Úc, mọi người không khó để tìm ra một địa chỉ “vay nóng” với lãi suất “hấp dẫn từ 15 – 20%/ngày” mà không cần phải đạt được những điều kiện khắt khe như vay của ngân hàng.
Không loại trừ, Vi Tran có thể đã tham gia “huy động vốn” từ chiêu lừa bán vé máy bay giá rẻ, để cung cấp tiền cho “thị trường tín dụng tự do” này để kiếm lời. Vì vậy, đằng sau cú lừa vé máy bay giá rẻ mà Vi Tran thực hiện, có thể là cả một đường dây “tín dụng đen” mà người đứng sau cái tên Vi Tran là một mắt xích. Và như mẹ của Lê Mỹ Trúc, người đứng sau cái tên Vi Tran, nói: “Chuyện này giống như vỡ nợ”.
Những ngày qua, phóng viên Thanh Niên liên tục liên lạc với gia đình Lê Mỹ Trúc sau khi bà Nguyễn Thị Hoài Mỹ hứa trả tiền lại cho các nạn nhân có mua vé máy bay thông qua con bà trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 8.1, nhưng bà Mỹ từ chối cho biết làm thế nào để các nạn nhân có thể được nhận lại tiền và bà có mong muốn hợp tác với cảnh sát ở Úc như thế nào.
“Chúng tôi sẽ hoàn tiền lại cho những người mua vé. Nhưng trước hết chúng tôi chỉ ghi nhận thông tin, sau đó đối chiếu, xác nhận lại với con gái. Những trường hợp có chứng từ chúng tôi sẽ giải quyết”, mẹ Lê Mỹ Trúc nói.
Liên quan đến vụ hàng trăm du học sinh Việt ở Úc bị lừa mua vé máy bay, trong đó có nạn nhân khai đã gửi tiền vào tài khoản mang tên My Truc Le, hôm qua PV Thanh Niên đã tìm gặp bà Nguyễn Thị Hoài Mỹ, mẹ của Lê Mỹ Trúc.
Bà Mỹ là bác sĩ, đang công tác tại một BV ở Tiền Giang, thừa nhận con bà có liên quan vụ việc và cho biết: “Từ hôm qua tôi có đọc thông tin trên mạng, đồng thời cũng liên lạc với con gái Lê Mỹ Trúc qua điện thoại để hỏi lý do”.
Theo bà Mỹ, lâu nay bà chỉ biết sơ qua việc con gái bán vé máy bay qua mạng để hưởng hoa hồng. “Mỹ Trúc đặt vé cho khách hàng thông qua con nhỏ nào đó rồi bị lừa. Tới giờ chót, không có vé, khách điện thoại hỏi mới hoảng lên.
Chuyện này cũng giống như vỡ nợ. Khi có người tố cáo thì nhiều người khác chưa biết có đặt vé qua con gái tôi không nhưng họ cũng lên tiếng, đổ thừa cho nó. Thế là nó mang tiếng lừa, vì nó đã chỉ mối cho người khác bán vé”, bà Mỹ nói.
Trang Facebook Vi Tran dùng để giao dịch nay đã khóa
Bà Mỹ cho hay vợ chồng bà có 2 con gái, Mỹ Trúc là con lớn, 25 tuổi. Trúc sang Úc du học từ năm 1997, đã tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế – kế toán, vừa sinh con đang nghỉ hậu sản. “Mỹ Trúc vẫn ở chỗ cũ không có thay đổi gì hết”, bà Mỹ nói và khẳng định: “Trong trường hợp này, vì chuyện xảy ra bên Úc chúng tôi không nắm được.
Tuy nhiên, tinh thần chung là gia đình chúng tôi sẽ khắc phục hậu quả, nếu có. Chúng tôi sẽ hoàn tiền lại cho những người mua vé. Nhưng trước hết chúng tôi chỉ ghi nhận thông tin, sau đó đối chiếu, xác nhận lại với con gái.
Những trường hợp có chứng từ chúng tôi sẽ giải quyết, hỗ trợ, chứ giờ người ta nói tùm lum tiền đâu chúng tôi trả cho nổi. Tại con gái tôi dại nên khi xảy ra chuyện thì không biết con nhỏ kia ở đâu, không có hình ảnh, địa chỉ, chỉ biết là người Úc gốc Việt”.
Nạn nhân của vụ lừa vé máy bay ảo đến trình báo sự việc với cảnh sát – Ảnh: CTV
Về thông tin Trúc chuyển tiền về VN qua tài khoản của gia đình, bà Mỹ nói: “Hoàn toàn không có chuyện đó. Trước giờ chỉ có tôi cho nó chớ nó chưa cho tôi đồng nào”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đến thời điểm này, đã có trên 400 nạn nhân ở 2 thành phố lớn nhất Úc là Sydney và Melbourne, trong đó nhiều nạn nhân đến trình báo trực tiếp tại các trụ sở cảnh sát ở địa phương chứ không thông qua VDS hay cơ quan đại diện VN tại Úc.
Cùng ngày, ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Úc, gửi thư đến cộng đồng du học sinh tại Úc. Ông Nghị đánh giá đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và đáng tiếc xảy ra với sinh viên VN tại Úc, là bài học kinh nghiệm cho tất cả mọi người. Đại sứ quán rất mong các sinh viên bình tĩnh, đoàn kết, tuân thủ pháp luật của nước sở tại, đồng thời hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng của Úc.
Không ít Việt kiều về thăm quê rồi kêu trời bởi chi phí tốn kém, từ quà cáp, du dịch, ăn uống, mua sắm… không chỉ cho người thân trong nhà mà cả họ hàng dòng tộc.
Vài năm lại đây, nhiều người Việt Nam có xu hướng sang nước ngoài định cư, tìm kiếm một công việc với mức lương cao hơn, đời sống tốt hơn. Khi có điều kiện, thi thoảng họ về thăm người thân, họ hàng, quê hương – nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mình gắn bó.
Trong khi đó, phần lớn người thân của họ lại nghĩ rằng, xứ người là “miền đất hứa” nên kiếm tiền rất dễ dàng. Và chắc là “ở bển” sống sung sướng lắm, từ đó, hình thành suy nghĩ “thâm căn cố đế” rằng cứ Việt kiều thì là người giàu có, Việt kiều về nước thế nào chẳng có quà cáp, bao cả gia đình, người thân ăn uống, mua sắm, du lịch.
Việt kiều về nước trong niềm hân hoan chào đón của người thân
Thực tế, có Việt kiều phải méo mặt với những bữa tiệc linh đình mời bà con họ hàng xa đến mấy đời trong làng, ngõ xóm.
Như trường hợp của chị Nga (32 tuổi, định cư ở Úc), sau 6 năm trời trở về Rạch Giá. Anh trai cô tiếp đón linh đình, mời tất cả bạn bè, anh em đến để “chia sẻ” niềm vui với gia đình sau bao năm đoàn tụ và đón người con xa quê hương. Bữa tiệc chào mừng ngày trở về lên đến cả trăm mâm, mà anh trai cô cứ nhất quyết phải tổ chức ở khách sạn năm sao cho xứng đáng với mác Việt kiều.
Chưa hết, hôm đó cả nhà phải mặc đồ tây. Anh trai dắt cô như ngôi sao trên thảm đỏ giới thiệu với mọi người cô là chủ của một cửa hiệu thiết kế thời trang nổi tiếng ở xứ người. Cô chỉ biết cười ngượng ngùng vì chẳng ai biết được sự thật cô chỉ là công nhân của một xưởng may bên Úc.
Bữa liên hoan mặn với hóa đơn lên đến hai trăm triệu cũng đủ làm cô choáng váng. Ở được mấy ngày, cô xin phép về nước nếu không sẽ còn phải bao gia đình đi nghỉ resort ở biển, đi picnic,…
Nhiều Việt kiều phải làm lụng rất vất vả ở xứ người, nhưng nghĩ đến người thân ở nhà còn lam lũ, thiếu thốn hơn nên cố “cày” thêm 1-2 giờ để chắt bóp gửi về nhà. Tuy nhiên, sự vất vả ấy thì không ai biết đến. Những người ở nhà lại suy nghĩ bên đó làm ăn khấm khá lắm mới gửi tiền về, và họ đương nhiên coi đó là chuyện thường.
Em gái anh Tấn (Việt kiều định cư bên Canada) thấy mấy bà cô hàng xóm nói bóng nói gió nhà có Việt kiều mà để mẹ già chui ra chui vào túp lều tranh. Tức tốc, cô thảo thư bảo anh gửi tiền về xây nhà cho mẹ và mua cho mẹ đủ thứ tiện nghi.
Những bữa tiệc linh đình mừng người con xa quê hương trở về.
Anh Tấn lắc đầu chua chát: “Mình là con trai trưởng phải để mẹ cho em gái nuôi nên có trách nhiệm đóng góp chút ít. Hôm vừa rồi, mình bay về nước thăm nhà. Về đến nơi, không thấy mẹ đâu, thấy em rể đang ngồi điều hòa nhậu bia cùng lũ bạn rồi hát karaoke ầm ĩ.
Em gái mình bảo mẹ già yếu gửi mẹ đến viện dưỡng lão rồi, tiền anh gửi về mỗi tháng đều trích vào đó. Thế là mình mất không cả ngôi nhà tổ tiên xây mới cùng bao nhiêu tiền tích cóp mà chưa báo đáp được mẹ ngày nào”.
Anh Hoàng (Việt kiều Mỹ) cũng cùng hoàn cảnh tương tự khi đầu tư cho chị gái làm ăn bằng việc mua một chiếc Mercedes 24 chỗ. Từ ngày có xe bà chị làm ăn khấm khá. Tiền bà chị giữ, chi phí cho xe như tiền bảo hiểm, tiền bảo trì, anh vẫn tiếp tục chi viện.
Nhưng đến khi chiếc xe gặp tai nạn, bà chị ngay lập tức khai báo tên anh làm chủ sở hữu. Anh phải bay về nước giải quyết và chịu phạt đến 30.000 USD. Sau vụ việc này, vợ anh phát hiện ra và đã đâm đơn ly hôn.
Thậm chí, có Việt kiều còn bị chính người thân của mình lừa gạt vì suy nghĩ nếu có mất mát chút đỉnh thì cũng không đáng kể gì.
Chị Thi Anh (Việt kiều Hà Lan) tâm sự: “Mình đã bị chính người chị ruột lừa tiền vì quá tin tưởng. Chả là, mấy năm trước về nước chị gái dẫn đi thăm vùng lấn biển, chị bảo dự trù mua vài lô, chỉ cần 1 năm sau là giá gấp đôi.
Bạn chị ấy năm ngoái mượn tiền mua 2 lô, năm nay nó bán một lô, tiền lời đủ chi trả cho cả hai. Ngay chiều hôm đó, hai chị em đi thăm đất, và quyết định mua 4 lô. Chị mình tạm thời đứng tên dùm, khi nào nhà nước cho Việt kiều đứng tên thì sẽ sang tên cho em.
Mỗi lần mình gọi điện thoại về Việt Nam hỏi thăm, chị gái đều báo tin vui vì giá đất tăng. Một năm sau, mình ngỏ ý muốn bán vì bên này đang khó khăn mới ngã ngửa chị mới thú nhận không mua mảnh đất nào cả mà đã dồn vào tiền mở kinh doanh nhà hàng nhưng thua lỗ. Lúc đó mình chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay vì đồng tiền mồ hôi xương máu đã biến mất lúc nào không hay”.
Với tâm lý đề phòng, sợ bị người thân moi tiền nên một số Việt kiều giờ mỗi lần về thăm quê hương lại phải đắn đo, suy tính. Số lần về quê của họ cũng thưa dần.
Minh Quang Pham, người gốc Việt, hôm qua thừa nhận hỗ trợ al-Qaeda ở Yemen, nơi người này học cách chế tạo bom với âm mưu tấn công một sân bay tại Anh.
Minh Quang Pham, 33 tuổi, đã thừa nhận ba cáo buộc gồm hỗ trợ vật chất cho al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP), nhận huấn luyện quân sự từ AQAP và sở hữu, sử dụng một khẩu súng máy, AFP đưa tin.
Minh Quang Pham. Ảnh: Department of Justice
“Pham hỗ trợ vật chất cho các vị trí cao nhất của AQAP. Tất cả đang chờ đợi bản án đối với anh ta”, thẩm phán liên bang Preet Bharara nói.Pham rời London đến Yemen vào tháng 12/2010. Tại Yemen, Pham được huấn luyện bởi Anwar al-Awlaki, một thủ lĩnh AQAP đã bị tiêu diệt bởi máy bay không người lái năm 2011.
Al-Awlaki dạy Pham cách chế tạo bom sử dụng những hóa chất trong nhà và chỉ đạo Pham cho nổ thiết bị này ở sân bay Heathrow, Anh. Reuters dẫn lời thẩm phán liên bang Sean Buckley cho biết al-Awlaki trả Phạm 10.000 USD để thực hiện âm mưu trên.
Pham bị tạm giữ khi quay trở về Heathrow tháng 7/2011 do nhà chức trách phát hiện một băng đạn xuyên giáp trong hành lý. Anh ta sau đó bị bắt tại Anh vào tháng 6/2012 theo đề nghị từ Washington và được dẫn độ về Mỹ tháng 2/2015.
Bobbi Sternheim, luật sư bào chữa cho Pham, nói thân chủ của bà chịu “đầy đủ trách nhiệm” đối với những cáo buộc đã thừa nhận. Theo bà Sternheim, “không có bằng chứng” cho thấy Pham đã thực hiện kế hoạch để gây ra thiệt hại ở Heathrow.
Pham có thể nhận tối đa là án chung thân hoặc tối thiểu 30 năm tù. Người này dự kiến bị tuyên án vào ngày 14/4.
AQAP được thành lập năm 2009 sau khi các phiến quân ở Yemen và Arab Saudi hợp nhất. Nhóm này có liên quan đến hàng loạt cuộc tấn công khủng bố, trong đó có vụ thảm sát tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, Pháp hồi tháng 1 năm ngoái. AQAP cũng đứng sau âm mưu cho nổ tung một phi cơ chở khách Mỹ trên bầu trời bang Michigan vào ngày Giáng sinh năm 2009.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 110.000 học sinh, sinh viên du học tại 47 quốc gia với học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD cho một học sinh, sinh viên. Tức là, Việt Nam đang tốn khoảng 3 tỷ USD cho du học mỗi năm.
Theo báo cáo của Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO ) cho thấy tỷ lệ năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 nằm trong những nước thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cụ thể thấp hơn 15 lần so với Singapore, 11 lần so với Nhật Bản, và thấp hơn so với Hàn Quốc 10 lần.
Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy, mặc dù có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Cơ hội cho Việt Nam là tăng cường các kỹ năng của lực lượng lao động để nhanh chóng nâng cao năng suất.
Nhóm công tác dẫn báo cáo của Cục Đào tạo với nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho thấy, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học mỗi năm đều tăng với con số hiện tại là trên 110.000 học sinh, sinh viên tại 47 quốc gia với học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD mỗi năm cho một học sinh, sinh viên.
“Nói cách khác, Việt Nam đang “xuất khẩu” khoảng 3 tỷ USD mỗi năm để gửi con em mình ra nước ngoài học” – Nhóm công tác Giáo dục VBF cho biết.
Trong khi đó, theo Luật Đầu tư, giáo dục được khuyến khích đầu tư cao, các cam kết WTO và văn bản hướng dẫn khác cũng cho phép tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực lên đến 100%. Tuy nhiên, theo điều 24 của Nghị định 73 ban hành năm 2012, cơ sở giáo dục nước ngoài có thể tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng số học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường và ở bậc trung học phổ thông không quá 20%.
Do vậy, vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải là tỷ lệ học sinh Việt được phép học trong trường quốc tế lại tính toán dựa trên số lượng học sinh nước ngoài đăng ký học.
“Chúng ta thử làm một phép tính đơn giản, thì kết quả là chỉ 1 học sinh Việt Nam trong số 10 học sinh nước ngoài đã đăng ký được phép học trong một cơ sở giáo dục đầu tư nước ngoài. Nếu các cơ sở đầu tư nước ngoài không có đủ số lượng học sinh nước ngoài, học sinh Việt Nam không được phép đăng k{ học” – ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác Thương mại và Đầu tư thuộc VBF cho biết.
Ông Burke cũng cho rằng, quy định này đã gây khó khăn cho một số nhà đầu tư nước ngoài trong môi trường giáo dục ngoài các thành phố lớn, bởi có rất ít người nước ngoài sinh sống và làm việc ngoài Hà Nội và TP HCM. Hậu quả là đầu tư nước ngoài vào giáo dục tiểu học và trung học bị khép lại tại các tỉnh, thành phố khác.
Do thiếu số lượng học sinh nước ngoài nên việc đầu tư và duy trì được một hoạt động kinh doanh đầu tư vào giáo dục cho học sinh địa phương là không khả thi. Hậu quả là, đầu tư nước ngoài vào giáo dục tiểu học và trung học trên thực tế bị khép lại tại các thành phố cấp hai của Việt Nam.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi khuyến nghị rằng chính phủ Việt Nam nên xem xét lại hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 73. Một chính sách linh hoạt hơn sẽ phù hợp tại các địa phương có số học sinh nước ngoài ít, hoặc có thể áp dụng các quy định về kiểm định chương trình học khác nhau” – Nhóm công tác kiến nghị.
Đô la Úc đã bị giảm giá trong bối cảnh các thị trường toàn cầu đang gặp khó khăn do nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu đi xuống.
Vào lúc 5pm thứ Tư 6/1, đô la Úc được giao dịch ở mức 71.20 US cent, giảm từ mức 71.99 cent trong hôm thứ Ba trước đó. Thống kê công bố hôm thứ Tư 6/1 cho thấy, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ trong tháng Mười hai của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua.
Thông tin này được công bố chỉ hai ngày sau khi có thống kê cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong 10 tháng liên tiếp.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty Think Forex ông Matt Simpson cho biết, thống kê về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ sẽ được công bố vào sáng thứ Năm 7/1. “Các thương nhân đang mong đợi thống kê này sẽ không khả quan.
Nhưng nếu thống kê cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng trưởng mạnh thì đô la Úc có thể giảm xuống mức 70 US cent”, ông Simpson dự đoán. Biên bản cuộc họp tháng Mười hai của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Hoa Kỳ cũng sẽ được công bố vào tối ngày 6/1.
“Đây là biên bản cuộc họp quyết định tăng tỷ lệ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên sẽ thu hút nhiều người quan tâm”, ông Simpson nhận định.
Theo thống kê của chuyên trang địa ốc TheMoveChannel.com, lượt tìm kiếm BĐS tại thành phố Melbourne của Australia đã tăng lên rõ rệt trong vòng 12 tháng qua. Melbourne hiện là địa điểm đầu tư BĐS cực kì hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Tháng 7 năm nay, Melbourne đã thay thế Perth để trở thành điểm nóng bất động sản hấp dẫn nhất Australia dành cho giới đầu tư. Trên trang web TheMoveChannel.com, thành phố này chiếm 7,7% trong tổng số lượt tìm kiếm bất động sản tại Australia, theo sau là Sydney (6,4%), Perth (4,6%), Adelaide (2,9%) và Brisbane (2,7%).
Melbourne là thành phố được giới đầu tư bất động sản ưa thích
Dan Johnson – Giám đốc TheMoveChannel.com nhận định: “Melbourne là môi trường sống lí tưởng cho nhiều người với các phong cách sống khác nhau.
Những năm gần đây, Melbourne liên tục được xếp hạng là một trong những thành phố hàng đầu thế giới về chất lượng cuộc sống. Cùng với Sydney, Melbourne luôn nhận được sự quan tâm của người mua nhà từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà đầu tư cũng không bỏ qua cơ hội sinh lời hấp dẫn này.”
Tuy nhiên, Melbourne chỉ giữ ngôi đầu về số lượt tìm kiếm bất động sản. Xét về số lượng yêu cầu hỏi mua cụ thể, người mua tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến bất động sản tại tiểu bang Queensland, đặc biệt là thành phố Gold Coast.
Các thành phố thuộc Queensland chiếm tới 84,31% trong tổng số yêu cầu hỏi mua bất động sản, tăng mạnh so với tỉ lệ 37,95% của cùng kì năm ngoái.
Tiểu bang New South Wales chiếm 6,31%, phần lớn là nhờ sức hấp dẫn của thành phố Sydney. Miền Tây Australia đang mất đi sức hấp dẫn của mình khi số yêu cầu hỏi mua bất động sản tại đây đã giảm tới 25.66% so với 1 năm trước.
Khảo sát của TheMoveChannel.com cũng chỉ ra thói quen tìm kiếm và nhu cầu cụ thể của người mua bất động sản tại Australia. Các từ khóa chung chung như “bất động sản Australia” hay “bán bất động sản Australia” ít phổ biến hơn so với cách đây 1 năm.
Hiện tại, từ khóa được sử dụng phổ biến nhất là “bán nhà ở Australia”. Các phân khúc bất động sản khác có lượt tìm kiếm ít hơn hẳn.
Chính chữ ký kỳ quặc của Jared Hyams đã khiến anh mệt mỏi đấu tranh trong 5 năm để được công nhận pháp lý.
Jared Hyams, 33 tuổi, đến từ bang Melbourne của Úc lần đầu tiên ký chữ ký của mình vào một mẫu đăng ký của Ủy ban Bầu cử ở Úc. Ban đầu, Jared Hyams coi đó chỉ là một trò đùa cho vui khi chữ ký của anh có hình dương vật. Nhưng sau đó, anh đã chiến đấu trong 5 năm để chữ ký của mình có thể được công nhận về mặt pháp lý.
“Ban đầu tôi chỉ nghĩ rằng đó là một trò đùa, họ sẽ chấp nhận chữ ký đó và năm tới tôi sẽ thay đổi chữ ký của mình. Nhưng sau đó tôi đã nhận được công văn và các cuộc điện thoại từ các cơ quan chức năng nói rằng họ không chấp nhận. Tôi thấy nó cũng thú vị chứ, tại sao lại không?”, Jared Hyams nói với một tờ báo Úc.
Sau nhiều năm chiến đấu, chữ ký của Hyams đã được công nhận. Tuy nhiên anh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn không lường trước được trong cuộc sống.
Sau đó, Jared Hyams đã áp dụng chữ ký đó lên tất cả những giấy tờ cá nhân của anh và bắt đầu cuộc chiến đấu trong 5 năm để chữ ký đó được công nhận pháp lý. Cuối cùng, chữ kỳ hình của quý của Jared Hyams đã xuất hiện trên chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe cũng như các giấy tờ quan trọng khác.
Tuy nhiên, anh cũng vẫn gặp phải một số khó khăn khi nhiều văn phòng hành chính coi đó là hành động tấn công, “quấy rối tình dục” với các nhân viên. Jared Hyams đã bị từ chối không được làm hộ chiếu, cũng như bị trượt khi nộp đơn ứng tuyển vào một vị trí công việc tình nguyện cho trẻ em vì chữ ký của mình.
Có vẻ như cuộc chiến chữ ký “của quý” của Jared Hyams vẫn chưa thể dừng lại.
Một số thiếu nữ trẻ châu Á khi du học Úc đã rơi vào bẫy của những đường dây buôn người ở Trung Quốc, Đài Loan dưới danh nghĩa các trung tâm môi giới và bị ép bán dâm trong các nhà thổ để trả nợ.
Rơi vào động quỷ
Rose là một cô gái Trung Quốc, 28 tuổi, đến thành phố Melbourne vào tháng 8/2009. Trước đây, cô từng có chứng chỉ kinh tế và một cửa hàng quần áo ở Trung Quốc.
Vì mong muốn được sinh sống ở nước ngoài nên cô đã tìm đến một trung tâm môi giới ở Trung Quốc để làm thủ tục sang Úc học tiếng Anh với chi phí 8.000 đô la, bao gồm tiền học, vé máy bay và các khoản khác
Sau khi xuống sân bay Melbourne, cô được đưa đến một khu trọ trong thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên cô gặp một người đàn ông tên Kevin Zheng.
“Anh ta rất to cao với cái đầu cạo trọc. Trông anh ta thuộc loại người thô thiển và kém thân thiện”, Rose nhớ lại.
Chỉ vài ngày sau khi đến Melbourne, Rose nhận được điện thoại từ một phụ nữ tên Taiwan Linda thuộc trung tâm môi giới đã giúp đỡ cô ở Trung Quốc. Người này cho biết cô còn nợ tới 20.000 đô-la chi phí sang Úc và vì vậy, cô bị buộc phải làm “gái” để trả nợ.
“Tôi thực sự sốc và không biết phải làm gì. Đầu óc tôi trống rỗng. Tôi cố gắng tìm cách rời khỏi nhà trọ. Tôi chạy ra phía cửa trước nhưng Kevin đã dùng sức mạnh để ngăn tôi lại. Tôi rất sợ anh ta đánh tôi”, Rose kể lại.
Lili, một cô gái khác có hoàn cảnh giống Rose cho biết Kevin là một “tên sát thủ”.“Có người nói với tôi rằng hắn ta đã giết vài người ở Shop 59. Điều này khiến tôi rất sợ hãi. Tôi hiểu rằng cơ hội trốn thoát là cực kì ít ỏi và để tồn tại, tôi không còn cách nào khác là phải nghe theo lời chúng”, Lili nói.
Nhiều cô gái bị lừa bán sang Úc để làm gái mại dâm dưới dạng visa sinh viên.
Một nhân chứng khác cũng từng bị quản thúc bởi Kevin cho biết trong khu nhà trọ có khoảng 10 cô gái châu Á đến từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Trung Quốc, Đài Loan. Họ bị nhốt, luôn trong tình trạng đói khát và nếu cần thứ gì thì phải thông qua Kevin.
Trên thực tế, đường dây buôn bán phụ nữ, trong đó có hai nạn nhân Rose và Lili, có trụ sở tại thủ đô Taipei của Đài Loan. Đứng đầu là một tú bà tên Zhang Qi Zhen nhưng thường được giới buôn người biết đến dưới tên gọi Taiwan Linda.
Thủ đoạn mà tú bà này sử dụng để qua mặt các cơ quan chức năng là thuê một luật sư ở Trung Quốc để giúp các cô gái xin visa sinh viên sang Úc học tiếng Anh, rồi sau đó sẽ ép buộc họ bán dâm với lí do để trả các khoản nợ cho trung tâm môi giới.
Ngoài Rose và Lili, còn có hàng trăm cô gái trẻ khác bị bán sang các nước như Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á và Úc.
Tủi nhục phận gái bán hoa
Ngay trong tối làm việc đầu tiên, Rose đã bị ép quan hệ tình dục (QHTD) với 6 người đàn ông.
“Tôi cảm giác mình ‘chết đi sống lại’ và như rơi vào địa ngục, không còn nơi bấu víu để sống”, Rose rùng mình nhớ lại. Tuy lao động cật lực nhưng tất cả tiền của cô làm ra đều do chủ nhà chứa nắm giữ.
Còn Lili thì thấy mình như “rơi vào một thế giới đầy rẫy quỷ dữ” với sự kiệt sức về thể xác và bị tra tấn về tinh thần. Chỉ trong hai tháng đầu làm việc, cô đã phải QHTD với hơn 400 người đàn ông.
Hai cô cho biết mặc dù phần lớn gái mại dâm nhập cư ở Shop 59 đều là tự nguyện nhưng chủ chứa của nhà thổ này vẫn bắt họ làm việc tới 15 tiếng/ngày suốt cả tuần. Không những thế, mỗi ca làm việc họ phải phục vụ tới 10 người đàn ông với các động tác kích dục và QHTD thiếu an toàn.
Một lao động tình dục nữ khác cho biết cô làm việc từ 11 giờ sáng đến 3-4 giờ sáng hôm sau và chỉ ngủ 3-4 tiếng/ngày nhưng vẫn bị đối xử tàn tệ, bị xâm hại tình dục, đánh đập và đe dọa tính mạng. Một số người còn bị ép dùng ma túy để có thể lao động cả ngày.
Sau đợt truy quét của cảnh sát nhằm vào nhà thổ Madam Leona, Lili và Rose cùng một số lao động tình dục khác đã bị chuyển đến làm việc ở Sydney.
Ông Kelly Hinton, giám đốc điều hành Tổ chức Project Respect, cho biết đây là một thủ đoạn phổ biến của bọn buôn người. Chúng thường xuyên luân chuyển phụ nữ sang các bang khác nhau để gây khó khăn cho cảnh sát trong việc tìm kiếm họ.
Hiện nay, có hàng trăm nhà thổ hợp pháp hoạt động trên khắp nước Úc, trong đó không ít chủ chứa liên quan đến nạn buôn người.
Ông Chris McDevitt, trung tâm chống buôn người thuộc lực lượng cảnh sát liên bang cho biết kể từ năm 2003 đến nay, cảnh sát nước này đã điều tra 305 trường hợp, giải cứu 184 nạn nhân, trong đó có 70% là nô lệ tình dục.