Vietucnews – Quần đảo Cocos (Úc) từng được mệnh danh là “thiên đường của thế giới” nhưng hiện ngập trong rác của nhựa dùng một lần, con số ước tính lên tới 410 triệu mảnh rác.
Nhà tự nhiên học Charles Darwin từng mê mẩn quần đảo Cocos (Keeling) với 27 đảo san hô nhỏ ở phía đông Ấn Độ Dương. Khi đến đây vào tháng 4/1836, ông đã viết trong nhật ký Charles Darwin’s Beagle Diary, rằng Cocos là nơi có bờ cát trắng đẹp nhất, “chắc chắn phải được xếp hạng là một trong những nơi tuyệt vời nhất thế giới”.
27 hòn đảo này là vùng lãnh thổ hải ngoại cách 1.300 dặm từ bờ biển tây bắc Úc. Những cây cọ xanh mướt, bờ cát trắng trải dài, và nước biển màu ngọc lam vẫn hiện hữu nơi đây.
Tuy nhiên, báo cáo mới công bố trên Scientific Reports cho thấy một hiện trạng đáng buồn. Vào năm 2017, Jennifer Lavers, một nhà nghiên cứu sinh thái biển thuộc Đại học Tasmania, đến thăm 7 trong số 27 đảo của Cocos, chiếm khoảng 88% tổng diện tích quần đảo. Hai đảo trong số đó có người ở với dân số khoảng 600, một đảo là vườn quốc gia với các loài chim biển. Lavers đã lấy mẫu phân tích từ đầm phá và bãi biển, xem xét nhiều loại trầm tích khác nhau, gồm cát và sỏi. Để chụp các mảnh vỡ khó thấy bằng mắt thường hơn, Lavers còn khai thác mẫu từ độ sâu 10 cm.
Lavers cho biết, những nơi cô đến lấy mẫu đều có rất nhiều rác. Cô ghi nhận được 23.227 mẩu rác trong một bãi cát. Khoảng một phần tư trong số đó là nhựa dùng một lần, đặc biệt là rất nhiều ống hút, bàn chải đánh răng, túi nilon và 60% là hạt vi nhựa (microplastic). Ngoài ra là dép xỏ ngón, chai nhựa và dây thừng.
Kết nối các dữ liệu thu thập trên mặt đất với hình ảnh trên không của các hòn đảo, Lavers và cộng sự ước tính tổng số rác có thể tồn tại trên toàn bộ quần đảo rơi vào khoảng 414 triệu mảnh. Nó giống như một dấu vân tay lớn của con người bị in nhòe trên một nơi từng có rất ít người.
Đường bờ biển nguyên sơ từng khiến Darwin mê hoặc là một phần của những gì thu hút Lavers đến với quần đảo Cocos. Tuy nhiên, hàng trăm triệu mảnh rác trên bờ biển ấy chính là điển hình cho những thứ trôi nổi khắp đại dương, do con người không thể thu gom và xử lý rác thải đúng cách.
Lavers lưu ý rằng con số 414 triệu chỉ là ước tính tối thiểu. Một phần vì những hạn chế khi khảo sát rộng, một phần vì phạm vi tác động của rác thải nhựa đã vượt quá mức kiểm soát. Hiện nay, các mảnh vỡ xuất hiện ở khắp đại dương, sông ngòi và cảnh quan trên khắp thế giới, từ nơi sâu như rãnh Mariana, cho tới điểm cao như sườn núi Pyrenees tại Pháp.
Nguồn: vnexpress
Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn: http://onelink.to/suwtvz
- Úc: Ngành tái chế rác thải thất thu hàng trăm triệu đô mỗi năm
- Mê cung hơi khổng lồ Katena Luminarium sẽ “phá đảo” Melbourne tháng 9 này
- Úc: Chuyển đổi visa du lịch sang du học như thế nào?