Mùa xuân ở Úc – mùa khổ sở của những người dị ứng phấn hoa

0
209

Vietucnews – Mùa Xuân ở Úc – mùa cây cối đơm hoa kết trái nhưng đó cũng là một mùa khổ sở với nhiều người. Theo dữ liệu mới nhất của cuộc Thăm dò Sức khỏe Quốc gia, ước tính ở Úc có gần 20% dân chúng bị hay-fever, hay còn được gọi là chứng dị ứng phấn hoa.

Nếu không may nằm trong số ấy, bạn sẽ bị các triệu chứng kéo dài như thường xuyên bị ách-xì, nước mũi chảy liên tục hoặc mũi bị nghẹt cứng, chảy nước mắt sống, cổ họng bị đau, cơ thể ngứa ngáy.

Nguyên nhân khiến bạn bị các triệu chứng này phần lớn là do bị dị ứng bụi phấn hoa từ cây, cỏ. Phấn hoa là do cơ quan sinh sản giống đực sinh ra, dựa vào gió hay côn trùng như ong bướm để tới thụ tinh ở nhụy hoa. Các nguyên nhân khác gây dị ứng bao gồm bụi, lông thú, nấm bào tử hoặc các chất ô nhiễm trong không khí.

(Ảnh: healthplus)

Tùy theo thể trạng của mỗi người, có người bị quanh năm nhưng đa số bị 3 tháng cuối năm gồm tháng Mười, Mười Một và Mười Hai. Mỗi khi có gió, bụi hay phấn hoa bay tốc lên trong không khí khiến chúng ta bị hắt hơi nhẩy mũi.

Ở Úc, chỉ số này đặc biệt cao ở vùng duyên hải phía Nam tiểu bang Victoria do các trận gió từ phía Bắc thổi xuống mang phấn hoa từ các cánh đồng cỏ bay tràn ngập trong không trung. Độ ẩm cũng có thể khiến nổi cơn dị ứng do sự ẩm thấp làm nấm mốc sinh sôi nẩy nở cả trong nhà lẫn ngoài đường.

Nhiều người cho rằng trời mưa sẽ khiến sự dị ứng phấn hoa giảm xuống. Chuyện này vừa đúng vừa không đúng.

Những trận mưa nhỏ và trung bình sẽ dìm phấn hoa xuống, hạn chế phấn hoa bay tản mát, giúp chúng ta đỡ được các triệu chứng của dị ứng. Tuy nhiên, những cơn mưa lớn thường đi kèm theo gió mạnh khiến nồng độ phấn hoa tăng cao trong không khí. Cũng vì vậy mà cơ quan y tế thường khuyến cáo về tình trạng “thunderstorm asthma”, có nghĩa là chứng hen suyễn mỗi khi trời trở cơn giông gió sấm chớp.

Theo một cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ, với sự phân tích dữ liệu khí tượng và chỉ số phấn hoa trong suốt 14 năm, các nhà khoa học nhận thấy nồng độ phấn hoa trong không khí giảm xuống trong và ngay sau những trận mưa có vũ lượng dưới 10cm nhưng lại gia tăng nếu mưa lớn hơn 10cm vũ lượng.

Có một câu hỏi rất thú vị là giấc nào hay gây ra dị ứng nhiều nhất trong ngày? Đó thường là giấc trưa, do phần lớn phấn hoa được sản sinh vào buổi sáng và khi nhiệt độ tăng cao trong ngày, phấn hoa trở nên nhẹ hơn, bốc lên không trung và bay đi. Cũng có những loại phấn hoa có thể bay rất xa, thường là phấn hoa do cỏ dại sinh ra. Nếu chúng ta bị dị ứng với loại phấn hoa này, chúng ta sẽ thường xuyên bị hắt hơi vào giấc chiều. Do đó tùy thuộc vào sự dị ứng với phấn hoa loại gì, chúng ta thường sẽ xuất hiện những triệu chứng hay-fever ở giờ giấc tương ứng trong ngày.

Canberra là thủ đô của nước Úc nhưng cũng xứng danh là thủ đô dị ứng phấn hoa của dân Úc. Canberra là thành phố được tái tạo sau này nên được trồng rất nhiều hoa, trong đó có những vườn hoa nổi tiếng thu hút du khách thập phương đến thưởng ngoạn vào mùa Xuân. Dựa theo số liệu của Viện Nghiên cứu Sức khỏe và An sinh Xã hội Úc, vùng lãnh thổ thủ đô ACT có tỷ lệ bị dị ứng phấn hoa trong năm tài khóa 2017 – 2018 cao nhất nước, đến 29% trong khi tỷ lệ trung bình trên toàn quốc khoảng 19%.

Có người lúc nhỏ không bị dị ứng vào mùa Xuân nhưng lúc lớn tuổi hơn lại bị. Chuyện này được giải thích là do hệ miễn nhiễm trong cơ thể đã suy yếu. Khả năng bị dị ứng đã được “viết” trên các nhiễm sắc thể trong bộ gene của chúng ta và có thể bị khởi động sau một trận cúm nặng hoặc một trận viêm phổi khiến tăng nguy cơ bị dị ứng sau này. Những người bị dị ứng nhẹ có thể mua thuốc anti-histamine không cần toa bác sĩ ở dạng thuốc viên, syrup, thuốc xịt vào mũi, vân vân. Những người bị nặng phải tới gặp bác sĩ và có thể sẽ được chích thuốc để cơ thể bớt nhạy cảm hơn đối với phấn hoa.

Mấy ngày nay “trời đất nổi cơn gió bụi”, bạn tha hồ mà hít phấn hoa. Nếu thấy mình ưa “ắt xì” vào lúc này, thì chẳng phải do ai nhắc hay nhớ đến mình đâu, mà chắc mẩm là do phấn hoa thôi!

Nguồn: Nguyễn Vy Túy

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz