Góc tâm sự: Chém gió những ngày cuối năm

0
167

Vietucnews – Cuối tháng, cuối năm, anh chị em cho phép mình tổng kết bằng chém gió linh tinh, lung tung, trúng cái nào mà giúp được chút nào cho anh chị em thì coi như là phần quà cuối năm cho mình, một phiên dịch viên NAATI nghèo tiền nhưng giàu tấm lòng. Những gì mình chia sẻ toàn là những chuyện gỡ rối tơ lòng cho vài anh chị em trên Facebook, danh tính được xóa bỏ để khỏi phiền lòng người hàng xóm cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Thí dụ một ngày đẹp trời nào đó người hàng xóm qua nhà anh chị em và mượn cái búa, cái kềm, máy cắt cỏ, vân vân và vân vân thì khi đưa, thay vì nhắc người mượn là ‘nhớ trả tui nhen’ thì người Úc có một câu slang ‘It’s a boomerang’ có nghĩa ‘mượn nhớ trả nhoa nhoa’. Câu nói nguyên văn là ‘It shapes like a boomerang’. Đơn giản là boomerang là một món võ khí vô tiền khoáng hậu của thổ dân Úc. Cái hay của nó là khi không trúng mục tiêu, nó sẽ bay vòng lại gần chỗ người ném, ý nói là ‘mượn thì nhớ mà trả cho tui nhen’.

Lỡ anh chị em nào phải đồng ý với ý kiến của một người khác thì thay vì nói ‘I agree’ thì anh chị em có thể nói ‘I concur’. Nghe nó sang chảnh lắm.

Úc, nhân viên công lực (cảnh sát, authorised officers, parking officer) không có quyền chặn một người lại để hỏi tên tuối hay ‘kiểm tra hành chính’. Nhưng khi mình phạm tội, dù nhẹ hay nặng, thì khi bị hỏi tên tuổi là mình phải khai thật. Nếu không khai thật thì mình có thể phạm thêm tội ‘khai man tên và địa chỉ’ – state false name or address.

Nhiều anh chị em bị những nhân viên công lực hỏi thăm sức khỏe khi quên ‘touch on touch off’ hay lỡ gác chân lên ghế trên xe lửa và nhiều khi lúng túng xài địa chỉ cũ và không thấy giấy phạt (penalty notice chứ không phải là ‘bill’ – giấy tính tiền) gởi về thì lo lắng. Theo ý mình thì nên liên lạc với địa chỉ cũ thường hơn để coi họ có gởi giấy cảnh cáo hay giấy phạt gì không.

Ở Úc, nhân viên công lực (cảnh sát, authorised officers, parking officer) không có quyền chặn một người lại để hỏi tên tuối hay ‘kiểm tra hành chính’. (Ảnh: coindesk.com)

Có bạn, vì lúng túng, nên đưa địa chỉ nhà bank. Một khi mà nhân viên công lực xác định address rồi thì họ sẽ tin tưởng là địa chỉ chính thức. Mà với họ thì khi cần, họ có thể yêu cầu nhà băng cung cấp thông tin cá nhân mà mình đã cung cấp khi mở tài khoản (tên, ngày sinh, số passport number và những thông tin khác). Cơ quan hành pháp có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp tin tức nếu dùng cho việc điều tra – an investigation agency can request for personal information to protect revenue or investigation a criminal offence.

Trường hợp tệ nhất là nếu họ gởi giấy phạt mà mình không đóng hay không viết thư xin xỏ thì từ giấy phạt, thí dụ $100, sẽ thành $120 rồi thành $300 và cuối cùng là họ làm thủ tục đưa ra tòa xin xử khiếm diện (ex-parté hearing) và sau một thời gian thì họ sẽ ra tòa xin trát tòa để gặp đâu bắt đó (warrant to arrest).

Thường với những tội tiểu hình thì cảnh sát hay thừa phát lại (sherrif office) ít đi kiếm người lắm nhưng hồ sơ sẽ còn đó (nhất là khi đã có warrant to arrest). Nó cứ nằm đó chơi chơi nhưng tới khi mình xin Police Clearance Certificate thì mới tá hỏa là đã có tiền án.

Mình đã từng phải giúp nhiều anh chị em bị hoàn cảnh này, có người thoát, có người kẹt. Tội không đáng gì nhưng không nên khinh thường. Ta nói ở xứ khác có luật rừng nhưng ở đây thì một rừng luật.

Một câu chuyện khác – có người lại hỏi thăm về những giấy phạt khi chạy xe. Ở Victoria, chỉ có một tội mà có thể xin xỏ, ca bài ca con cá là tội chạy quá tốc độ nhưng phải tùy vào 3 điều kiện:

  • Bạn bị bắn tốc độ, bị chụp hình hay bị Cảnh Sát quả tó nhưng tốc độ KHÔNG VƯỢT QUÁ 10km/giờ. Có nghĩa là nếu đường cho chạy 50 mà bạn chạy 60 hay cho chạy 100 mà bạn chạy 110. Tình thật nếu bạn bị quả tó chạy 60 hay 110 thì có nghĩ bạn đã chạy 64 hay 104 rồi vì họ du di cho bạn 4km/g rồi đó.
  • Trong 2 năm vừa qua, bạn chưa từng bị quả tó về bất cứ tội tốc độ nào và trong 2 năm vừa qua chưa từng được ‘tạm tha’.
  • Bạn phải nhận lỗi đã chạy quá tốc độ.

Nếu anh chị em hội đủ 3 conditions này thì cứ viết thư và xin được giấy ‘Warning’ – cảnh cáo. Khi sảnh sát kiểm tra và đúng thì họ sẽ gởi giấy Warning cho mình.

Khi gởi thư xin xỏ thì nhớ gởi bằng Registered Mail (thư bảo đảm) để có chứng cớ là mình đã gởi trước ngày đáo hạn phải đóng phạt. Và không cần phải đóng phạt dù đáo hạn phải đóng. Cảnh Sát sẽ gởi thư báo họ đã nhận thư và mình cứ thấp thỏm chờ. Khi nào nhận được giấy Warning thì cứ liên lạc với Phiên Dịch Oz Nguyễn (có công chứng NAATI) và mời Oz Nguyễn một ly Gong Cha số 9.

Nếu lỡ anh chị em bị bắt vượt đèn đỏ, quá tốc trên 10km/giờ thì xin đành ngậm ngùi mà trả vì họ coi những tội này là ‘serious traffic offence’ – và chắc chắn họ sẽ không tha nhưng có cái lợi là họ lại cho mình thêm 28 ngày để trả.

Nếu lỡ anh chị em bị bắt vượt đèn đỏ, quá tốc trên 10km/giờ thì xin đành ngậm ngùi mà trả vì họ coi những tội này là ‘serious traffic offence’. (Ảnh: westernadvocate.com.au)

Một cái vấn đề nhức nhối với nhiều anh chị em là điểm trừ với bằng lái Việt Nam. Mà trước khi nói về bằng lái Việt Nam thì cho mình phân biệt 2 loại bằng – bằng Việt Nam do Bộ GTVT cấp tức bằng (lái) quốc gia và bằng (lái) quốc tế.

Bằng quốc tế là một loại chứng từ được cấp khi một người PHẢI có bằng quốc gia. Khi sử dụng bằng quốc tế thì người sử dụng PHẢI có bằng quốc gia và khi bị kiểm tra phải trình cả 2 bằng. Trường hợp một anh người Ý hay người Pháp qua Úc du lịch và muốn lái xe thì họ phải xin bằng quốc tế ở nước họ, đơn giản là vì bằng quốc gia của họ chỉ có tiếng Pháp hay tiếng Ý. Thành ra yêu cầu của Úc là nếu một người xài bằng quốc tế thì phải có bằng quốc gia kèm theo.

Trở lại chuyện bằng Việt Nam. Trước giờ, anh chị em có bằng Việt Nam (nhất là bằng song ngữ) thì cứ tự do thoải mái mà vi vu. Nhưng từ 29/10/2019, chính phủ Victoria (chỉ Victoria nhưng những tiểu bang khác sẽ theo, vấn đề là thời gian) ra luật mới yêu cầu ai mà ở Victoria hay có dự định ở Victoria trên 6 tháng thì phải có bằng quốc gia Úc, và hạn chót là 29/4/2020.

Sau ngày này, bằng quốc gia Việt Nam không có giá trị nếu anh chị em đã ở Victoria trên 6 tháng, căn cứ vào ngày nhập cư Úc Đại Lợi trên passport của anh chị em. Nhiều anh chị em có thắc mắc là ‘nếu bằng quốc gia không giá trị nữa thì tui xài bằng quốc tế’. Trở lại phần trên như mình nói, bằng quốc tế được cấp là dựa trên sự hiện hữu của bằng quốc gia, một khi bằng quốc gia không giá trị nữa thì bằng quốc tế cũng không còn giá trị. Cái quan niệm này dựa trên cái một trong những common law legal foundation – nền tảng của thường luật – the fruit of the poison tree – trái của cây bị độc thì cũng độc.

Nếu có ai cắc cớ hỏi vậy những du khách tới Úc chơi dài lâu thì sao, nhất là những du khách từ Việt Nam thường được cấp visa tạm trú 2 3 tháng. Trường hợp này những du khách này cứ tự do sử dụng bằng quốc gia kể cả bằng quốc gia Việt Nam. The operative words là ‘ở Victoria trên 6 tháng’ hay ‘dự định ở Victoria trên 6 tháng’. Lúc trước cảnh sát ít người biết theo luật thì người tạm trú khi lái xe phải mang theo passport để chứng minh mình chỉ là ‘tạm trú’ – temporary residence. Vì khi có ‘thường trú’ – permanent residence (‘PR’), thì người đó chỉ có 6 tháng để đối bằng kể từ ngày được cấp PR.

Chính phủ ra luật mới là vì một cái lỗ hổng trong luật giao thông. Anh cà-ri Sekhon ở NSW bị bắt quả tang đua xe với bạn share phòng 203km/h trên freeway chỉ cho chạy 100km/h ở Sydney. Khi bị bắt, CS khám phá ảnh đã bị 11 điểm (demerit points) và nếu là một người Úc thì he đã bị treo bằng nhưng vì he dùng bằng lái của Ấn nên không bị trừ điểm nên bằng của him vẫn có giá trị xử dụng. Vì chuyện này mà các Bộ GTVT đưa ra luật mới.

Riêng các anh chị em cũng nên lưu ý khi sử dụng bằng quốc gia Việt Nam và bị giấy phạt. Dù các anh chị em đã trả tiền phạt đầy đủ nhưng vì không có hệ thống trừ điểm bằng nước ngoài nên bằng quốc gia của các anh chị em vẫn còn giá trị nhưng mỗi lần bị giấy phạt thì điểm trừ nó vẫn còn nằm đó (dormant – giống như gấu ngủ đông), vẫn dính vào tên của anh chị em và tới khi các anh chị em xin bằng lái Úc thì những điểm này sẽ bừng dậy.

Thí dụ – thí dụ thôi nhen – trong 3 năm vừa qua, anh chị em bị 1 giấy phạt xài mobile khi lái xe (trừ 4 điểm), 1 giấy phạt quá tốc độ dưới 10km/h nhưng quên xin xỏ (trừ 2 điểm) và 1 giấy phạt quá tốc độ trên 10km/h nhưng dưới 20km/h nhưng trong public holiday (trừ 3 điểm nhưng nhân 2 thành 6 điểm) thì các anh chị em đã mất 12 điểm. Vậy thì khi vừa có bằng lái Úc, cái bằng này sẽ bị treo 3 tháng.

Một chuyện nhỏ nữa, liên quan tới việc nhà cửa. Một trong cách kiếm nhà của phần lớn các anh chị em là share phòng, thường gọi là share house hay rooming house. Một người bạn trên phây share một phòng trong một căn nhà sau khi thấy quảng cáo share phòng trên phây. Bạn mình ký hợp đồng chính thức đàng hoàng. Hợp đồng là bản in của chính phủ và bạn mình cũng đóng tiền bond đình huỳnh và còn giữ bằng chứng đã trả bond. Bạn mình đinh ninh là vậy là đã đủ và trả tiền share phòng cho ‘chủ nhà’.

Một trong cách kiếm nhà của phần lớn các anh chị em là share phòng, thường gọi là share house hay rooming house. (Ảnh: zillow.com)

Tới khi cơm thì sượng, canh thì mặn thì mới lòi ra ‘chủ nhà’ chỉ là người mướn nhà của agent và chia (share) phòng cho người khác.

Theo thủ tục thì người mướn nhà không thể share phòng và bỏ túi tiền share phòng như vậy. Luật không cấm 3 4 người bạn cùng đứng tên trên hợp đồng mướn nhà nhưng một người mướn mà lại đi cho mướn phòng lại thì ‘chủ nhà’ thì đã phạm vừa luật dân sự (civil law) – đã làm sai hợp đồng ký (breach of contract) với agent và vừa vi phạm luật hình sự (criminal law) vì Council là cơ quan chuyên trách về share house và họ rất nặng tay với những nhà share phòng ‘lậu’.

Chủ nhà mà muốn biến nhà mình thành share house thì phải xin giấy phép hoạt động (licence to operate) cho share house của mình. Bản thân chủ nhà cũng phải xin phép với Bộ Tư Pháp (Justice Department) để được cấp giấy phép làm chủ một share house. Được giấy phép này người xin phải là người trong sạch và không có tiền án.

Nếu anh chị em mà muốn share phòng thì nên hỏi ‘chủ nhà share’ là nhà có giấy phép hoạt động hay không và chủ nhà có giấy phép hoạt động hay không. Muốn chắc ăn thì anh chị em nên liên lạc với Council và hỏi cái địa chỉ này có phải là ‘registered rooming house or share house’ hay không.

Chuyện bond cũng là một vấn đề. Theo luật hiện hành, khi chủ nhà hay agent của chủ nhà (gọi tắt là agent hay chủ nhà cho nó tiện nhen) lấy tiền bond thì họ không thể bỏ túi mà phải nộp cho một cơ quan hữu trách, ở Victoria gọi là Bond Rental Authority (ở NSW thì gọi là Rental Bond Board).

Khi nhận được, chủ nhà sẽ được cấp một số biên nhận (receipt number) và chủ nhà có trách nhiệm báo cho người mướn số biên nhận này. Tới khi trả nhà, nếu chủ nhà mà thấy nhà bị dơ hay hư hỏng (not normal wear and tear – hao mòn thường trong xử dụng) thì chủ nhà có quyền trừ tiền bond nhưng không thể tự động trừ tiền bond, nếu người mướn không đồng ý.

Tới lúc này thì chủ nhà phải ra Tòa Hành Chính (Administrative Tribunal hay Rental Tribunal) mà xin Tòa cho phép họ trừ bond. Gọi là Tòa cho nó sang vì Tribunal (có thể dịch Ủy Ban) có thẩm quyền xét xử theo luật pháp và tuân thủ theo luật bằng chứng (law of evidence). Người mướn có quyền tham dự buối tố tụng này (không cần Luật Sư) và đưa ra bằng chứng tại sao mà người mướn không đồng ý.

Chủ nhà mà muốn biến nhà mình thành share house thì phải xin giấy phép hoạt động (licence to operate) cho share house của mình. (Ảnh: zillow.com)

Bởi vậy khi đi mướn nhà (hay mướn phòng) thì anh chị em phải điền vào một cái ‘Condition Report’. Đừng coi thường report này mà làm cho kỹ, thật kỹ. Để chắc ăn hơn, trước khi kiểm tra thì mua tờ báo ngày hôm đó, Khi kiểm tra thấy hư hỏng gì thì chụp hình chỗ hư hỏng VỚI tờ báo để có thể chứng minh hình chụp vào ngày đó tháng đó – the most powerful evidence – bằng chứng hùng hồn nhất.

Nhiều anh chị em phàn nàn là Oz viết dài quá, đọc dễ buồn ngủ. Càng tốt các anh chị em ạ, giấc ngủ rất quan trọng. Nếu bài viết giúp các anh chị em một giấc ngủ ngon thì âu cũng là một cái điểm tốt làm cho Oz đỡ tủi thân.

Vài lời thành thực, nghe được thì tốt, không nghe cũng xin bỏ qua cho.

Chúc các anh chị em một mùa Giáng Sinh tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa.

Oz Nguyễn – Phiên Dịch NAATI.

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz